Từ các quy định pháp luật...
Theo các Điều 1, 3, 4, 5 Nghị định 37/2014/NĐ-CP (thay thế Nghị định 14/2008/NĐ-CP, Nghị định 12/2010/NĐ-CP) quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của UBND; chịu sự chỉ đạo, quản lý toàn diện và chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện. Và tất nhiên, cán bộ, công chức do UBND sắp xếp, bổ nhiệm; không có điều khoản nào phải chịu trách nhiệm trước HĐND, Thường trực HĐND.
Tuy nhiên, Khoản 10, Điều 7 Nghị định 37/2014/NĐ-CP lại quy định thêm Văn phòng HĐND và UBND là cơ quan tham mưu tổng hợp cho HĐND về hoạt động của HĐND. Quy định như vậy Văn phòng có làm tốt được công tác tham mưu cho HĐND giám sát lại chính cơ quan chủ quản của mình? Và liệu có mâu thuẫn, xung đột về lợi ích của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ? Quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND đối với cơ quan tham mưu cho mình như thế nào?
Văn phòng HĐND và UBND TP Bảo Lộc, Lâm Đồng kỷ niệm ngày truyền thống |
... đến bố trí cán bộ giúp việc cho HĐND cấp huyện
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2016) đã thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về tổ chức hợp lý, hiệu quả và tăng cường năng lực hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, đáp ứng mong đợi của nhân dân. Với việc quy định các cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, có nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng riêng của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị; phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương; ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; quy định Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND; các ban HĐND là cơ quan của HĐND; quy định bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương… Luật đã kế thừa và phát triển quan điểm đẩy mạnh cải cách tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND trong thiết chế dân chủ và mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền Việt Nam. |
HĐND là một thiết chế quyền lực, với chức năng quyết định các vấn đề quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… của địa phương; đồng thời giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND cấp mình, giám sát việc tuân theo pháp luật và thực hiện các quyết định, chỉ thị của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, đòi hỏi cán bộ tham mưu cho HĐND (tham mưu đa lĩnh vực) phải am tường pháp luật trên nhiều lĩnh vực, có bản lĩnh, kinh nghiệm, khả năng tổng hợp... mới đáp ứng yêu cầu, tính chất, phạm vi hoạt động và mức độ phức tạp công việc của HĐND. Xem ra, việc này không đơn giản.
Qua tìm hiểu thực tế hoạt động của HĐND một số đơn vị cấp huyện, có một số ít nơi bố trí 2 chuyên viên, nhưng đa số chỉ bố trí 1 chuyên viên giúp việc cho Thường trực và các ban HĐND (thậm chí còn phải kiêm nhiệm việc khác hoặc kiêm nhiệm công tác Đảng đối với nơi có tổ chức Đảng ủy khối chính quyền, thường là Phó chủ tịch HĐND kiêm nhiệm Bí thư). Việc phân công 1 Phó văn phòng phụ trách công tác HĐND cũng chỉ trên danh nghĩa. Bố trí như vậy cho nên, chuyên viên giúp việc cho HĐND cũng chỉ loay hoay làm các việc sự vụ, tổng hợp báo cáo... không còn thời gian để nghiên cứu chính sách, pháp luật, nắm bắt tình hình thực tế để tham mưu cho Thường trực và các ban HĐND trong thẩm tra, giám sát và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo quy định của pháp luật. Đó là chưa kể, có ít người tâm huyết với công việc của HĐND, thực tế nhiều cán bộ, công chức có năng lực, kinh nghiệm không muốn công tác ở lĩnh vực này.
Bảo đảm vận hành hiệu quả
Để bảo đảm cho bộ máy tham mưu, giúp việc của chính quyền cấp huyện vận hành hiệu quả khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, xin đề xuất một số vấn đề sau đây:
Trước hết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND và UBND, không có nghĩa là mọi việc vẫn như cũ. Khác với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND; các ban của HĐND là cơ quan của HĐND. Do đó, các cơ quan này cần có một đội ngũ chuyên viên tham mưu, giúp việc có tính độc lập tương đối, chịu sự chỉ đạo, quản lý của cơ quan Thường trực HĐND về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế cán bộ, công chức, nằm trong biên chế của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Riêng nhiệm vụ phục vụ, bảo đảm các điều kiện vật chất cho hoạt động HĐND thì bố trí như hiện nay.
Thứ hai, khi quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc HĐND, UBND cấp huyện, cần dành các chương, mục riêng nói về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của cơ quan Văn phòng HĐND và UBND, phù hợp với địa vị pháp lý theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì, cơ quan này không chỉ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND như quy định tại Nghị định 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Thứ ba, cơ quan thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể việc thống kê, mô tả công việc tham mưu, giúp việc cho HĐND, bảo đảm phản ánh đầy đủ tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc cũng như mức độ phức tạp, quy mô công việc, phạm vi và đối tượng phục vụ của vị trí việc làm này. Trên cơ sở đó, xác định số người đảm nhận. Với các tiêu chí và yêu cầu trên, đa số lãnh đạo Thường trực HĐND cấp huyện đều cho rằng, cần bố trí ít nhất từ 3 - 4 chuyên viên tham mưu, giúp việc cho Thường trực và các ban HĐND cấp huyện, tùy theo đặc điểm địa phương thành lập 2 hay 3 ban HĐND.
Thứ tư, cần có chính sách đãi ngộ, thu hút, khuyến khích cán bộ, công chức có năng lực, kinh nghiệm vào làm việc trong cơ quan HĐND các cấp. Bảo đảm điều kiện vật chất, kinh phí cho hoạt động HĐND cũng như rạch ròi trong lập, phân bổ và quyết toán kinh phí hằng năm.
Điều chắc chắn rằng, HĐND cấp huyện rất kỳ vọng khi triển khai thực hiện Điều 127 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về “Bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương”, Chính phủ sẽ có những quy định hợp lý, khắc phục được những hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động HĐND cấp huyện.