Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội được triển khai từ ngày 1.4.2023, thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn chỉ đạo các ngân hàng triển khai chương trình.
Tiếp đó, Bộ Xây dựng ban hành văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20.4.2023 hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này.
Đáng chú ý, để giảm bớt thủ tục, đầu mối, khẩn trương triển khai Đề án, Bộ Xây dựng đã ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội; công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Tại hội nghị triển khai Đề án do Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện "chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN", do đó "đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120 nghìn tỷ đồng".
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế. Quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện nay cũng gặp nhiều ý kiến phản ánh như: điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.
"Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể, các bộ, ngành rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Các tỉnh, thành phố cần quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tới chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như người dân trên địa bàn về chương trình để nắm bắt và tiếp cận.
Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, thời hạn giải ngân của gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là đến khi giải ngân hết số tiền này nhưng không quá ngày 31.12.2030.
Lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho bình quân trung dài hạn bằng đồng Việt Nam của 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ.
Cụ thể, đến 30.6.2023, lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm và người mua nhà là 8,2%/năm.
Kể từ ngày 1.7.2023, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ theo nguyên tắc trên cho các ngân hàng thương mại.
Về thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất, với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn khoản cho vay đã được thỏa thuận tại hợp đồng cho vay ban đầu.
Với người mua nhà là là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn khoản cho vay đã được thỏa thuận tại hợp đồng đi vay ban đầu.
Danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được tham gia đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ do Bộ Xây dựng hướng dẫn tại văn bản 1551/BXD-QLN.
Việc cho vay do các ngân hàng và khách hàng thực hiện theo các quy định như các khoản vay thông thường hiện hành.
Hiện tại, 4 ngân hàng thương mại nhà nước tham gia chương trình (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) đã có văn bản hướng dẫn triển khai chương trình thống nhất trên toàn hệ thống.