Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, tính đến hết năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại. Riêng trong năm 2023, đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…
Trong đó, tính đến hết tháng 12.2023, Hoa Kỳ đã điều tra 59 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo thống kê của WTO, đến tháng 6.2023, nước này đã khởi xướng điều tra 1.223 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó áp dụng biện pháp với 851 vụ việc.
Chỉ tính riêng năm 2023, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 7 vụ việc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 4 vụ điều tra chống bán phá giá, 01 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 2 vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Các mặt hàng bị điều tra đa dạng, gồm các sản phẩm như: nhôm đùn, dây cáp nhôm, giá để đồ bằng thép, bánh xe kéo bằng thép, máy xịt rửa áp lực cao, túi giấy, tôm...
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế chống trợ cấp với lốp xe, rà soát hành chính thuế chống bán phá giá với mật ong nhập khẩu từ Việt Nam (trong đó có xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam).
Xếp sau Hoa Kỳ là Canada, với 18 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tính đến hết tháng 6.2023. Cũng tại thời điểm này, Canada đã điều tra tổng cộng 364 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó đã áp dụng biện pháp với 232 vụ việc, theo WTO.
Hiện, Canada đang áp dụng thuế với 7 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm: ống thép hàn carbon, thép cán nguội, thép cốt bê tông, khớp nối bằng ống đồng, thép tấm chống ăn mòn, ống đúc dẫn dầu và ghế bọc đệm. Trong năm 2023, Canada không điều tra mới mà chỉ tiến hành rà soát đối với một số sản phẩm đang thuộc diện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Tại khu vực Đông Nam Á, tính đến hết tháng 6.2023, Indonesia và Philippines là hai quốc gia áp dụng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (14 vụ việc ở mỗi nước). Tiếp đến là Malaysia điều tra 10 vụ việc; Thái Lan điều tra 8 vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...
Về phía Bộ Công thương, đã có nhiều biện pháp để tăng cường đấu tranh chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Bộ đã theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7.2019 đến hết tháng 12.2023, đã có nhiều sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể là: gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, tủ gỗ, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, ghế bọc đệm, pin năng lượng mặt trời, ống thép, ghim dập, dây cáp nhôm, thanh nhôm định hình…
Trên cơ sở danh sách cảnh báo, các cơ quan chức năng của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài... Đồng thời, các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan có thể chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp vụ việc xảy ra.