Hạ viện đã thông qua dự thảo Luật Bình đẳng hôn nhân sau lần đọc thứ ba và cũng là lần cuối cùng với 400 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ và chỉ có 10 nghị sĩ phản đối.
Dự luật vẫn cần có sự chấp thuận của Thượng viện và cần được Nhà vua ký phê chuẩn trước khi có hiệu lực, một quá trình có thể mất nhiều tháng.
Nếu luật được ban hành chính thức, Thái Lan sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và là lãnh thổ thứ ba ở châu Á cho phép bình đẳng hôn nhân sau khi Đài Loan (Trung Quốc) hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2019 và Nepal vào năm 2023 .
Plaifah Kyoka Shodladd, một thành viên của Ủy ban thẩm tra dự luật phát biểu trước Quốc hội: “Chúng ta đang viết nên một trang sử mới của Thái Lan và sẽ thay đổi xã hội Thái Lan mãi mãi”. “Tình hình xã hội đã thay đổi, đã đến lúc luật pháp phải bắt kịp với hiện tại”.
Dự luật bình đẳng hôn nhân được Hạ viện nhận được sự ủng hộ của tất cả các đảng lớn, đánh dấu một bước quan trọng trong việc củng cố danh tiếng của Thái Lan là một trong những quốc gia thân thiện nhất trong khu vực đối với người đồng tính và chuyển giới.
Một số đảng chính trị lớn tranh cử trong cuộc bầu cử năm ngoái đã cam kết thúc đẩy bình đẳng hôn nhân như một phần trong chiến dịch của họ, bao gồm Đảng Tiến bước, đảng giành được nhiều ghế nhất.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, thuộc Đảng Pheu Thai, vào thời điểm mới nhậm chức, cũng đã hứa sẽ đưa dự thảo Luật Bình đẳng hôn nhân ra Quốc hội. Ông cũng là người lên tiếng ủng hộ nỗ lực của Bangkok đăng cai tổ chức World Pride (một sự kiện lớn của cộng đồng LGBTQ+) vào năm 2028.