1. Về mục tiêu đổi mới
Vấn đề kết hợp dạy chữ với dạy người, mục tiêu giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ được đề ra tại điểm 1 Điều 2 chúng tôi thấy: đây là những vấn đề không mới, mục tiêu này đã có từ rất lâu - ngay từ khi nền giáo dục cách mạng mới được hình thành đã có mục tiêu: là đào tạo con người mới vừa hồng vừa chuyên, với phương châm rất quen thuộc “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Vấn đề ở đây là những mục tiêu nói trên vẫn còn giá trị, vẫn phải tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn để thực hiện tốt hơn trong quá trình đổi mới giáo dục. Vì thế, để phản ánh đúng thực trạng và tránh ngộ nhận cho rằng những mục tiêu nói trên là hoàn toàn mới, tôi đề nghị bổ sung cụm từ tiếp tục đổi mới vào trước các mục tiêu nói trên.
2. Về yêu cầu đổi mới
Nghiên cứu các yêu cầu đổi mới tại điểm 2, Điều 2 của dự thảo cho thấy, không có yêu cầu nào đề cập đến sự kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới. Vì thế, đề nghị bổ sung vào điểm 2 của Điều 2 một yêu cầu cụ thể sau đây: đổi mới phải trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu và kinh nghiệm thành công của nền giáo dục cách mạng. Như vậy vừa đúng với tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương, vừa hạn chế được sự hiểu nhầm về một tư tưởng đổi mới theo hướng phủ định những thành tựu vô cùng lớn lao và quan trọng mà nền giáo dục cách mạng đã có được trong gần 70 năm qua.
3. Về nội dung kiểm tra, đánh giá
Điểm g, Điều 2 của dự thảo nghị quyết xác định: đổi mới căn bản đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng Hỗ trợ phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Thiết kế như vậy có nghĩa là chú trọng việc đổi mới theo hướng động viên, khuyến khích, hỗ trợ phát triển đối với người học - như cách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang làm đối với học sinh tiểu học trong hơn một tháng vừa qua, với nhiều ý kiến khác chiều từ thực tiễn mà chúng ta không thể không lắng nghe. Với định hướng nói trên, việc phản ánh mức độ đạt chuẩn theo chương trình chỉ được xem là thứ yếu và có thể dẫn đến sự lệch lạc trong quá trình kiểm tra, đánh giá. Về vấn đề này, chúng tôi có ý kiến như sau: kiểm tra, đánh giá chất lượng là một trong những khâu quan trọng trong quy trình dạy học, mục đích tự thân và cơ bản hàng đầu của việc kiểm tra đánh giá là để phản ánh mức độ đạt chuẩn của người học theo chương trình đề ra. Phải bắt đầu từ sự phản ánh đúng mức độ đạt chuẩn của từng học sinh thì mới có phương pháp hỗ trợ phát triển phẩm chất, năng lực phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Theo đó đề nghị thiết kế lại điểm g, Điều 3 như sau:
“Đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục phải tiếp tục theo hướng nhằm phản ánh chính xác mức độ đạt chuẩn theo quy định của chương trình, đồng thời trên cơ sở đó để hỗ trợ phát triển về phẩm chất và năng lực của học sinh”.
Cần phải xác định rằng, việc đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, nó tác động trực tiếp đến cách dạy, cách học và cách kiểm soát chất lượng của cả hệ thống giáo dục, rất dễ xảy ra rủi ro, vì thế cần được tiến hành một cách thận trọng, không chủ quan, áp đặt; có bước đi thích hợp, trên cơ sở kế thừa và phát huy tốt những kinh nghiệm thành công; duy trì những cách kiểm tra đánh giá chính xác, hiệu quả; đồng thời cũng phải loại bỏ những kỳ thi không phản ánh đúng mức độ đạt chuẩn, nặng về hình thức, gây tốn kém xã hội như kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây là một ví dụ điển hình có thể loại bỏ.
Tuy vậy, và cho dù thế nào thì kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được cũng như những kinh nghiệm thành công là vấn đề không thể không đặt ra trong quá trình đổi mới.