1.800 tấn rác thải nhựa mỗi ngày
Phân tích về hiện trạng rác thải nhựa trên địa bàn thành phố, các chuyên gia môi trường cho rằng, mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh phát sinh khoảng 1.800 tấn rác thải nhựa (chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt), nhưng đang có sự trộn lẫn rác thải nhựa với rác thải sinh hoạt và chuyển đến các bãi chôn lấp.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ, cho dù là kỹ thuật chôn lấp hợp vệ sinh, có lót hệ thống chống thấm và thu gom xử lý nước rỉ rác nhưng vì rác thải nhựa không thể phân hủy nên sẽ kết hợp với nhiều loại rác lẫn tạp chất khác làm phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Thậm chí, việc vận hành xử lý nước rỉ rác phải được duy trì thường xuyên và tiếp tục mãi mãi.
Ngày càng nhiều siêu thị dùng túi đựng thân thiện môi trường phục vụ bán hàng |
Nguồn: ITN |
Đáng lo ngại hơn, theo bà Mỹ, ngoài lượng rác thải nhựa được chôn lấp, không thể phân hủy tại các bãi chôn lấp, trong môi trường tự nhiên vẫn tồn tại lượng lớn rác thải nhựa bị bỏ thẳng ra môi trường. Lượng rác thải nhựa này thường trôi dạt vào hệ thống kênh rạch, cống thoát nước… gây tắc nghẽn dòng chảy và làm gia tăng thời gian cũng như tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Trước tình trạng đáng báo động này, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần. Cụ thể, theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1.8.2019, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Trong đó, hạn chế sử dụng nước uống đóng chai trong công sở và khi tổ chức các hội nghị, hội thảo, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn, hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường. Đặc biệt, không dùng ly nhựa, ống hút nhựa... sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hàng ngày của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế... và tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp. Tiến tới từ năm 2020, Sở Tài chính sẽ không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua các sản phẩm nhựa dùng một lần.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu đến hết ngày 31.12.2020, tất cả hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy; các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi nilon khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng. Cụ thể, đến đầu năm 2021, 100% kênh phân phối hiện đại không sử dụng túi nilon đựng hàng cho người tiêu dùng; giảm tỷ lệ này xuống còn 50% với người tiêu dùng khi mua hàng tại chợ truyền thống.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy đối với môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn vào chương trình giảng dạy ở các cấp học trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động thu gom, tái chế chất thải nhựa, túi nilon trên địa bàn thành phố, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và biểu dương khen thưởng các tập thể cá nhân thực hiện tốt việc chống rác thải nhựa.
Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần
Thực hiện kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần của UBND TP Hồ Chí Minh, tại Sở Tư pháp, nước uống đóng chai loại 350 - 500ml và các đồ nhựa dùng một lần khác đã chính thức “biến mất” từ ngày 1.7. Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Huỳnh Thu Thảo cho biết, ngay từ giữa tháng 6.2019, khi Thủ tướng kêu gọi nói không với túi nilon và đồ nhựa dùng một lần, văn phòng đã đề xuất ngay với ban giám đốc, duyệt đầu tư đồng bộ bình đựng nước và ly thủy tinh để phục vụ các hoạt động của sở.
Tương tự, từ ngày 1.8, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng không còn sử dụng chai nước nhựa dùng một lần. Thay vào đó là các bình nước loại lớn, ly bằng sứ. “Sở cũng đã tiến hành giảm sử dụng bút viết làm từ nhựa, giấy được sử dụng tiết kiệm bằng cách in 2 mặt và hạn chế dùng vì hiện nay hầu hết tài liệu, thư mời, công văn... đều đã gửi qua website, email” - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn chia sẻ.
Không chỉ ở các sở, ngành, việc “nói không” với sản phẩm nhựa dùng một lần đang được các quận, huyện thực hiện với nhiều sáng tạo. Tại huyện Củ Chi, UBND huyện đã bố trí chuyên biệt 4 phòng họp và 1 hội trường các máy nước uống để phục vụ, không sử dụng nước uống đóng chai loại 350ml, 500ml. Ngay trước cửa phòng họp và cạnh cửa ra vào phòng họp, có sẵn các ly thủy tinh thay thế ly nhựa dùng một lần. UBND các xã cũng chuyển sang sử dụng bình trà và ly thủy tinh để phục vụ nước uống.
Đặc biệt, không chỉ dừng ở trong phòng họp, phong trào chống rác thải nhựa lan tỏa tới cộng đồng, khu dân cư. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi Huỳnh Thị Vang cho hay, ban quản lý 19 chợ trên địa bàn huyện đã tập trung vận động hơn 500 tiểu thương hạn chế sử dụng túi nilon, tăng cường sử dụng loại bao bì thân thiện với môi trường. Các cửa hàng, siêu thị hạn chế phát túi nilon cho khách hàng.