Hành trình thoát khỏi vùng an toàn để theo đuổi thành công của giảng viên âm nhạc người Việt tại Mỹ

Vũ Đức Phong Phú (sinh năm 1996), hiện là nghiên cứu sinh về Giáo dục Âm nhạc tại Đại học Công nghệ Texas (TP. Lubbock, bang Texas, Mỹ) với học bổng toàn phần. Vũ Đức Phong Phú cũng là chủ nhân của chương trình giảng dạy piano trong đại chúng được xuất bản làm tài liệu tham khảo cho các giáo viên âm nhạc ở 50 tiểu bang Hoa Kỳ. 

Bằng tài hoạt ngôn, thái độ tích cực và kỹ năng chuyên môn tốt, Vũ Đức Phong Phú đã ký hợp đồng sản xuất âm nhạc với Disney +, được mời biểu diễn trên kênh truyền hình Atlanta TV, kênh thể thao ESPN và chương trình của một số đại học tại Mỹ. 

Quyết định dấn thân đầy mạo hiểm

Chia sẻ về hành trình “bén duyên” với giảng viên giáo dục âm nhạc tại Đại học Mỹ, Vũ Đức Phong Phú cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sài Gòn năm 2017, anh làm giáo viên dạy nhạc tại trường THCS Chu Văn An (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) và giảng viên đệm đàn hợp đồng ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh. Ngoài công việc dạy học, anh tham gia biểu diễn tại các show âm nhạc và hợp tác với một số nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng.

Thầy giáo dạy nhạc và hành trình giành học bổng tiến sĩ ở Mỹ -0
Vũ Đức Phong Phú, nghiên cứu sinh về Giáo dục Âm nhạc tại Đại học Công nghệ Texas (Ảnh: NVCC)

Bất chợt một ngày nọ, Vũ Đức Phong Phú được người thân giới thiệu về cơ hội giảng dạy tại Đại học Bang Georgia (TP. Atlanta, bang Georgia, Mỹ). Sau quá trình tìm hiểu, với mong muốn thử thách bản thân và nâng cao trình độ chuyên môn, anh quyết định nộp hồ sơ xin học bổng thạc sĩ của trường. Tại đây, Vũ Đức Phong Phú trải qua ba vòng thi gồm kiểm tra kỹ năng âm nhạc, viết luận và phỏng vấn. 

Ở vòng viết luận, Vũ Đức Phong Phú nhận được một tình huống thực tế: Nếu được yêu cầu thiết kế chương trình giảng dạy để phát triển văn hóa âm nhạc đại chúng của Mỹ, ý tưởng của bạn là gì? Anh thành công ghi điểm với Hội đồng Trường Đại học Bang Georgia khi trình bày đề án thiết kế chương trình piano mà ở đó, thay vì học piano trên nền nhạc cổ điển của châu Âu, học sinh có thể học thêm 4 kỹ năng piano trên văn hóa âm nhạc của Mỹ như nhạc jazz. Chương trình này đưa vào nhà trường sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận được các nét đặc trưng trong văn hóa Mỹ; đồng thời quảng bá văn hóa tới những thế hệ sau. 

Đề án này đã giúp Vũ Đức Phong Phú thành công đạt được suất học bổng toàn phần ngành Giáo dục âm nhạc của Trường Đại học Bang Georgia. Cũng từ đó, con đường đến “miền đất hứa” đã mở rộng ra trước mắt. 

5 năm sau ngày đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ, ngẫm lại, Vũ Đức Phong Phú vẫn cho rằng đây là một quyết định mạo hiểm. Bởi trước đó ở Việt Nam, thầy giáo trẻ đang có công việc ổn định, kiếm được thu nhập tốt và dự định sẽ mở một trung tâm âm nhạc riêng.

Tuy vậy, khi đạt được học bổng, Vũ Đức Phong Phú không do dự mà quyết định đi ngay lập tức. Theo anh, đây là cơ hội không phải ai cũng có được. 

“Tôi cũng sợ thất bại, sợ không phù hợp với văn hóa, đồ ăn hay con người bên đó. Tôi vẽ ra nhiều viễn cảnh lắm. Nhưng rồi vẫn quyết định đi, bởi nếu không thành công thì chí ít tôi đã được đặt chân đến Mỹ - đất nước được mệnh danh phát triển nhất thế giới; được mở mang tầm mắt và hiểu hơn về cuộc sống con người nơi đây”, Vũ Đức Phong Phú cho biết. 

Một phần lý do Vũ Đức Phong Phú quyết định tiếp nhận cơ hội này, cũng bởi trải nghiệm cuộc sống ở một quốc gia mới sẽ mang đến một góc nhìn đa chiều và rộng rãi hơn; từ đó thúc đẩy kiến thức, tư duy và sức sáng tạo của bản thân ngày càng phát triển. 

Thầy giáo dạy nhạc và hành trình giành học bổng tiến sĩ ở Mỹ -0
Vũ Đức Phong Phú cho biết, anh quyết định tìm cơ hội ở đất nước mới bởi mong muốn có thêm trải nghiệm, mở rộng góc nhìn đa chiều và tiếp cận được kho tàng kiến thức thế giới rộng lớn (Ảnh: NVCC)

Thời gian đầu sang Mỹ, Vũ Đức Phong Phú gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hạn chế lớn nhất vẫn là ngôn ngữ. Cũng như Việt Nam, mỗi vùng miền tại Mỹ sẽ có cách nói chuyện, phát âm khác nhau, nên anh phải mất nhiều thời gian để làm quen và học hỏi.

Vũ Đức Phong Phú chia sẻ cách để cải thiện khả năng ngoại ngữ là chủ động giao tiếp với người bản xứ. Anh tích cực tham gia vào các câu lạc bộ, các hội nhóm có người dân địa phương để giao lưu, mở rộng kết nối; từ đó nâng cao kỹ năng nghe nói, cách biểu đạt thật thuần thục.

Bên cạnh đó, Vũ Đức Phong Phú tranh thủ thời gian lái xe để nghe đài hay các bản tin radio phát sóng hàng ngày. Theo thời gian, trình độ giao tiếp bằng tiếng Anh tăng cao giúp giảng viên âm nhạc tự tin hơn trong việc giảng dạy và trao đổi với sinh viên. 

Nhận xét về sự khác nhau giữa giáo dục Âm nhạc Việt Nam và giáo dục Âm nhạc Mỹ, Vũ Đức Phong Phú cho hay, ở Việt Nam, âm nhạc đã được dạy từ lớp 1 đến nửa đầu lớp 9 như một môn học bắt buộc. Giáo dục Âm nhạc Việt Nam phát triển trên định hướng giáo dục âm nhạc tổng quát, mà cả nước sẽ cùng học chung một chương trình theo sách giáo khoa. Nhưng ở Mỹ, mỗi tiểu bang, thành phố (hay kể cả giữa khối công lập và tư thục) đều có một chương trình giáo dục âm nhạc khác nhau, với nội dung và tổ chức dạy học riêng biệt. 

“Tôi cảm thấy may mắn khi được trực tiếp trải nghiệm và giảng dạy hai chương trình giáo dục âm nhạc, cả Việt Nam và Mỹ. Mỗi nền giáo dục đều mang đến những kiến thức cần thiết, giúp tôi cởi mở hơn và nâng cao kỹ năng chuyên môn”, Vũ Đức Phong Phú nói.

Thầy giáo dạy nhạc và hành trình giành học bổng tiến sĩ ở Mỹ -0
Vũ Đức Phong Phú trong một buổi giảng dạy cho sinh viên Mỹ (Ảnh: NVCC)

Tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ năm 2022, Vũ Đức Phong Phú được Trường Đại học Bang Georgia bảo lãnh và giữ lại công tác. Chương trình giảng dạy piano trong đại chúng của anh cũng được Johnny Mercer Foundation, tổ chức phi chính phủ cung cấp tài liệu giáo dục, xuất bản làm tài liệu tham khảo cho các giáo viên âm nhạc ở 50 tiểu bang tại Hoa Kỳ. 

Kể về sinh viên Mỹ, Vũ Đức Phong Phú cho hay, các bạn trẻ rất đáng yêu, hiếu khách, ngoan ngoãn nghe lời thầy giáo. Sinh viên cũng dành nhiều sự quan tâm đến văn hóa, ẩm thực và con người Việt Nam. 

Bước ra vùng an toàn để thành công

Không chỉ tham gia vào việc nghiên cứu và giảng dạy, Vũ Đức Phong Phú cũng tập trung phát triển, mở rộng các mối quan hệ cá nhân. Bên cạnh đó, anh thành lập studio dạy nhạc riêng và đầu tư bất động sản. 

Nhờ kinh nghiệm dày dặn cùng thành tích hoạt động ngoại khóa nổi bật, cũng trong năm đó, thầy giáo Vũ Đức Phong Phú được nhận học bổng tiến sĩ toàn phần, và được mời giảng dạy tại Trường Âm nhạc của Đại học Công nghệ Texas (TP. Lubbock, Texas). Vũ Đức Phong Phú nhìn nhận, đây là bước ngoặt giúp anh thêm tự hào với những nỗ lực bản thân đã bỏ ra, bởi để được cấp bằng tiến sĩ tại Mỹ không đơn giản.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, Vũ Đức Phong Phú dự định tiếp tục công việc giảng viên ở đại học; bên cạnh đó sẽ tham gia giảng dạy ở nhiều quốc gia khác như Đức, Pháp, Hà Lan, Châu Phi;….

Chia sẻ về các biện pháp cải thiện sức khỏe tinh thần, anh Phú cho biết, anh tập trung đầu tư cho bản thân qua việc học khiêu vũ, học nhảy để giảm stress; hay duy trì thói quen tập thể dục, thể thao 1 tiếng mỗi ngày để có cơ thể khỏe mạnh. Anh cũng bày tỏ mong muốn tham gia lớp học lái máy bay tư nhân để nâng cao trải nghiệm và tự tin hơn trong cuộc sống.

“Tôi quan niệm thời gian là vàng bạc, một đi không bao giờ quay lại. Tuổi trẻ vô cùng đáng giá, hãy dành thời gian đó để học tập và phát triển bản thân để về già không cảm thấy hối tiếc”, Vũ Đức Phong Phú nói. 

Thầy giáo trẻ đánh giá, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay vô cùng tài năng và nhanh nhẹn. Tuy vậy, để thành công, các bạn trẻ cần sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, không ngừng phát triển bản thân và chấp nhận thử thách mới để tìm kiếm cơ hội. Đôi khi, dám chấp nhận rủi ro sẽ giúp con người ta trưởng thành hơn.

Vũ Đức Phong Phú cũng mong rằng từ câu chuyện và trải nghiệm của mình sẽ tạo nên nguồn cảm hứng tích cực thúc đẩy các bạn trẻ buông bỏ sự an toàn, chấp nhận đương đầu với thách thức để phát triển.

“Đặc biệt, tiếng Anh trong kỳ hội nhập toàn cầu chính là “chìa khóa” để Việt Nam tiếp cận với khối lượng tri thức, kiến thức đồ sộ của nền văn minh thế giới. Các bạn trẻ nên tập trung học tiếng Anh, bởi việc hiểu biết và sử dụng ngôn ngữ này thành thạo sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn”, Vũ Đức Phong Phú nhấn mạnh. 

Nguyễn Cao Minh Anh (nghệ danh Thiên Ngọc Tâm), cựu học sinh trường THCS Chu Văn An, không quên những kỷ niệm học môn Âm nhạc lớp 8 với thầy Vũ Đức Phong Phú. Cô bạn nhớ như in hình ảnh người thầy nhiệt huyết, vui vẻ nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc. Minh Anh cho biết, thầy Phú luôn căn dặn học trò: “Học đến tận cùng gốc rễ và hành đến tận cùng mọi việc”. Đến lúc trưởng thành, Minh Anh mới dần thấm thía được ý nghĩa câu nói đó.

“Thầy dạy chúng em, nếu muốn theo đuổi và làm tốt con đường nghệ thuật, cần đặt trọn tình yêu trong từng lời hát, từng giai điệu và phải dốc lòng theo đuổi đam mê đến cùng. Trong mắt em, thầy Phú là người thầy “Tâm – Tầm – Tận – Tụy”. Bởi vậy nên em luôn dành một tình cảm đặc biệt cho thầy”, Minh Anh tâm sự

Giáo dục

Ngành giáo dục không chủ quan với kết quả đạt được
Giáo dục

Ngành giáo dục không chủ quan với kết quả đạt được

Tại hội nghị Giám đốc các Sở GD-ĐT chiều ngày 20.1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu cần tiếp tục phát huy tinh thần của học kỳ 1, không chủ quan với những kết quả đạt được để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học, cùng nhau quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Phân hoá đầu ra theo năng lực và định hướng nghề cho học sinh
Giáo dục

Phân hoá đầu ra theo năng lực và định hướng nghề cho học sinh

Trong bối cảnh thị trường lao động đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ, việc phân hoá đầu ra theo năng lực và định hướng nghề nghiệp từ bậc trung học trở thành xu hướng giáo dục cần thiết, không chỉ để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế mà còn để tạo điều kiện tối ưu cho học sinh phát triển năng lực cá nhân.

Đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn không dễ, sinh viên cần giỏi các môn tự nhiên
Giáo dục

Đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn không dễ, sinh viên cần giỏi các môn tự nhiên

GS.TS Chử Đức Trình nhìn nhận, bán dẫn vi mạch là lĩnh vực yêu cầu nhân lực chất lượng cao, tài năng. Do đó, đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn không dễ, tuyển sinh các chương trình đào tạo về bán dẫn vi mạch cũng không dễ. Muốn học tốt ngành này, sinh viên cần giỏi các môn tự nhiên bao gồm Toán, Vật lý, Hóa học cũng như các kỹ năng mềm và có khả năng tiếng Anh. 

Gần 2.500 học sinh, phụ huynh, giáo viên chinh phục đường chạy "Lương Thế Vinh - Tết sẻ chia 2025"
Giáo dục

Gần 2.500 học sinh, phụ huynh, giáo viên chinh phục đường chạy "Lương Thế Vinh - Tết sẻ chia 2025"

Hòa chung không khí vui tươi, rộn ràng dịp Tết đến Xuân về, sáng 19.1.2025, trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, cơ sở Tân Triều đã tổ chức sự kiện “Tết Sẻ Chia 2025”. Sự kiện thu hút khoảng 2500 vận động viên bao gồm: học sinh, phụ huynh và cán bộ giáo viên của nhà trường.

Ủng hộ thành lập “Trường học Nga” tại Việt Nam
Giáo dục

Ủng hộ thành lập “Trường học Nga” tại Việt Nam

Trao đổi về dự án xây dựng “Trường học Nga” tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ sự ủng hộ việc thành lập cơ sở giáo dục theo các chương trình của Nga tại Việt Nam do Chính phủ Nga đầu tư, là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Quảng Trị: Cử giáo viên sang Lào giảng dạy cho học sinh người Việt
Giáo dục

Quảng Trị: Cử giáo viên sang Lào giảng dạy cho học sinh người Việt

Hiện Sở GD-ĐT Quảng Trị đang tích cực phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương có liên quan để hoàn tất hồ sơ đưa 4 giáo viên (gồm 2 giáo viên mầm non, 2 giáo viên tiểu học) sang giảng dạy tiếng Việt và một số môn văn hóa cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trong đó có Trường THPT Hữu Nghị Lào - Việt.