Chia sẻ tại hội thảo Triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023, do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức chiều 27.12, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, tính đến tháng 12.2023, cả nước có 31.364 hợp tác xã, 133 liên hiệp hợp tác xã, 120.983 tổ hợp tác; tổng vốn điều lệ của hợp tác xã đạt 60,069 nghìn tỷ đồng; tổng giá trị tài sản là 194,332 nghìn tỷ đồng.
Các hợp tác xã đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.
Có được kết quả đó là do sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của khu vực kinh tế tập thể. Đặc biệt, Luật Hợp tác xã năm 2023 với nhiều điểm mới, tiến bộ, phù hợp với thực tiễn, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hợp tác xã phát triển.
Cụ thể, Luật đã mở rộng đối tượng tham gia hợp tác xã; trao quyền cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên; phát triển hợp tác xã gắn với định hướng, chiến lược, tăng tính tự chủ, cạnh tranh cho các loại hình hợp tác xã. Đặc biệt, Luật đã củng cố, nâng cao vai trò của tổ chức đại diện, của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Để triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2023, Chính phủ đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật và Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Trưởng phòng Chính sách và Kinh tế hợp tác quốc tế, Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Xuân Quỳnh cho biết, dự thảo theo hướng phương án sản xuất kinh doanh không còn là điều kiện cứng buộc phải trình cho cơ quan đăng ký thành lập. Thay vào đó, hợp tác xã xây dựng phương án kinh doanh theo nhu cầu của mình. Hợp tác xã cũng sẽ không phải thực hiện làm con dấu ở cơ quan công an, mà có thể khắc dấu ở các nơi khác hoặc thực hiện chữ ký số.
Về các chính sách hỗ trợ hợp tác xã, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã quy định, bên cạnh những chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, thuế, còn có chính sách về tư vấn, đánh giá rủi ro…
Như vậy, dự thảo đã có nhiều điểm mới, song, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Nông Nguyễn Khải cho rằng, dự thảo vẫn còn một số điểm chưa cụ thể.
Chẳng hạn, dự thảo chưa đề cập đến mô hình Quỹ tín dụng nhân dân, trong khi đây là một hình thức kinh tế tập thể và rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng. giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tháo gỡ khó khăn về tín dụng.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái Nguyễn Đức Lâm bổ sung, dự thảo Nghị định quy định về hỗ trợ máy móc cho hợp tác xã là 3 tỷ đồng còn khiêm tốn. Bởi lẽ, các dây chuyền sản xuất quế, hồi, dược liệu trên địa bàn tỉnh hiện nay đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Do đó, dự thảo cần cân nhắc nâng mức hỗ trợ máy móc lên tối thiểu 5 tỷ đồng mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Hay với quy định hợp tác xã mới thành lập không quá 36 tháng tại địa bàn khó khăn mới được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ là quá dài, cần cân nhắc rút xuống 12 tháng, bởi nếu phải đợi quá lâu sẽ khiến hợp tác xã không có động lực phát triển.