Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định Hải Dương phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Đây là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh, trong đó phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trước mắt cũng như lâu dài. Ngay từ tháng 3.2021, Hải Dương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề này.
Đến đầu tháng 10.2023, toàn tỉnh Hải Dương có 266 doanh nghiệp công nghệ số, 187 doanh nghiệp nền tảng số, 8.330 doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99,58%. Năm 2022, kinh tế số chiếm khoảng 14,36% GRDP toàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Kha cho biết, thời gian tới, Hải Dương sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do Chính phủ, các bộ, ngành trung ương ban hành, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện một số chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp trên một số lĩnh vực như chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ đào tạo lao động; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ưu tiên vốn tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Đồng thời, triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại hội thảo, đại biểu cũng đã nghe giới thiệu về các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số; một số giải pháp phát triển kinh tế số trong lĩnh vực công thương; khởi đầu thông minh để khai thác dữ liệu số và tạo ra giá trị đột phá cho doanh nghiệp; tăng tốc kinh doanh với bộ giải pháp giao dịch số; tinh gọn vận hành và tối ưu chi phí cho doanh nghiệp; nâng cấp hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.