Tín dụng cho hợp tác xã mới đạt 0,04% tổng dư nợ

- Thứ Năm, 11/04/2024, 15:09 - Chia sẻ

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, dù có nhiều cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi song hiện tín dụng cho hợp tác xã mới chiếm 0,04% tổng dư nợ.

Tín dụng cho hợp tác xã mới đạt 0,04% tổng dư nợ -0
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu.

Tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia 2024 với chủ đề Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, diễn ra sáng 11.4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện có nhiều cơ chế, chính sách về vốn cho các hợp tác xã.

Trong đó, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có quy định có đối tượng là các hợp tác xã với nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi. Cụ thể, Nghị định quy định cho vay 1 – 3 tỷ đồng với hợp tác xã không cần tài sản thế chấp; đối với hộ gia đình là thành viên hợp tác xã được vay vốn 500 triệu đồng không cần tài sản thế chấp…

Bên cạnh đó, hợp tác xã là 1 trong 5 nhóm đối tượng ưu tiên về lãi suất. Việc vay vốn qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội cũng hỗ trợ tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn cho các hợp tác xã, với lãi suất bằng một nửa so với các đối tượng khác...

Dù vậy, tín dụng cho hợp tác xã vẫn thấp, chỉ đạt hơn 6.000 tỷ đồng trong tổng số gần 14 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, chiếm 0,04%. Cho vay liên kết trong nông nghiệp nông thôn hơn 10.000 tỷ đồng, trong khi các hợp tác xã chưa có một đồng dư nợ.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, có nhiều lý do khiến hợp tác xã khó tiếp cận vốn tín dụng. Ngoài quy mô nhỏ, chuỗi giá trị chưa hoàn chỉnh, có cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của hợp tác xã chưa rõ ràng. Đây là vấn đề mấu chốt, bởi khi chưa có địa vị pháp lý rõ ràng thì không một ngân hàng nào dám cho vay, ông Tú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, do quy mô sản xuất nhỏ, phương án kinh doanh không rõ ràng cũng khiến hợp tác xã khó tiếp cận vốn. Ngoài ra, có nguyên nhân từ vấn đề thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hợp tác xã.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các hợp tác xã, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế của hợp tác xã hiện nay trong tiếp cận vốn. Muốn vậy, cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương. Bởi nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn vay thương mại thì lãi của các hợp tác xã “có khi không đủ để trả tiền lãi vay”.

"Về phía Ngân hàng Nhà nước, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ xác định hợp tác xã là vấn đề quan trọng trong năm nay để có các cơ chế ưu đãi hợp lý", Phó Thống đốc khẳng định.

Cũng theo ông Tú, trong năm nay sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP để tạo cơ chế thông thoáng hơn trong tiếp cận vốn cho các hợp tác xã. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu về gói tín dụng cho hợp tác xã.

Trước đó, ngày 1.4.2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 132/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024.

Trong đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định đối với hoạt động cho vay nội bộ trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã nhằm hỗ trợ người lao động, thành viên hợp tác xã, góp phần xóa bỏ "tín dụng đen" ở nông thôn; nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.6.2024 về gói tín dụng dành riêng cho khu vực kinh tế tập thể.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024 diễn ra sáng 28.3, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mong muốn có gói tín dụng dành riêng cho hợp tác xã.

Minh Châu
#