Gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, năm 2023, Hà Nội đón 21 triệu lượt khách, trong đó có gần 4 triệu lượt khách quốc tế (vượt kế hoạch năm), tăng 3,5 lần so với năm 2022; và 17,1 triệu lượt khách nội địa, tăng 19,1%. Tổng thu từ du lịch ước đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước và Hà Nội tiếp tục được công nhận Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch nhanh chóng theo hướng gia tăng nhanh các ngành dịch vụ lên đến 65,13%, GRDP của Thủ đô tăng trưởng khá, bình quân đạt 6.7%/năm, gấp 1,43 lần so với cả nước. Kết quả này cho thấy, công nghiệp văn hóa Hà Nội đang từng bước góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Thành phố.
Hà Nội đã khuyến khích các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa chủ động, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa chất lượng, thu hút được sự chú ý và tham gia của đông đảo khách du lịch cũng như quần chúng nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Điển hình như chương trình tham quan, trải nghiệm Di tích Nhà tù Hỏa Lò về đêm với chủ đề “Đêm thiêng liêng 1 - Sáng ngời tinh thần Việt”, “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa”; tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám…
Sau 4 năm chính thức là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và hơn 1 năm ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đang có sự phát triển đa dạng của các sản phẩm thủ công; sản phẩm sáng tạo có mặt khắp nơi trong thành phố, cùng với việc kết nối mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô, tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.
Nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, chỉ trong hơn 3 năm gần đây đã tổ chức gần 500 sự kiện trong nước và quốc tế; Không gian văn hóa Phố sách trong 5 năm đón hơn 3 triệu độc giả, đem về doanh thu khoảng 29 tỷ đồng.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội hàng năm, trong đó năm 2021 có chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo”, năm 2022 “Sáng tạo và Công nghệ” và năm 2023 “Dòng chảy”, trở thành sự kiện được mong đợi đối với các nghệ sĩ, nghệ nhân, kiến trúc sư, cộng đồng sáng tạo trong nước và quốc tế.
Hoàn thiện cơ chế, phát triển nguồn nhân lực
Thời gian tới, Hà Nội đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Cụ thể là, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa. Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách như nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, doanh nghiệp khởi nghiệp; cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các ngành có trình độ chuyên môn cao. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước.
Phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, chú trọng khu vực có tiềm năng, lợi thế như ở khu vực đô thị, làng nghề truyền thống. Thu hút và hỗ trợ đầu tư thông qua việc thành phố triển khai quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao. Mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa, tiếp tục thực hiện hiệu quả ngoại giao văn hóa.
Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xác lập thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiến nghị các cấp, ngành nghiên cứu, xây dựng và có cơ chế thực thi hiệu quả quy hoạch cấp quốc gia cho chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời hướng dẫn các địa phương trong cả nước triển khai quy hoạch đồng bộ nhằm tạo sự thống nhất mục tiêu phát triển; định vị bản sắc văn hóa của từng vùng, địa phương; hình thành liên kết vùng, chuỗi liên kết các ngành, lĩnh vực, thúc đấy công nghiệp văn hóa Việt Nam có vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế…