Tăng tính minh bạch, giảm thiểu nguy cơ phát sinh tiêu cực
Thời gian qua, công tác bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện, được các đối tượng bảo trợ và Nhân dân trong tỉnh ghi nhận. Các chế độ bảo trợ xã hội được thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng bảo trợ xã hội từng bước được cải thiện, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở. Công tác trợ giúp đột xuất được thực hiện kịp thời, góp phần giảm bớt khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
Theo ghi nhận của Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh: việc chi trả chế độ trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, tăng tính minh bạch, giảm thiểu nguy cơ phát sinh tiêu cực trong công tác chi trả tiền trợ cấp cho các đối tượng. Đến nay, toàn tỉnh đã chi trả qua tài khoản cho 75.740 người, đạt tỷ lệ 91,35%. Công tác tiếp nhận, giải quyết chế độ bảo trợ xã hội được thực hiện qua hệ thống dịch vụ công. Hồ sơ quản lý đối tượng được cập nhật vào phần mềm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp xã hội được bảo đảm kịp thời. Giai đoạn 2021 - 2024, ngân sách tỉnh cấp thực hiện chế độ trợ giúp xã hội 2.135.079.220.000 đồng, kinh phí cấp cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện các chương trình lĩnh vực bảo trợ xã hội là 3.137.830.000 đồng. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, các đối tượng bảo trợ xã hội còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần của các tổ chức, các nhà hảo tâm giúp các đối tượng yên tâm học tập, lao động sản xuất và ổn định cuộc sống. Giai đoạn 2021 - 2024, kinh phí xã hội hóa thực hiện chính sách trợ giúp xã hội là 1.207.862.000.000 đồng; từ các nguồn khác là 487.720.740.000 đồng của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh.
Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm chính sách
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền các chính sách bảo trợ xã hội có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Việc thiết lập, quản lý hồ sơ, cập nhật thông tin và số lượng đối tượng tại một số địa phương, cơ sở chưa khoa học, kịp thời và chưa theo quy định. Trang thiết bị phục vụ công tác trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ cấp xã hội còn thiếu, lạc hậu. Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, công tác triển khai chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ người già, yếu hoặc hạn chế trong vận động, không biết sử dụng hoặc không có điện thoại thông minh để cài đặt, thực hiện ứng dụng còn khó khăn.
Đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội tuy ngày càng được mở rộng nhưng chưa bao phủ hết các đối tượng yếu thế trong xã hội cần trợ giúp. Đội ngũ công chức lao động thương binh và xã hội tại các địa phương thường xuyên có biến động. Các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo trợ xã hội nhiều, số lượng đối tượng lớn, địa bàn rộng nên công tác quản lý, thực hiện chế độ cho các đối tượng có nơi, có lúc còn chưa kịp thời.
Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, rà soát tham mưu ban hành chính sách trợ cấp ưu đãi, tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế... cho các đối tượng khó khăn chưa được hưởng chế độ bảo trợ trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách tỉnh và điều kiện cơ sở vật chất của các Trung tâm trợ giúp xã hội như: người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo; người đơn thân nuôi con nhỏ không thuộc hộ nghèo nhưng có hoàn cảnh khó khăn không hưởng các chế độ khác; trẻ em mồ côi bố hoặc mẹ, có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ; người mắc bệnh ung thư, tim mạch, chạy thận nhân tạo, tim bẩm sinh và các bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày và có hoàn cảnh khó khăn... Chỉ đạo rà soát, tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho đối tượng người khuyết tật nhẹ đúng thẩm quyền quy định. Đồng thời, huy động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội các cấp; hướng dẫn Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã chuyển hồ sơ các trường hợp khó xác định lên Hội đồng giám định Y khoa tỉnh xem xét, quyết định. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc xét duyệt các đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm chính sách; tăng cường cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các đối tượng bảo trợ. Việc chi trả chế độ bảo trợ xã hội không dùng tiền mặt cần quan tâm xem xét cho phù hợp với từng đối tượng. Cùng với đó, rà soát đánh giá các đối tượng còn khó khăn cần được trợ giúp để kiến nghị chính sách với các cấp có thẩm quyền.