Nhận diện tiềm năng và hệ lụy
Việc khai thác du lịch, hoặc xây dựng khu du lịch gắn với yếu tố tâm linh đang ngày một gia tăng. Bên cạnh những tác động tích cực như thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu cho địa phương, giải quyết việc làm cho người dân..., tình trạng này cũng đã và đang phát sinh không ít hệ lụy. Thực tế, không ít nơi ồ ạt đầu tư các dự án du lịch gắn với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí làm công trình giả để thu lời bất chính; tình trạng thương mại hóa, đặt quá nhiều hòm công đức diễn ra tại nhiều điểm tham quan...
Gắn với các điểm du lịch có các hoạt động mang tính tâm linh. Các hoạt động ấy nếu đúng với tâm thức của người Việt, bảo đảm thuần phong mỹ tục và đúng các quy định pháp luật thì cần được tôn trọng. Tuy nhiên, thực tế nhiều hoạt động bị biến tướng, bị lợi dụng vào các mục đích xấu mang tính mê tín dị đoan, làm vẩn đục không khí thanh tịnh, linh thiêng nơi thờ tự.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo Chu Văn Tuấn lo ngại không gian tín ngưỡng, tôn giáo bị xâm lấn bởi những dịch vụ “ăn theo”. Vì lợi nhuận và sự quản lý yếu kém của chính quyền mà các dịch vụ chen nhau bủa vây không gian di tích, lễ hội, thậm chí có cả những dịch vụ, mặt hàng không phù hợp với không gian văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, lượng khách đến đông, sự quản lý thiếu chặt chẽ, ý thức của khách tham quan du lịch chưa tốt, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu... đã khiến cho không gian tín ngưỡng, tôn giáo trở nên xô bồ, hỗn loạn, làm mất đi nét đẹp của không gian thiêng, không gian văn hóa truyền thống.
Vấn đề quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch gắn với khai thác yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo cũng còn bất cập: một số công trình chưa được đánh giá tác động đối với môi trường sinh thái, cảnh quan; việc xác định chủ thể đầu tư là doanh nghiệp hay cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thiếu thống nhất... Đặc biệt, việc quản lý, cấp phép, tính tiền thuê đất, tính thuế đối với các dự án du lịch gắn với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thiếu nhất quán, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Mặt khác, du lịch gắn với tín ngưỡng, tôn giáo hầu như khách chỉ đi trong ngày. Do phụ thuộc vào mùa lễ hội nên thường tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm âm lịch. Từ đặc điểm này dẫn đến những ngày chính hội (thường là chính lễ, chính giỗ, kị nhật của Phật, thần, thánh…) bao giờ cũng là thời điểm đông khách hành hương nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý, cung cấp dịch vụ...
Cần lộ trình bài bản
Luật Du lịch hiện hành không có khái niệm “du lịch tâm linh”, tuy nhiên, hoạt động du lịch với lõi là tâm linh vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, từ quy mô nhỏ, vừa đến quy mô lớn và rất lớn. Để khai thác nguồn lực tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ du lịch theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp, hướng tới phát triển du lịch bền vững, nhiều chuyên gia nhận định cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực này. Trong đó, hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Du lịch cần đề cập đến hoạt động du lịch gắn với tín ngưỡng, tôn giáo như một loại hình. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu và ban hành những quy định cụ thể điều chỉnh việc quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình tôn giáo tín ngưỡng có kết hợp phục vụ phát triển du lịch; có quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc doanh nghiệp lợi dụng vỏ bọc tâm linh, tôn giáo để kinh doanh...
Những năm gần đây, các khu du lịch văn hóa tâm linh có yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo được hình thành ở nhiều tỉnh, thành phố, với quy mô rất lớn. Bên cạnh ý nghĩa tích cực cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình này. Trước thực tế đó, tháng 9 vừa qua, Bộ Nội vụ có Văn bản số 4998/BNV-TGCP gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, báo cáo về các dự án khu du lịch văn hóa tâm linh có yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những quy định, chính sách phù hợp thời gian tới.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng mọi tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động lễ hội cần phải đặt trong một thiết chế nhà nước cụ thể, có sự quản lý và giám sát chặt chẽ của cơ quan văn hóa. Thậm chí, cần phân biệt rạch ròi những ngôi chùa, đền mọc lên với mục đích hành đạo và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân với những ngôi chùa xây lên với mục đích thu lợi kinh tế. Nếu đã là hoạt động kinh doanh có thu lợi thì cần có sự quản lý chặt chẽ, trong đó phần thu lợi cũng cần nộp thuế bình đẳng như bất kỳ hoạt động kinh doanh sản xuất nào khác.
Theo PGS.TS. Dương Văn Sáu, giảng viên cao cấp, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống là thế mạnh, làm nên sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Ngành du lịch cần giới thiệu du khách đến với giá trị đích thực của các di sản văn hóa và tín ngưỡng truyền thống từng vùng miền. Mỗi tour du lịch văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cần đọng lại trong tâm trí du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài một cách sâu sắc và riêng biệt...
Thực tế diễn ra thời gian qua cho thấy, việc khai thác các điểm tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ du lịch cần lộ trình thận trọng, trong đó, cần có quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, để vừa gia tăng lợi ích kinh tế - xã hội nhưng vẫn bảo đảm hài hòa về bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.