Nhìn lại hành trình hơn 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa (năm 2001) và hơn 10 năm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (năm 2009), hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ngày càng hiệu quả. Cả nước có trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố được xếp hạng; 3.621 di tích quốc gia và 130 di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng. Khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 543 di sản được đưa vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đặc biệt, có nhiều di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận, ghi danh, trong đó có 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể. Đến nay, cả nước có 197 bảo tàng, trong đó có 127 bảo tàng công lập và 70 bảo tàng ngoài công lập đang bảo quản và trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật - là di vật, cổ vật quý mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia.
Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận cũng cho một số quy định của Luật hiện hành đã và đang có những bất cập. Luật quy định thẩm quyền công nhận, ghi danh di sản nhưng chưa quy định trình tự, thủ tục để triển khai thực hiện. Quy định về mua cổ vật thông qua thương lượng và đấu giá, quy định Nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua cổ vật nhưng chưa quy định cụ thể cơ chế, chính sách để thực hiện. Hay quy định về giám định cổ vật nhưng lại chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và tiêu chuẩn chuyên gia giám định; dù đã có quy định bảo vật quốc gia được bảo vệ, bảo quản theo chế độ đặc biệt nhưng lại chưa quy định cụ thể về việc bảo vệ, bảo quản sẽ được tiến hành như thế nào.
Cùng với đó, chúng ta vẫn chưa có quy định thẩm quyền, hướng dẫn các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như quy định về báo cáo định kỳ tình trạng di sản và tình hình bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các danh sách của UNESCO... Chính “khoảng trống” pháp lý này đã gây khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định. Theo đó, dự thảo Luật quy định về giám định, điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật và đăng ký di vật, cổ vật; công nhận bảo vật quốc gia; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện. Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung chương mới về bảo vệ và phát huy di sản, quy định về phân loại và tiêu chí nhận diện di sản tư liệu; kiểm kê di sản tư liệu; ghi danh di sản tư liệu; bảo quản di sản tư liệu; phục chế di sản tư liệu. Dự thảo Luật quy định về hoạt động quản lý và phát huy giá trị di sản tư liệu thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng; đưa di sản tư liệu sau khi được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài và từ nước ngoài về nước…
Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để bảo vệ, phát huy giái trị di sản văn hóa như dự thảo Luật là rất cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho việc triển khai, áp dụng pháp luật, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh lý một số nội dung trong dự thảo Luật để bảo đảm cụ thể, minh bạch. Trong đó, chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, dự thảo Luật quy định, Nhà nước “hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đối với nhân lực tham gia trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”. Cùng với đó, dự thảo Luật cũng quy định, Nhà nước có chính sách “hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho, đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…”. Quy định về chính sách này còn chung chung, thiếu tính cụ thể, minh bạch.
Khung khổ pháp luật hoàn chỉnh càng cụ thể, càng chặt chẽ, càng dễ áp dụng, thực hiện. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung cụ thể hóa các chính sách “hỗ trợ”, “tạo điều kiện thuận lợi”… trong dự thảo Luật. Có như vậy, mới thu hút ngày càng nhiều nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.