Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng để Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thực hiện nhiệm vụ kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19 và “đưa hàng nông thôn lên thành thị” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tạo điều kiện quảng bá, xúc tiến các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội và cả nước tới Nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế. Cùng với đó, sẽ giúp các chủ thể OCOP tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn, và quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Tại Hội thảo, các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các hệ thống bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn; chuyển đổi số bán hàng trực tuyến hay việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ… đã được đại diện các nhãn hàng báo cáo, trình bày và trao đổi kinh nghiệm.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2018 - 2020, TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 1.054 sản phẩm OCOP. Trong đó, 4 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 731 sản phẩm 4 sao, 306 sản phẩm 3 sao.
Thực hiện Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 227/KH-UBND của UBND thành phố về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, trong năm 2021, đã có 27/30 quận, huyện, thị xã đăng ký 581 sản phẩm tham gia, phân hạng. Đến nay, đã phân hạng được 493 sản phẩm OCOP. Dự kiến, hết năm 2021, thành phố sẽ công nhận ít nhất hơn 500 sản phẩm OCOP, đưa tổng số sản phẩm OCOP của Hà Nội lên 1.500 sản phẩm. Toàn thành phố hiện có 44 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn...