Khó tiếp cận vốn tín dụng
Hợp tác xã (HTX) Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, TP. Hà Nội thành lập năm 2016, chuyên chăn nuôi bò sữa. Tháng 3.2021, HTX cần mua thêm 50 con bò để mở rộng quy mô. Khi đó, ông Tạ Viết Hùng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX phải dùng tài sản gia đình để thế chấp vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Hà Nội, song chỉ được vay tối đa 500 triệu đồng, đủ để mua 10 con bò. “Nếu muốn vay tối đa 5 tỷ đồng, cần phải thông qua hội đồng quỹ của thành phố mà 3 tháng mới họp một lần nên chúng tôi quyết định chỉ vay 500 triệu đồng và đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ tháng 2.2024”, ông Hùng cho biết.
Đáng chú ý, trước khi được vay vốn từ quỹ, trong vai đại diện HTX, ông Hùng đã tìm đến ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khi ngân hàng yêu cầu gửi giấy đăng ký kinh doanh để xét duyệt hồ sơ đã từ chối vì “chưa cho HTX vay bao giờ”. “Rất may Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã dang tay với chúng tôi”, ông Hùng nói, đồng thời xác nhận nhờ được vay vốn, HTX đã không ngừng phát triển. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt 15 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng.
Tương tự, với HTX Công bằng Thuận An, Đắk Nông chuyên trồng và chế biến cafe xuất khẩu, dù có tài sản chung giá trị trên 10 tỷ đồng nhưng cũng “không thể vay được vốn từ các tổ chức tín dụng” bởi các thủ tục, điều kiện rất chặt chẽ, ông Nguyễn Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX xác nhận.
Ông Hoàng Công Trúc, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Thạch Sơn, Phú Thọ cũng cho rằng, thủ tục hiện là rào cản lớn. Để được vay vốn, ngân hàng yêu cầu 100% thành viên phải ký xác nhận, với 198 thành viên của HTX hiện nay là “rất khó”. Đến nay, HTX này vẫn “không thể vay nổi” vốn ngân hàng, dù tài chính kế toán “tương đối sáng và tốt”, trong 9 dịch vụ hoạt động thì điện năng có lãi đều hàng tháng và không bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng của HTX thể hiện rõ trong số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, đến tháng 2.2024, dư nợ cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX mới đạt 6.043 tỷ đồng với gần 1.200 HTX, liên hiệp HTX, rất ít so với con số hơn 30.000 HTX trong cả nước. Đáng chú ý, dư nợ cho vay đối với HTX đã liên tục giảm giai đoạn 2021 - 2023, lần lượt giảm 3,12%, 12,45%, 2,69%; riêng 2 tháng đầu năm nay giảm 1,68% so với cuối năm 2023.
Có nhiều nguyên nhân khiến việc tiếp cận tín dụng của các HTX còn hạn chế, như: các HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu; phương án kinh doanh của nhiều HXT còn thiếu tính khả thi, không đáp ứng được điều kiện vay vốn của các ngân hàng…
Ở góc độ tổ chức tín dụng, đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Đông Hải Dương cho rằng, đặc thù của các HTX là thành lập tương đối lâu, khi cấp tín dụng việc thu thập hồ sơ pháp lý qua các thời kỳ thay đổi (ví dụ như vốn, thành viên…) của các HTX còn thiếu; đa số HTX có mức dự phòng tài chính thấp nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất của HTX còn yếu, trong khi để triển khai một dự án mới khi vay vốn đòi hỏi HTX phải có nguồn vốn tự có đối ứng từ 20 - 30% vốn đầu tư, nên nhiều HTX không đáp ứng được. Các HTX cũng không có tài sản bảo đảm… Bởi thế, từ 2020 đến nay, chi nhánh này mới chỉ cho vay 4 HTX với tổng dư nợ hơn 10 tỷ đồng.
Tập trung tín dụng vào HTX hoạt động tốt
Không tiếp cận được vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng quy mô hoạt động; cũng bởi phía HTX không đáp ứng được điều kiện vay vốn nên ngân hàng không dám cho vay. Vòng luẩn quẩn này đang thực sự cần lời giải hữu hiệu!
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận, thực tế, đường lối, chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đối với kinh tế tập thể là rất đầy đủ. Về phía ngành ngân hàng luôn xác định HTX là đối tượng cần quan tâm và có các chính sách hỗ trợ trực tiếp lẫn gián tiếp. Tuy nhiên, tín dụng cho HTX vẫn còn nhiều khó khăn. Một phần là thủ tục, quy trình ở nhiều tổ chức tín dụng còn quá chặt chẽ, không có sự mạnh dạn, thiếu sự gắn bó, tư vấn cho HTX.
Về các nhiệm vụ, giải pháp để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho HTX, Phó Thống đốc nêu rõ, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý trên cơ sở luật đã ban hành; tiếp tục củng cố, đổi mới, sắp xếp lại các HTX theo đúng bản chất của HTX và phải là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, mang lại lợi ích cho thành viên; rà soát lại các chính sách ưu tiên của các bộ ngành, trên cơ sở không áp đặt theo mệnh lệnh hành chính.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, sẽ rà soát lại cơ chế chính sách, làm rõ nét hơn cơ chế ưu đãi về tín dụng, dịch vụ tiền tệ cho loại hình kinh tế tập thể, HTX. Đồng thời, xem xét đưa ra các cơ chế, kể cả cơ chế khuyến khích cho ngân hàng thương mại cho vay đối với HTX; chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh phối hợp để đánh giá thực trạng HTX trên địa bàn, xác định HTX nào tốt sẽ tập trung tín dụng vào đó.
Song song với đó, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cải tiến thủ tục, coi việc cho vay đối với HTX là vấn đề quan trọng để có lãi suất hợp lý, cân nhắc thời hạn xét duyệt cho vay, cho vay tín chấp hoặc thế chấp. “Ngân hàng thương mại cần mạnh dạn, theo sát HTX; về phía HTX cũng phải đáp ứng điều kiện để được vay”, Phó Thống đốc đề nghị.
Ông Nguyễn Hữu Hạ đề xuất, thủ tục vay cần đơn giản. Về tài sản thế chấp, ngoài bất động sản, cần cho phép HTX có thể dùng hàng tồn kho và khoản phải thu để vay vốn lưu động từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, giống như các ngân hàng thương mại đang cho vay đối với đối tượng doanh nghiệp. Đồng tình với việc cần đơn giản thủ tục hơn, ông Tạ Viết Hùng bổ sung, cần xem xét nâng mức vốn cho vay thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; thời hạn cho vay tối thiểu cần 10 năm.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đề nghị, các ngân hàng cần lựa chọn một số HTX tiêu biểu tại địa phương để xây dựng tiêu chí cho vay; ưu tiên tín dụng vào những HTX thực sự có hiệu quả. Vốn cho HTX không chỉ từ ngân hàng mà còn từ các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, song tới đây nên lựa chọn quỹ nào mạnh, địa phương nào quan tâm tới Quỹ thì sẽ được ưu tiên cấp vốn vào đó và ngược lại.