Hỗ trợ dân chuyển đổi xe máy sang xe điện
Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo, Bảo tồn năng lượng của ESDM Gigih Adi Atmo được truyền thông địa phương trích dẫn nói rằng Bộ đang có kế hoạch cung cấp cho người dân, đặc biệt là những chủ cửa hàng bán máy móc, phụ kiện xe máy các chương trình đào tạo liên quan đến quá trình chuyển đổi này, bên cạnh các chiến dịch phổ biến thông tin.
Theo dữ liệu mới nhất, 26 cửa hàng linh kiện, sửa chữa đã được đăng ký có khả năng tiến hành chuyển đổi, ông lưu ý bên lề Chương trình chuyển đổi xe máy điện ở Surabaya, Đông Java.
Ông cho biết cho đến nay, Bộ đã chứng nhận tổng cộng 8 cửa hàng linh kiện, sửa chữa sẽ hợp tác với Bộ trong việc thực hiện các nỗ lực chuyển đổi.
Ông khẳng định với sự giúp đỡ của tám cửa hàng máy móc, chúng tôi đặt mục tiêu chuyển đổi lên tới 34.979 chiếc xe máy điện mỗi năm. Ông bày tỏ hy vọng rằng ít nhất 50.000 xe máy sẽ được chuyển đổi thành xe điện ở Indonesia vào năm 2023 và 150.000 vào năm tới.
Ông Atmo giải thích thêm rằng Bộ đang cố gắng truyền bá thông tin về tiến trình chuyển đổi phương tiện giao thông xanh này, đặc biệt tập trung vào Đông Java, vì đây là nơi có 20,7 triệu xe máy, trở thành tỉnh có số lượng xe máy cao nhất ở Indonesia.
Hiện tại, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực giảm số lượng phương tiện hai bánh chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, mà hiện số lượng đã lên tới 120 triệu chiếc. Trên thực tế, con số này đang tăng với tốc độ 5-6% mỗi năm, ông nhấn mạnh.
Ông cho biết ông hy vọng rằng những nỗ lực phổ biến ở Đông Java sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc giảm lượng khí thải carbon và tham gia vào nỗ lực tạo ra một môi trường sạch bằng cách chuyển đổi xe máy của họ thành xe điện.
Trợ cấp cho xe máy điện và ô tô điện
Trước đó, Indonesia đã thông báo sẽ trợ cấp khoảng 450 USD cho mỗi chiếc xe máy điện và 5.200 USD cho mỗi ô tô điện như một phần trong nỗ lực đẩy nhanh phổ cập phương tiện chạy điện và thu hút đầu tư từ các công ty như Tesla.
Bộ trưởng Công nghiệp Indoneaia Agus Gumiwang Kartasasmita hồi tháng 3.2023 cho biết, chương trình trợ cấp sẽ áp dụng cho 200.000 xe máy điện mới và 50.000 xe máy động cơ đốt trong được hoán đổi thành xe máy điện.
Ông không tiết lộ ngân sách cho chương trình nhưng cho biết các nhà sản xuất và nhà bán lẻ sẽ nhận được 7 triệu rupiah (hơn 450 USD) cho mỗi chiếc xe máy điện mới và cho mỗi chiếc máy động cơ đốt trong được hoán đổi thành xe máy điện được bán. Điều này có nghĩa là khách hàng mua xe máy điện cũng được giảm giá ở mức tương ứng.
Ngoài ra, theo ông Fabio Nathan Kacaribu, Vụ trưởng Vụ chính sách tài khóa của Bộ Tài chính Indonesia, chính phủ cũng trợ cấp tối đa cho 50.000 ô tô điện trong năm nay, với 80 triệu rupiah (5.200 USD) dành cho mỗi ô tô thuần điện và 40 triệu rupiah (2.600 USD) dành cho mỗi ô tô hybrid (vừa chạy điện vừa chạy xăng) được bán. Chương trình trợ cấp được bắt đầu từ 20.3 và kéo dài đến cuối năm.
“Chúng tôi đang sắp hoàn tất các cuộc đàm phán với hai nhà sản xuất ô tô lớn toàn cầu. Chúng tôi hy vọng chính sách mới này sẽ giúp vị thế của chúng tôi vững chắc hơn nhiều so với trước đây. Nếu chúng ta không đưa ra ưu đãi, họ sẽ không đến”, Bộ trưởng Điều phối đầu tư và các vấn đề hàng hải Indonesia Luhut Pandjaitan, người cũng có mặt trong cuộc họp báo, nói và cho biết chính phủ đặt mục tiêu có 10% dân số sử dụng xe chạy điện vào năm 2024.
Tesla đã thông báo sẽ xây dựng một siêu nhà máy sản xuất pin (gigafactory) mới ở Mexico, đặt ra hoài nghi về việc hãng có đầu tư xây dựng cơ sở tương tự ở châu Á hay không. Ông Pandjaitan cho biết cơ sở ở Mexico sẽ phục vụ thị trường Bắc Mỹ, và ông tin rằng Tesla có cam kết riêng ở châu Á.
Indonesia sở hữu các trữ lượng nickel và cobalt dồi dào. Đây là những khoáng chất quan trọng để sản xuất pin xe điện. Pandjaitan nhấn mạnh nỗ lực phổ cập xe điện sẽ giúp Indonesia cải thiện an ninh năng lượng và chất lượng không khí, cũng như tạo việc làm, phát triển công nghệ mới và tăng doanh thu cho nhà nước.
Theo ông Kartasasmita, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia, điều kiện được tham gia chương trình trợ cấp là các công ty phải có nhà máy ở Indonesia và phải sử dụng ít nhất 40% phụ tùng và linh kiện được sản xuất trong nước. Họ cũng phải cam kết không nâng giá bán xe điện trong thời gian nhận trợ cấp và sản xuất đủ số lượng xe theo yêu cầu.
Chính phủ Indonesia đã nỗ lực mời gọi đầu tư từ các nhà sản xuất ô tô điện như Tesla và BYD Auto của Trung Quốc. LG và Hyundai của Hàn Quốc cũng như Wuling Motors của Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các nhà máy lắp ráp pin và ô tô điện tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.
“Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị chúng tôi phải cung cấp ưu đãi cho xe điện ở mức ngang bằng hoặc hơn Thái Lan. Tất cả là vì mục đích thu hút đầu tư của các nhà sản xuất xe điện toàn cầu”, Bộ trưởng Công nghiệp Kartasasmita nói.
Tại Thái Lan, chính phủ đưa ra khoản trợ cấp từ 70.000-150.000 baht (2.030-4.050 USD) cho mỗi ô tô điện, đồng thời cung cấp các ưu đãi khác bao gồm giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.
Chương trình trợ cấp của Indonesia là một phần của mục tiêu nâng tổng doanh số xe điện tăng gấp ba lần vào năm 2030, đồng thời thu hút các nhà sản xuất đến Indonesia để thực hiện tầm nhìn xây dựng một chuỗi cung ứng xe điện toàn diện ở trong nước.
Việc khuyến khích chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe chạy điện ở một đất nước 275 triệu dân cũng sẽ giúp giảm gánh nặng của chương trình trợ cấp nhiên liệu của nhà nước. Chỉ riêng trong năm nay, chính phủ Indonesia đã phân bổ ngân sách 336,7 nghìn tỉ rupiah (gần 22 tỉ USD) để giữ giá xăng dầu trong nước ở mức thấp.