IPHM giúp người trồng lúa “lời” thêm 2 triệu đồng/ha
Vụ Xuân 2024, Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4 phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An xây dựng mô hình ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây lúa với quy mô 10ha cho 77 hộ nông dân tại xóm Đông Sơn, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành.
Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030, được Cục Bảo vệ thực vật xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tháng 12.2023. Đề án hướng đến mục tiêu tăng cường sức khỏe cây trồng, nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Mô hình IPHM trên cây lúa ở Yên Thành được áp dụng trên hai giống chủ lực là Thái Xuyên 111 và VT868. Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình vào tháng 5 vừa qua ghi nhận nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, sau 7 ngày tập huấn, nông dân đã nhận biết các được các sinh vật gây hại, sinh vật có ích và lựa chọn được biện pháp phòng trừ phù hợp trên cơ sở phân tích hệ sinh thái đồng ruộng. Tỷ lệ nhánh hữu hiệu (yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất) trên ruộng mô hình đạt 63,12%, cao hơn 9,88% so với ruộng đối chứng canh tác theo tập quán của nông dân. Số bông trên khóm ở ruộng mô hình đạt 7,12 bông, tăng 0,54% so với đối chứng; tỷ lệ hạt lép thấp hơn đối chứng 3,9%; và năng suất thực thu tăng 1,81 tạ/ha. Bên cạnh đó, mật độ, tỷ lệ, mức độ gây hại của các sâu, bệnh hại chính trên mô hình như cỏ dại, ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bệnh lem lép hạt, bệnh khô vằn... đều thấp hơn hoặc bằng ruộng đối chứng.
Đặc biệt, việc áp dụng IPHM giúp giảm 8kg giống, 20kg ure, 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân. Trên mô hình, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được thu gom vào bể chứa để xử lý theo đúng quy định. Không còn hiện tượng vứt bỏ bao bì ngay trên ruộng hay xuống mương máng lấy nước.
Tính chung về hiệu quả kinh tế, mô hình áp dụng IPHM ở Yên Thành giúp nông dân tăng thu nhập 2.060.000đ/ha so với sản xuất theo tập quán. Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4, kết quả này cho thấy áp dụng IPHM cho cây lúa mang lại hiệu quả vượt trội so với cách làm theo tập quán.
Cây và đất đều khỏe hơn nhờ IPHM
Ở Vĩnh Long, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cũng triển khai mô hình IPHM trên vườn cam sành tại huyện Trà Ôn từ tháng 6.2023 và vụ thu hoạch đầu tiên đã cho nhiều "trái ngọt".
Huyện Trà Ôn có khoảng 10.500ha trồng cam sành. Đa số bà con thuê đất để trồng và canh tác theo hướng hóa học nên cây cam mau cho trái nhưng tuổi thọ không bền, chỉ 3 - 5 năm là cây suy. Tham gia mô hình IPHM, bà con được hướng dẫn nâng độ pH đất, tăng cường bón phân hữu cơ, nấm vi sinh có lợi để cải tạo đất nhằm giúp bộ rễ phát triển tốt. Cùng với đó, chú trọng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh có nguồn gốc sinh học và chỉ phun khi thật cần thiết, đồng thời nhân nuôi các loài thiên địch trong vườn.
Có 5 công (5.000m2) trồng cam sành tham gia mô hình IPHM, ông Nguyễn Thanh Bình ở xã Hựu Thành cho biết, trước kia ông trồng theo kinh nghiệm nên vườn cam thường xuyên phát sinh sâu bệnh. Bên cạnh đó, việc lạm dụng phân bón hóa học trong thời gian dài và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy trình khiến đất bị suy thoái. Từ khi áp dụng IPHM, ông Bình được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật bài bản. Qua 6 tháng, vườn cam sinh trưởng và phát triển tốt, cây khỏe hơn so với trước. Đất cũng tơi xốp hơn, mật độ thiên địch tăng lên, tỷ lệ sâu bệnh hại thấp.
Trong thời gian thực hiện mô hình, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đã đào tạo cho 25 nông dân nắm vững quy trình về IPHM. Ông Phan Văn Bảy, xã Hựu Thành, cho biết, nhờ tham gia lớp tập huấn ông đã biết cách chăm sóc cây cam theo hướng tiết kiệm, an toàn hơn. “Trước đây tôi trồng cam theo cảm tính, thấy cây bệnh là xịt thuốc, nhiều khi không trúng bệnh mà tốn chi phí. Giờ tôi đã biết cam cần gì để bón phân hữu cơ đúng lúc, trị bệnh kịp thời, nhờ đó, chi phí đầu vào giảm, tuổi thọ của cây tăng”, ông Bảy nói.
Theo đại diện Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Trà Ôn, việc triển khai mô hình IPHM trên cây cam đã thúc đẩy bà con chuyển sang canh tác theo hướng sinh học. Nhờ đó, cả cây và đất đều khỏe hơn; các loài thiên địch như kiến vàng, bọ rùa, nấm ký sinh rệp sáp… được bảo vệ. Đặc biệt, bà con giảm được chi phí phân, thuốc hóa học; đồng thời nâng tuổi thọ cây cam và chất lượng trái cam sành; bảo đảm năng suất từ 9 - 10 tấn/công.
IPHM là cách tiếp cận mới trong chiến lược trồng trọt và bảo vệ thực vật, được phát triển trên nền tảng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gắn với nông nghiệp sinh thái. Các biện pháp tác động của IPMH dựa trên nền tảng môi trường cụ thể về đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm tác động bất lợi, phát huy yếu tố nội tại của cây trồng ngăn chặn sinh vật gây hại bùng phát, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tiêu cực của nó đến sản xuất nông nghiệp ngày càng trầm trọng, cùng với đó là yêu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng tăng và cam kết COP26 đang được Chính phủ triển khai thì việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án IPHM đến năm 2030 là hết sức cần thiết, có ý nghĩa lớn trong phát triển bền vững nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội - môi trường nói chung ở nước ta.
Đề án IPHM đặt mục tiêu đến năm 2030 có trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh, cây dược liệu và 70% diện tích ngô, cây công nghiệp được áp dụng IPHM; lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15 - 20% so với sản xuất thông thường.
Cùng với đó, trên 80% số xã (có sản xuất nông nghiệp tập trung) có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng. Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 5 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh; mỗi xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung) có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng. Trên 90% số xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung) thực hiện thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Đề án xác định 7 nhóm nhiệm vụ gồm: tăng cường nguồn lực phát triển IPHM; nâng cao nhận thức về IPHM; xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM; rà soát, lồng ghép IPHM trong các quy hoạch, chiến lược và chương trình, đề án có liên quan; xây dựng chỉ tiêu đánh giá và định mức kinh tế - kỹ thuật; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ IPHM; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất.