Có nên tiếp tục bàn chuyện có hay không có HĐND nữa không?
Từ thực tế ở địa phương, tôi muốn khẳng định một lần nữa, chúng ta chỉ có một cơ quan quyền lực nhà nước duy nhất ở địa phương là HĐND đại diện cho dân, tại sao lại muốn xóa bỏ chính cơ quan của dân? Cần nhớ rằng chính quyền địa phương là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Chính quyền của nhân dân, quyền lực nhà nước tất cả thuộc về nhân dân, do đó bất cứ cơ quan nhà nước nào cũng phải được nhân dân ủy quyền. Chính quyền địa phương được nhân dân địa phương ủy quyền thông qua bầu cử, bầu ra HĐND. HĐND phải có quyền quyết định. Trong Hiến pháp mới đã một lần nữa hiến định HĐND có quyền quyết định các vấn đề của địa phương (do luật định) và UBND tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND.
Theo Hiến pháp mới, Hiến pháp không quy định một UBND nào không do HĐND cùng cấp bầu ra, càng không quy định Chủ tịch UBND nào do người dân trực tiếp bầu ra. Tại sao chúng ta lại bàn chuyện người dân bầu ra Chủ tịch UBND được? Cụ thể hóa đúng quy định của Hiến pháp mới là trách nhiệm của những người làm luật, của chính những người tuân thủ Hiến pháp. Ở đâu có chính quyền địa phương, ở đó phải tổ chức HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do người dân ở địa phương ấy lựa chọn, ủy quyền. UBND ở đơn vị ấy đương nhiên do HĐND ở đơn vị đó bầu ra.
Về mặt thực tiễn, khi còn công tác ở HĐND quận, thời gian trước và sau thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, tôi vẫn làm ở HĐND và chứng kiến. Trước thí điểm, HĐND quận tôi đã phát huy được vai trò của HĐND bằng cách: trước kỳ họp của cấp ủy địa phương, khi ra quyết định nhiệm vụ, chúng tôi tổ chức họp thường vụ, định hướng công việc, đồng thời giao HĐND tổ chức tiếp xúc cử tri. HĐND sau khi lắng nghe ý kiến của nhân dân, cấp ủy mới đưa ra quyết định. Do đó, Nghị quyết cấp ủy tại địa phương, đơn vị của chúng tôi thấm đẫm ý kiến, nguyện vọng nhân dân. Nghị quyết cấp ủy đương nhiên được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, là thành Nghị quyết của nhân dân. Sự tự giác thực hiện Nghị quyết của nhân dân địa phương cũng rất cao. Bỏ HĐND đi, giả sử UBND đưa ra các quyết sách ở địa phương mà không được nhân dân ủy quyền, hoặc cấp ủy có quyết không được nhân dân ủy quyền, thì rõ ràng tính pháp lý nhân dân không còn. Đây là điều rất hệ trọng trong hệ thống chính trị. Đảng chính trị nào cũng muốn vào cơ quan dân cử để biến chủ trương của mình thành ý nguyện, quyết định của người dân.
Khi thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường, đến tổ dân phố, chúng tôi thấy người dân phản ánh thế này: trước đây có HĐND, cứ mỗi kỳ họp có đại diện UBND phường, UBND quận xuống tổ dân phố hỏi thăm tình hình đời sống nhân dân, có gì khó khăn không, nhưng từ khi không có HĐND, không thấy đại diện UBND phường, UBND quận xuống hỏi thăm đời sống nhân dân (?). Đó là gì? Đó là xa dân. Vì sao? Vì khi không còn HĐND, UBND lúc đó không nằm dưới sự giám sát của HĐND, nếu có sợ thì chỉ sợ Chủ tịch UBND cấp trên, người trực tiếp bổ nhiệm mình. Do Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm nên chỉ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên, chứ không phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhân dân có bầu ra người đại diện, người đại diện thay mặt dân bầu ra UBND thì người được bầu ấy mới chịu trách nhiệm trước nhân dân. Còn cấp trên bổ nhiệm thì đương nhiên chịu trách nhiệm trước cấp trên và do cấp trên giao nhiệm vụ.
Một thực tế nữa, theo pháp luật về phí, lệ phí thì HĐND quyết định phí vệ sinh thu gom rác ở các địa bàn nông thôn, lúc này, UBND TP trình quy định tất cả các huyện, xã thu cùng một mức là 20.000 đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên, khi về cấp xã, chúng tôi phát hiện, ở cấp xã đang thực hiện các mức thu khác nhau. Xã thấp nhất có 500 đồng/người, tính ra một hộ 4 người là 2.000 đồng/hộ; có xã cũng thu 20.000 đồng/hộ, nhưng đó là xã là ven đô. Mức này từ đâu quyết định? Là do HĐND xã quyết định. HĐND xã bàn rất kỹ mới quyết ra mức này. Người đi thu gom được trả 200 – 300.000 đồng/tháng, chứ không phải mấy triệu một tháng như trên thành phố. Bởi, hoàn cảnh, điều kiện xã khó khăn, người dân chỉ chấp nhận được chi phí xử lý thu gom rác như vậy thôi. Câu chuyện tưởng nhỏ này nhưng rõ ràng cho thấy sự cần thiết tại sao phải phân cấp, tại sao phải giao thẩm quyền cho HĐND cấp xã. Pháp luật về phí, lệ phí chỉ quy định HĐND cấp tỉnh được quyết định về phí, lệ phí. Nhưng thực tế giám sát ở địa phương, cơ sở cho thấy tình hình khác, chúng tôi đã đề nghị UBND TP phải thống kê tình hình ở tất cả các xã, trên cơ sở lấy ý kiến các xã mới trình cụ thể mức áp dụng thu phí, lệ phí phù hợp cho từng xã, không áp dụng mức chung, cào bằng phí, lệ phí vệ sinh thu gom rác đối với tất cả các địa bàn ngoại thành. Từ một việc cụ thể như thế để thấy rằng, ở mỗi cấp chính quyền, khi được giao thẩm quyền, HĐND sẽ có quyết đáp sát thực tiễn với địa phương, cơ sở và địa bàn hơn để người dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Xét về quan điểm, tại sao nói HĐND hoạt động còn hình thức? Cần nhớ rằng HĐND không thực quyền, chứ không phải không có quyền. Theo Hiến pháp và pháp luật thì quyền đầy đủ, quyền rất to nhưng có thực thi được hay không? Câu trả lời là: Không. Đơn cử, Nghị quyết của HĐND là Nghị quyết của cơ quan quyền lực nhà nước, nhưng thực tế nhiều khi Nghị quyết của HĐND không có giá trị thực hiện bằng quyết định hành chính. Điều này thật phi lý, nhưng là thực tế bởi Nghị quyết của HĐND không có chế tài thực hiện. Thực hiện không đúng hoặc không thực hiện cũng không thấy sao, thậm chí thực hiện sai có khi còn được lợi (?). Tại sao một văn bản của cơ quan quyền lực nhà nước ban hành ra lại không có hiệu lực pháp luật? Vì không có chế tài bảo đảm thực hiện? Chúng ta cứ cho chế tài bảo đảm thực hiện, cho quyết, nhưng quyết không cụ thể, thì khoảng không gian để lách rộng lắm. Tôi đề nghị Nghị quyết của HĐND phải có chế tài, ghi rõ UBND có trách nhiệm gì trong việc thực hiện Nghị quyết của HĐND. Khi đó mới bảo đảm được vai trò, vị trí của HĐND thật sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Tương tự với trách nhiệm giám sát cũng vậy, kết luận thanh tra, điều tra thì sợ, nhưng kết luận giám sát của HĐND có khi bị bỏ ngoài tai, vì không có chế tài thực hiện, không có hệ quả pháp lý. Đáng chú ý là về mặt điều kiện, chúng ta cơ cấu quá nhiều đại biểu đại diện cho các sở, ngành. Hệ quả là quá nhiều người là người chấp hành trong HĐND thì phải nương nhẹ nhau. Vừa rồi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND, nhiều HĐND hoạt động tốt, nhưng tỷ lệ phiếu tín nhiệm của cán bộ HĐND lại không cao bằng UBND (?). Điều này ảnh hưởng đến cơ quan dân cử, dẫn đến bỏ phí một thiết chế dân chủ, không bảo đảm để người dân thực hiện quyền làm chủ một cách thực sự. Người dân thực thi quyền làm chủ bằng cách ủy quyền cho cơ quan do mình bầu ra là HĐND - đây là dân chủ gián tiếp. Hiện nay đang có trường hợp lạm dụng dân chủ trực tiếp, vì chúng ta phải chọn người thông thái, am hiểu có năng lực trình độ cao hơn để ủy quyền. Ủy quyền rồi thì ông cứ quyết và chịu trách nhiệm, lúc đó không tránh khỏi trường hợp không có người giám sát dễ dẫn tới lạm quyền.