Nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn
Tại Hội thảo "Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016" sáng 10.6, PGS.TS. Đinh Thị Thu Hằng, Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định:Hơn 6 năm qua, Luật Báo chí năm 2016 đã trở thành nền tảng, cơ sở pháp lý để những người làm báo dựa vào phục vụ xã hội tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển của báo chí, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội dưới sức tác động mạnh mẽ, toàn diện của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số, sự lớn mạnh và phổ biến của mạng xã hội, nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin của công chúng ngày càng cao, sự phát triển của chính lĩnh vực báo chí cùng những vấn đề trong thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cập nhật, bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí 2016 nhằm tạo điều kiện cho báo chí tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền và lãnh đạo một số cơ quan báo chí, nhà nghiên cứu đề nghịxây dựng luật về các phương tiện truyền thông đại chúng, do báo chí truyền thông đang phát triển từng ngày, cần có bộ luật bao trùm hơn, với phạm vi, đối tượng điều chỉnh gồm cả báo chí và các phương tiện truyền thông…
Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đơn vị đã nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và đưa ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí, đánh giá và đề xuất sửa đổi. Trong đó, có đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với thực tiễn và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, bối cảnh 6 năm qua đã có những thay đổi, một số vấn đề đặt ra như khái niệm “báo in”, “tạp chí in”, “báo điện tử”, “tạp chí điện tử” không còn phù hợp; quy định phân cấp quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương và địa phương; trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí; quy định về sản phẩm báo chí, nhiều loại có được coi là sản phẩm báo chí hay không như chương trình ca nhạc, phim truyện, thể thao, kênh bán hàng, rao vặt…
Xem xét xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết, hiện nay có nhiều mô hình cơ quan báo chí, với nhiều sản phẩm, ấn phẩm, hoạt động đa loại hình, nền tảng, dịch vụ. Do đó nên xem xét xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông là đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước, gồm nhiều cơ quan báo chí hoạt động đa loại hình, đa nền tảng, đa dịch vụ. Về chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí quy định theo hướng “chủ báo”, “chủ bút”. Đây cũng là hướng đi để hình thành những cơ quan báo chí lớn của đất nước và tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các cơ quan chủ quản, địa phương nhiều cơ quan báo chí có truyền thống, uy tín và vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Theo nhà báo Nguyễn Thế Lãm, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, trong Luật đang quy định các cơ quan báo chí theo loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Tuy nhiên, gần 5 năm qua, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được thành lập và hoạt động, là mô hình đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh và qua quá trình hoạt động đã tổ chức thực hiện tốt hoạt động các kênh truyền thông.
Thực tế, dù trước đó chưa có mô hình như vậy, nhưng các đài phát thanh, truyền hình cũng có ấn phẩm in, trang thông tin điện tử; các báo điện tử cũng sản xuất chương trình phát thanh, video… Do vậy, cần đưa thêm mô hình theo hình thức tổ hợp báo chí truyền thông khi sửa đổi Luật Báo chí.
Mở rộng không gian hoạt động của báo chí
Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Nguyễn Hà Yên cho rằng, có một số điểm cần quan tâm khi đề xuất sửa Luật Báo chí 2016. Trong đó, báo chí nói chung và phát thanh, truyền hình nói riêng cần được mở rộng không gian hoạt động, chính thức hóa về chức năng truyền thông chính sách và cụ thể hóa nhiệm vụ cung cấp thông tin giải trí sáng tạo.
Đồng thời cũng cần thiết bổ sung những quy định phù hợp để có cơ chế đặc thù hơn điều chỉnh phạm vi sản xuất, sáng tạo những sản phẩm báo chí thiết yếu của các cơ quan báo chí; định vị rõ vị trí, vai trò của các sản phẩm báo chí thiết yếu để có quy định ứng xử riêng, phân biệt với các sản phẩm thông tin giải trí có tính chất báo chí khác.
Để duy trì được nguồn nhân lực sáng tạo, những người có thể làm ra sản phẩm báo chí chất lượng cao, cần bổ sung các quy định về đào tạo, đào tạo lại đặc biệt là các kiến thức về nghệ thuật, công nghệ số, sử dụng ngôn ngữ và tư tưởng lãnh đạo của Đảng; đối với các sản phẩm báo chí thiết yếu, cần có quan điểm thể hiện rõ trong quy định đây là đối tượng được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí thông qua các biện pháp phù hợp…