Từ dự án trạm căn cứ trên không đến kế hoạch kết nối Trái đất và Mặt trăng
Ngày 3.6, Tập đoàn Điện thoại và điện báo (NTT) đã công bố kế hoạch đưa “trạm căn cứ trên không” vào hoạt động thương mại vào năm 2026. Chủ tịch NTT, ông Akira Shimada đã tiết lộ sáng kiến phát triển quỹ đạo NTT C89, trong đó một trong những chương trình chủ chốt là việc lắp đặt một trạm nền tảng cao độ (HAPS). Đây là một loại máy bay tự hành di chuyển qua tầng bình lưu ở độ cao khoảng 20km so với mặt đất, có khả năng gửi tín hiệu viễn thông trong bán kính lên tới 200km. So với trạm cơ sở trên mặt đất với phạm vi tiếp cận chỉ 10km, HAPS giúp triển khai mạng 5G hiệu quả hơn.
HAPS có khả năng giao tiếp trực tiếp với điện thoại thông minh cá nhân, đồng thời có thể thiết lập liên lạc viễn thông ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khu vực miền núi và những nơi mà việc lắp đặt trạm căn cứ trên mặt đất gặp khó khăn. Điểm mạnh của HAPS nằm ở khả năng liên lạc tốc độ cao, mặc dù phạm vi bao phủ của hệ thống này hẹp hơn so với vệ tinh.
NTT Docomo Inc., một trong những nhà mạng di động lớn tại Nhật Bản, sẽ đầu tư lên đến 100 triệu USD vào AALTO HAPS Ltd., một công ty con của Airbus, nhà phát triển máy bay hàng đầu châu Âu, để chế tạo máy bay nói trên. Chương trình HAPS của NTT dự kiến sẽ là sáng kiến đầu tiên trên thế giới được thương mại hóa. Ông Shimada cho biết: “Chúng tôi sẽ nâng tổng doanh thu liên quan lên khoảng 100 tỷ yen (khoảng 620 triệu USD) trong vòng 10 năm tới”, đồng thời bày tỏ kỳ vọng về triển vọng trong tương lai.
Bên cạnh NTT, Tập đoàn viễn thông KDDI cũng công bố chiến lược kinh doanh không gian đầy tham vọng của mình vào ngày 30.5. Cụ thể, KDDI lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới viễn thông giữa Trái đất và Mặt trăng vào năm 2028, với mục tiêu tạo ra môi trường liên lạc 5G tốc độ cao trên Mặt trăng vào năm 2030. Mục đích là đáp ứng nhu cầu viễn thông ngày càng tăng ở đó, đặc biệt khi chương trình Artemis do Mỹ dẫn đầu đang thu hút nhiều chú ý với mục tiêu đưa các nhà du hành trở lại Mặt trăng sau hơn 50 năm.
Ông Hiromichi Matsuda, Giám đốc điều hành của KDDI, giải thích rằng: “Các phương tiện viễn thông sẽ là cần thiết khi nhân loại đặt chân lên Mặt trăng, mặc dù chúng tôi chưa có ý định kiếm tiền ngay lập tức từ các sáng kiến của mình trên bề mặt Mặt trăng. Chúng tôi sẽ mở rộng hỗ trợ của mình”, ông nói.
Ngoài ra, KDDI còn đang triển khai khuôn khổ Mugenlabo Universe để hỗ trợ các tập đoàn tham gia vào ngành công nghiệp không gian. KDDI sẽ cung cấp bản tái tạo kỹ thuật số của không gian bên ngoài và các môi trường thử nghiệm khác cho các công ty tham gia. Liên kết các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp lớn, nhà mạng này dự định thúc đẩy khám phá ngoài Trái đất, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trên mặt đất sử dụng công nghệ không gian.
Không chỉ NTT và KDDI, Tập đoàn viễn thông SoftBank của Nhật Bản cũng tham gia vào việc phát triển và thương mại hóa HAPS. Họ đang tiến hành kế hoạch cung cấp dịch vụ viễn thông dựa trên vệ tinh liên kết nước ngoài tại đất nước mặt trời mọc. Rakuten Mobile Inc. cũng không đứng ngoài cuộc, khi đang hướng tới việc tạo ra môi trường liên lạc trực tiếp giữa vệ tinh và điện thoại thông minh trên mức độ thương mại vào cuối năm 2026.
Tiềm năng to lớn của thị trường không gian
Theo ước tính của gã khổng lồ dịch vụ tài chính Mỹ, Morgan Stanley, thị trường toàn cầu cho các doanh nghiệp không gian sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2040, gấp 3 lần trong vòng 20 năm. Chính phủ Nhật Bản cũng công bố việc thành lập quỹ chiến lược không gian vào tháng 4 năm nay, nhằm cung cấp tới 1.000 tỷ yen (khoảng 6,2 tỷ USD) trong vòng 10 năm để hỗ trợ các dự án phát triển không gian của các công ty tư nhân và các dự án khác.
Sự mở rộng của thị trường không gian được cho là sẽ mang lại cơ hội lớn cho các nhà mạng viễn thông, vì đây là những doanh nghiệp có chuyên môn trong lĩnh vực liên lạc vệ tinh và các công nghệ liên quan đến không gian.
Khi NTT, KDDI, SoftBank hay Rakuten Mobile tiến hành các kế hoạch đầy tham vọng để khai thác tiềm năng của không gian và tầng bình lưu, họ không chỉ mở rộng kinh doanh, mà còn đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp không gian, mở ra những cơ hội mới và thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Bên cạnh đó, vị thế của các tập đoàn viên thông Nhật Bản cũng được khẳng định trong ngành công nghiệp không gian toàn cầu.