Bảo đảm xem xét lồng ghép bình đẳng giớI
Từ năm 2016 đến hết năm 2023, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành 591 nghị quyết, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tại mỗi kỳ họp, theo phân công của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND luôn nêu cao vai trò trách nhiệm và thực hiện đầy đủ các quy trình thẩm tra. Trong đó, có nội dung xem xét tác động chính sách đối với các dự thảo nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội, cơ chế chính sách liên quan đến yếu tố giới, bình đẳng giới… Bám sát quy định, các nghị quyết được ban hành luôn bảo đảm xem xét lồng ghép bình đẳng giới. Các báo cáo thẩm tra thể hiện rõ chính kiến, có tính phản biện cao và tính thuyết phục, được UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn đồng tình, tiếp thu.
Qua thẩm tra, nhiều vấn đề đánh giá tác động chính sách liên quan đến bình đẳng giới đã được các Ban HĐND chỉ rõ. Đơn cử, ở dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Nghị quyết 01/2023/NQ-HĐND ngày 7.7.2023), Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét kỹ lưỡng các nội dung hỗ trợ thủ tục hành chính để bảo đảm thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng; xem xét vấn đề tác động về giới… Còn với dự thảo Nghị quyết về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản (Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND, ngày 7.12.2023), Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã yêu cầu làm rõ vấn đề tác động về bình đẳng giới trong chính sách, việc kiêm nhiệm của các chức danh bán chuyên trách ở các đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở.
Hay như dự thảo Nghị quyết quy định một số chế độ hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 7.7.2023), Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chế độ chính sách; đồng thời, xem xét kỹ lưỡng bảo đảm chính sách liên quan đến bình đẳng giới, bảo vệ đối tượng là nữ, trẻ em vị thành niên trong phạm vi nghị quyết.
Ngoài ra, hàng năm Thường trực HĐND cũng giao các Ban HĐND tỉnh thẩm tra các báo cáo về công tác giảm nghèo, chỉ tiêu đề ra tại báo cáo kinh tế - xã hội, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế chính sách đã ban hành, các kết luận sau giám sát và chất vấn của HĐND, giải trình của Thường trực HĐND liên quan đến vấn đề bình đẳng giới... Tại các cuộc thẩm tra, các Ban đều mời thành phần MTTQ Việt Nam, đại diện các tổ chức chính trị tỉnh (thành viên các Ban HĐND) tham gia, phát huy vai trò trong xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến lồng ghép bình đẳng giới.
Tuy nhiên, việc lồng ghép giới trong xây dựng VBQPPL nói chung và tại địa phương vẫn còn chồng chéo giữa các quy định, thiếu căn cứ để xác định số liệu, tính đồng bộ về thực hiện lồng ghép giới giữa các khâu của quy trình xây dựng văn bản QPPL; chưa có quy định cụ thể về lồng ghép giới ở các bước của quy trình xây dựng văn bản QPPL…
Bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới, lồng ghép giới
Từ thực tiễn trên, để nâng cao hiệu quả lồng ghép giới trong xây dựng văn bản QPPL nói chung, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành cần nghiên cứu quy định thống nhất trong các văn bản luật việc lồng ghép giới đối với văn bản QPPL; quy định lồng ghép giới trong xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình ở các cấp, xác định rõ việc thống kê số liệu về giới, tỷ lệ quy định bình đẳng giới trong xây dựng văn bản QPPL để có cơ sở tổng hợp, phân tích và triển khai đồng bộ, hiệu quả…
UBND tỉnh, các ngành và địa phương cần quán triệt các văn bản luật, nghị định, thông tư của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện về lồng ghép giới; bảo đảm quyền của mỗi giới trong trình tự xây dựng văn bản QPPL; bảo đảm sự tham gia của cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình xây dựng văn bản QPPL theo quy định… Đồng thời, tạo điều kiện để HĐND có đủ hồ sơ để thẩm tra, đánh giá về việc lồng ghép giới, bình đẳng giới trong quá trình xây dựng văn bản QPPL; tăng cường kiểm tra việc thực hiện lồng ghép giới trong các quy trình xây dựng văn bản QPPL.
Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm cho ý kiến, tham gia vào quy trình xây dựng và thẩm tra dự thảo văn bản QPPL. Các Ban HĐND cần phát huy tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt các quy định của pháp luật và quy định tại Điều 20, 21 Thông tư số 17/2014/TT-BT ngày 13.8.20214 của Bộ Tư Pháp trong quá trình thẩm tra về lồng ghép giới; rà soát và xem xét kỹ lưỡng các nội dung trong quá trình thẩm tra, nhất là những nội dung về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới…
Đặc biệt, giai đoạn chuẩn bị các bước cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới, Trung ương, Đảng bộ, HĐND các cấp cần quan tâm việc xây dựng cơ cấu, đề xuất, bố trí và bảo vệ tỷ lệ nữ tham gia vào cấp ủy (nhiệm kỳ 2025 - 2030); tỷ lệ nữ tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2026 - 2031) để bảo đảm thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.