Người dân vẫn chờ thông tuyến
Đường Nguyễn Văn Linh được xem là tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam TP. Hồ Chí Minh, mở ra cửa ngõ thông thương miền Tây. Đại lộ kết nối các khu vực quan trọng như: Khu đô thị (KĐT) Phú Mỹ Hưng, KĐT Thủ Thiêm, các KĐT Nam Sài Gòn, Khu chế xuất Tân Thuận, cầu Phú Mỹ… và có một phần của tuyến vành đai 2.
Để xử lý nút giao thông giữa hai tuyến trên thường xuyên ùn tắc, tháng 4.2020, dự án hầm chui Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh TP đã khởi công, ngân sách được cấp đầu tư ban đầu hơn 830 tỷ đồng. Khi đưa vào hoạt động, công trình sẽ hỗ trợ khu Nam thành phố kết nối khu trung tâm qua cầu Kênh Tẻ, qua quận 7 về huyện Nhà Bè xuống cảng Hiệp Phước thông thoáng hơn.
Giai đoạn 1 của dự án, thành phố sẽ xây dựng một vòng xoay có đường kính 60m với 2 hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh với số vốn hơn 830 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ hoàn chỉnh nút giao, làm thêm hai cầu vượt, hai hầm chui với chi phí khoảng 1.780 tỷ đồng (780 tỷ đồng chi phí xây dựng và 1.000 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng). Sau đó, đầu tư các hạng mục còn lại kết hợp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ theo đúng quy hoạch. Dự án có tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố. Chủ đầu tư (CĐT) là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban QLDA)
Tháng 6.2021, trả lời báo giới, đại diện chủ đầu tư cho biết sẽ thông xe kỹ thuật hầm chui trước ngày 30.6.2022. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, sáng 8.8 tại công trường, dự án “bất động” khi ngổn ngang với vật tư, trang thiết bị rỉ sét, thiết bị cơ giới ngừng hẳn, vắng bóng công nhân trên công trường. Tuyến hầm thứ 2 đang thi công dang dở, các hạng mục khác như hầm thứ 1, trạm bơm… cây cỏ mọc cao quá đầu người. Nhiều đoạn trên tuyến Nguyễn Văn Linh đã xuống cấp, vách tôn che chắn công trường lấn lòng đường gây ùn tắc giao thông thường xuyên. Phương tiện giao thông từ các hướng đi qua khu vực này rất nhiều, đặc biệt là giờ cao điểm nên thường xuyên gây kẹt xe.
Đại diện Ban QLDA cho biết, dự án còn vướng về mặt hạ tầng kỹ thuật, đang được các sở, ngành trình duyệt. Sau khi di dời các hạng mục về hạ tầng kỹ thuật thì đơn vị thi công mới triển khai được. Tuyến hầm thứ 2 khó hoàn thành trong năm 2022 như dự tính song khó nhất là vấn đề giải ngân chậm. Giám đốc Kho Bạc nhà nước TP Nguyễn Hoàng Hải, cho biết, dự án được thành phố bố trí 200 tỷ đồng, nhưng tới nay mới giải ngân được 9,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ dưới 5%.
Đẩy nhanh tốc độ đầu tư công
Tăng tốc giải ngân cho các dự án trọng điểm cũng là một mục tiêu quan trọng mà lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh hướng đến trong 4 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023. Mới đây, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thành phố tham mưu cùng với các sở, ngành chuẩn bị cho kế hoạch ngân sách cho năm 2023, tập trung quyết liệt mọi giải pháp để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
Trước đó, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến cuối tháng 7, tổng số vốn đầu tư công mà TP đã giải ngân là 8.467,788 tỷ đồng, đạt 26% tổng kế hoạch vốn giao (31.943,65 tỷ đồng). Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa đạt kỳ vọng do nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và xung đột quân sự, chính trị trên thế giới dẫn đến các yếu tố đến từ bên ngoài như giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao; việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, lao động chất lượng cao, máy móc thiết bị phục vụ thi công bị gián đoạn trong những tháng đầu năm.
Phân tích thêm về vấn đề này, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Nguyễn Hoàng Hải cho biết, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố chậm so với bình quân cả nước 31%, rơi vào các dự án có bố trí vốn lớn, trên dưới 200 tỷ đồng nhưng giải ngân đạt thấp, chỉ 10%, chủ yếu là do Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố quản lý.
Bên cạnh các công trình như hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh -Nguyễn Hữu Thọ, còn có nhiều dự án giải ngân chậm chạp như: dự án Vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 được bố trí 1.990 tỷ đồng, mới giải ngân được 43 tỷ đồng, đạt 4%, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên - Bình Chánh trị giá 277 tỷ đồng chưa giải ngân; công trình xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TP trị giá 350 tỷ đồng cũng chưa giải ngân được... Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, đơn vị đều có văn bản gửi các chủ đầu tư đôn đốc việc gửi hồ sơ pháp lý ban đầu, gửi hồ sơ nghiệm thu thanh toán từng lần nhưng đến nay các văn bản gửi đi thì nhiều nhưng hồ sơ gửi đến Kho bạc thành phố thì rất ít.
Theo tính toán, trong 7 tháng đầu năm, thành phố đã thông qua được 52 dự án thẩm định giá bồi thường và không còn hồ sơ tồn đọng. Qua rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường của thành phố nhận thấy nổi lên ách tắc ở cấp quận, huyện. Theo một lãnh đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường của thành phố, việc chậm trễ này có nhiều lý do, đó là việc hoàn thiện pháp lý dự án chậm, quận, huyện thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá nhưng chất lượng thẩm định giá không đồng đều và việc thuê rất khó do các đơn vị này rất ngại tham gia thẩm định giá các dự án bồi thường do thù lao không nhiều mà trách nhiệm rất lớn. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát các dự án đầu tư công ở quận, huyện để lập danh mục, chuyển về quận, huyện và nhắc nhở khẩn trương chuyển hồ sơ thẩm định giá để Sở trình HĐND thành phố, tháo gỡ vấn đề giải ngân dự án trọng điểm.