Cụ thể, mô hình xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi đã qua xử lý biogas của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh được triển khai thí điểm năm 2019 tại huyện Thạch Hà. Kết quả, nước thải đầu ra trong hơn, mùi hôi giảm rõ rệt, toàn bộ hệ thống nước thải sau xử lý được tận dụng để tưới cây. Qua triển khai, cho thấy mô hình xử lý nước thải sinh hoạt trong khu dân cư rất phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân. Để thực hiện thí điểm, hộ dân được hỗ trợ 100% chi phí xây dựng mô hình, hỗ trợ chế phẩm sinh học, kỹ thuật xử lý nước thải.
Cũng nhờ sự hỗ trợ từ Văn phòng điều phối nông thôn mới và các chính sách của huyện, tỉnh nên hiện nay trên địa bàn xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà đã có hàng trăm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt lớn nhỏ đi vào hoạt động. Đặc biệt, đối với những hộ kinh doanh, hộ sản xuất, chăn nuôi lớn bước đầu áp dụng mô hình đã cho thấy hiệu quả.
Được biết, đầu năm 2022, xã Tân Lâm Hương cũng đã triển khai nhân rộng mô hình tới 300 hộ dân trên địa bàn. Qua đó có thể đánh giá mô hình có tác dụng hiệu quả trong việc giảm thải tại các hộ dân. Hiện ở thôn Kim Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà còn được Trường Đại học xây dựng Hà Nội đầu tư thí điểm hệ thống xử lý nước thải cho cụm dân cư tập trung. Quá trình tổ chức thực hiện bước đầu gặp không ít khó khăn, thế nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy chính quyền, tổ chức đoàn thể và đặc biệt là với hiệu quả từ hệ thống xử lý nước thải đã được khẳng định nên người dân cơ bản đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, đến nay toàn huyện Thạch Hà đã nghiệm thu 1.670 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, 109 mô hình xử lý nước thải chăn nuôi. Trong năm 2022 dự kiến sẽ hoàn thành 3.000 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2024 có 50% hộ dân xử lý nước thải sinh hoạt, nươc thải chăn nuôi.