Đó là chia sẻ của ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH ĐỒNG NAI THÁI BẢO về những điểm nổi bật trong “Đề án Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031”, tiếp tục khẳng định tinh thần tiên phong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, không chỉ là kim chỉ nam, mà còn là trách nhiệm, “mệnh lệnh” từ trái tim và khối óc của cơ quan, đại biểu dân cử. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang khẩn trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.
Không chỉ là kim chỉ nam trong hoạt động
- Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội… Đối với cơ quan, đại biểu dân cử địa phương, yêu cầu này cũng đang trở nên cấp thiết thưa ông?
- Cùng với đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan, đại biểu dân cử ở địa phương luôn là vấn đề cấp thiết, là xu thế tất yếu, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan để không ngừng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị, thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố trong cơ cấu tổ chức, cơ chế thực hiện quyền lực, như liên quan vấn đề đại biểu dân cử (chất lượng, cơ cấu), Thường trực, các Ban của HĐND và bộ máy tham mưu, giúp việc. Nói cách khác, chỉ khi nào HĐND có đủ năng lực thực hiện quyền lực thì khi đó mới có thực quyền theo quy định pháp luật. Vì vậy, đổi mới nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đại biểu dân cử là vấn đề cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình hiện nay.
- Sẽ không quá khi nói tiên phong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực các hoạt động để đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và Nhân dân là KIM CHỈ NAM trong mọi hoạt động của đại biểu, cơ quan dân cử địa phương ở Đồng Nai, thưa ông?
- Đúng vậy, ngoài thực hiện quy định về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của HĐND các cấp theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc tiên phong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử không chỉ là kim chỉ nam, mà còn là trách nhiệm, là “mệnh lệnh” từ trái tim và khối óc của các cơ quan, đại biểu dân cử để ngày càng đáp ứng tốt hơn sự tin tưởng, sự tín nhiệm và kỳ vọng của cử tri và Nhân dân đã gửi gắm. Đây không chỉ là đòi hỏi tất yếu khách quan đối với hoạt động của các cơ quan, đại biểu dân cử, mà còn là yêu cầu đối với tất cả cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. Nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đang khẩn trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai luôn xác định phải không ngừng tiên phong, đổi mới toàn diện, đồng bộ các hoạt động. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị - thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Nhất là trong bối cảnh Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện thẩm quyền trong quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của chính quyền địa phương.
Cơ cấu, giới thiệu bầu cấp ủy viên cùng cấp với Trưởng Ban HĐND
- Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần khẳng định. Để HĐND các cấp đủ mạnh, phát huy quyền lực thực chất hơn nữa, góp phần hiện thực hóa kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các địa phương phải dám đột phá vì lợi ích chung như thế nào, thưa ông?
- Tổng Bí thư đã đưa ra những chỉ dẫn rất quan trọng về định hướng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong kỷ nguyên mới. Đây là cơ sở để các địa phương, cơ quan, đơn vị xác định mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp để tự định vị mình, xác lập lộ trình, giải pháp phù hợp, đột phá để phát triển.
Đồng Nai là tỉnh có vị trí địa lý chiến lược của Vùng Đông Nam Bộ; đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ngõ kết nối Vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, mắt xích quan trọng trong liên kết Vùng thông qua kết nối đa phương tiện, đặc biệt là Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; mệnh danh là thủ phủ công nghiệp; “Lá phổi xanh” giữa miền Đông Nam Bộ… Nhận thức rõ vai trò, vị trí, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Đồng Nai phấn đấu trở thành địa phương phát triển kinh tế hàng đầu cả nước; là tỉnh văn minh, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu cả nước, góp phần hiện thực hóa kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hiện thực hóa mục tiêu đó, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ có tính đột phá. Đó là: đột phá phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ; đột phá thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển; đột phá đào tạo, thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây là những vấn đề có tính chiến lược, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của HĐND các cấp.
- Một minh chứng cụ thể cho nội dung trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành “Đề án Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031” với những điểm nhấn nổi bật, giải pháp đột phá, thưa ông?
- Để tổ chức bộ máy của HĐND các cấp đủ mạnh, bảo đảm cho HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031” đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành vào ngày 16.9.2024 và đã được triển khai trong toàn Đảng bộ, các tổ chức và đại biểu HĐND các cấp.
Với phương châm hoạt động của HĐND các cấp là “Đổi mới - Sâu sát - Khoa học - Hiệu lực - Hiệu quả”, những vấn đề nổi bật, đáng quan tâm trong Đề án, đó là: qua 11 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định cần phải có cơ cấu, giới thiệu bầu cấp ủy viên cùng cấp đối với Trưởng các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện để nâng cao vị thế, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Xem xét, chủ động, kịp thời chuyển cơ quan chức năng cùng cấp: Ủy ban Kiểm tra cấp ủy xem xét kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức và cá nhân liên quan có hành vi vi phạm các quy định của Đảng; chuyển cơ quan thanh tra đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật nhà nước; chuyển cơ quan điều tra để điều tra xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, hành vi tham nhũng, tiêu cực, có nguy cơ gây thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước qua giám sát của HĐND các cấp; đồng thời báo cáo thường trực cấp ủy để biết và chỉ đạo.
Định kỳ hàng năm, Đảng đoàn HĐND (đối với cấp tỉnh), Thường trực HĐND cấp huyện, xã báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát của HĐND, là kênh thông tin quan trọng giúp Ban Thường vụ cấp ủy xem xét đánh giá đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý hàng năm. Trước khi đánh giá công vụ, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân các sở ngành, UBND các huyện và thành phố trực thuộc UBND tỉnh, UBND tỉnh gửi lấy ý kiến Thường trực HĐND tỉnh (đối với cấp huyện và cấp xã vận dụng tương tự như cấp tỉnh)…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!