“Câu chuyện vùng cao” được anh kể bằng ngôn ngữ hội họa, qua nét cọ và phong cách riêng đã phản ánh rất chân thực cuộc sống sinh hoạt đời thường, những phong tục tập quán, chân dung những con người vùng cao mộc mạc, thật thà, chất phác, dung dị mà gần gũi, thân quen ở vùng núi huyện Sơn Động.
Họa sĩ Hướng Tâm Đường sinh ra và lớn lên ở huyện Lục Nam nơi có dòng sông Lục núi Huyền êm đềm thơ mộng, khi lên với vùng cao Sơn Động là một thầy giáo mỹ thuật trẻ từ những năm 2000.
Đời sống của vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng họa sĩ Hướng Tâm Đường đã bị những hấp lực của bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống giữ chân anh. Sơn Động trở thành quê hương thứ hai, khơi dậy nhiều cảm xúc sáng tác, là nơi cho anh những cuộc thử thách ban đầu của tuổi trẻ.
Với hơn 20 năm gắn bó sống và công tác ở huyện vùng cao Sơn Động, anh đã từng mở nhiều lớp luyện thi Mỹ thuật miễn phí cho các học sinh nghèo huyện Sơn Động để giúp các em có năng khiếu và niềm đam mê mỹ thuật thi vào những ngành liên quan đến mỹ thuật như kiến trúc, đồ họa, thiết kế...đã có nhiều em thi đỗ vào các trường nghệ thuật và theo nghề, các em giờ thành đạt đều biết ơn và tri ân người thầy đã dìu dắt mình.
Bên cạnh lớp dạy vẽ thì võ sư - họa sĩ Hướng Tâm Đường còn mở các lớp võ thuật cổ truyền cho học trò trong vùng để rèn luyện thể lực và tâm trí. Anh luôn tâm niệm và dạy học trò “Học văn để tu trí - Học võ để tu thân”. Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012… anh đã đưa các học sinh trong lớp luyện võ đại diện cho huyện đi dự thi giải võ thuật mở rộng ở Hà Nội và đoạt 2 huy chương Đồng, 1 huy chương Bạc.
Đặc biệt, năm 2010, anh đã đại diện tỉnh Bắc Giang tham gia thi đấu biểu diễn võ thuật cổ truyền kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đoạt 5 huy chương Vàng các nội dung quyền thuật, đối luyện và 1 tiết mục tập thể được công diễn truyền hình trực tiếp tại Đại lễ.
Họa sĩ Hướng Tâm Đường hiện đang công tác tại Phòng Văn hóa huyện Sơn Động. Với những trải nghiệm trong nhiệm vụ của cán bộ văn hóa, tình yêu bản sắc dân tộc giúp anh gửi cảm xúc vào sáng tác mỹ thuật mang một thông điệp về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Triển lãm này là sự tri ân lớn đầu tiên mà Hướng Tâm Đường - người nghệ sĩ gắn bó với vùng cao, thấu hiểu yêu quý những sắc màu dân tộc gửi tới người thưởng lãm một thông điệp về tình yêu sắc màu dân tộc ở Sơn Động.
Chúng ta hãy cùng đến với mỗi tác phẩm để ngắm nhìn, lắng nghe âm thanh của sông suối, của lá rừng như tác phẩm như: Nhà trên núi; Nắng chiều trên Bản; hòa tâm hồn mình trong tác phẩm Kèn gọi bạn. Những con người vùng cao mà Họa sĩ Hướng Tâm Đường đã gặp gỡ trò chuyện đã để lại trong anh nhiều dấu ấn sâu sắc.
Chân dung phụ nữ trong trang phục đặc trưng của đồng bào dân tộc chiếm số đông trong triển lãm lần này như: Thiếu phụ Dao (Logang); Phút thảnh thơi; Giấc mơ trên lưng;Phút trầm tư;Chuyện đầu năm ....Những phong tục tập quán mang đậm dấu ấn về văn hóa truyền thống được bảo tồn tới hôm nay được Họa sĩ tái hiện qua các tác phẩm như: Đám cưới người Dao; Lễ Cấp Sắc, Lễ Cầu Mùa…
Những góc thân quen yên bình trong ngôi nhà của đồng bào vẫn còn như nguyên vẹn với các tác phẩm như: Bếp Hồng 1; Bếp Hồng 2; Bếp Hồng 3… Mỗi tác phẩm mang một sắc thái riêng, với gam màu vừa trầm lắng vừa rực rỡ như truyền tải tới người xem cảm xúc sâu lắng nhưng tràn đầy năng lượng của người vùng cao.
Đặc biệt nhất tại buổi Lễ khai mạc triển lãm là sự góp mặt của CLB văn nghệ đồng bào người Dao ở bản Nà Hin, xã Vân Sơn và bản Mậu, thị trấn Tây Yên Tử mặc trang phục truyền thống về dự và diễn trích đoạn lễ cấp sắc (hoặc hát Páo zung) của dân tộc Dao.
Triển lãm “Câu chuyện vùng cao” của võ sư, họa sĩ Hướng Tâm Đường và họa sĩ Trần Nguyên Thế diễn ra từ ngày 26.5 đến 4.6 tại tầng 1, Nhà triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội.