ĐBNDO (Báo điện tử ĐBND): Những ngày qua, độc giả của Báo Điện tử ĐBND ở mọi miền đất nước đã gửi hàng trăm câu hỏi về AIPA và QH Việt Nam. Thưa Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh, chiều nay Báo điện tử ĐBND mời Phó chủ nhiệm đối thoại trực tuyến với độc giả của Báo về AIPA và vai trò, vị thế và những đóng góp của QH Việt Nam với tư cách là Chủ tịch AIPA - 31 cũng như những đóng góp của QH Việt Nam với AIPA trong suốt 15 năm qua, kể từ ngày QH Việt Nam trở thành thành viên chính thức của AIPA.
Phó chủ nhiệm (PCN) Ngô Đức Mạnh: Trước hết, tôi chân thành cám ơn lời mời của Báo Điện tử Đại biểu nhân dân đến giao lưu trực tuyến với bạn đọc về hoạt động của QH và hoạt động đối ngoại của QH. Nhất là trong năm nay QH nước ta là Chủ tịch AIPA - 31, là người trong cuộc, tôi nhận thấy đây là cơ hội để Ban tổ chức Đại hội đồng AIPA - 31 có dịp chia sẻ thông tin về công việc mà QH đã và đang đảm đương. Tôi xin giải đáp những vấn đề mà độc giả của Báo nêu.
Nguyễn Quang Huy, 35 tuổi, Hà Nội.
Một trong hai sự kiện chính trị quan trọng trong năm nay của nước ta đó là Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và AIPA. Vậy ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của hai sự kiện này? Thưa ông, theo cái nhìn của ông thì, Việt Nam có lợi ích gì khi tham gia AIPA?
PCN Ngô Đức Mạnh: Cùng trong năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN và gia nhập AIPA. Và có sự trùng hợp ngẫu nhiên, thú vị là sau 15 năm, Việt Nam đồng đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì, thứ nhất ngày nay ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết có vai trò quan trọng ở khu vực và là đối tác không thể thiếu của các nước và các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới. Năm nay là năm bản lề của ASEAN khi ASEAN đang nỗ lực thực thi Hiến chương của mình và triển khai nhiều kế hoạch hành động tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN. Bên cạnh đó, AIPA cũng đang hợp tác chặt chẽ với ASEAN phấn đấu vì mục tiêu chung xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển. Thứ hai là, với vai trò là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của cả ASEAN và AIPA, nước ta đang cố gắng đóng góp thiết thực và hiệu quả nhằm tăng cường đoàn kết, liên kết ASEAN nâng cao vai trò và vị thế của Hiệp hội; đảy mạnh hợp tác liên nghị viện trong khuôn khổ AIPA một cách hiệu quả, thực chất hơn. Thứ ba, nước ta là Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA trong năm 2010 có nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước. Đây là dịp để chúng ta thể hiện một nước Việt Nam ổn định và phát triển, đổi mới và năng động, tích cực và chủ động, có quan hệ hòa bình hữu nghị với mọi quốc gia trong và ngoài khu vực. Qua đó đóng góp tích cực cho cả ASEAN và AIPA.
Bạn hỏi "Việt Nam có lợi ích gì khi tham gia AIPA", tôi xin trao đổi: Là thành viên của AIPA, QH Việt Nam muốn thông qua việc đảm đương thành công chức Chủ tịch AIPA - 31 thể hiện vai trò của mình trong việc thúc đẩy hợp tác liên nghị viện, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và đối tác của AIPA. Điều này hết sức có ý nghĩa đối với việc triển khai thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam; đồng thời, qua đó QH Việt Nam, các cơ quan của QH Việt Nam và các ĐBQH của chúng ta sẽ có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng tham gia các diễn đàn nghị viện của khu vực và quốc tế.
Bùi Thanh Thuỷ, 40 tuổi, TP. Hồ Chí Minh:
Do các nghị quyết, sáng kiến của AIPA không mang tính bắt buộc do vậy, có thể hiệu quả thực hiện không cao. Quan điểm của ông đối với ý kiến này như thế nào?
PCN Ngô Đức Mạnh: AIPA là tổ chức liên nghị viện của khu vực, mỗi năm có một kỳ Đại hội đồng để ban hành các nghị quyết theo nguyên tắc đồng thuận. Trong quá trình đi đến quyết định, các nghị sỹ đại diện cho các nước thành viên AIPA đã trao đổi, bàn bạc để ban hành Nghị quyết. Chính vì vậy, các nước đã đồng thuận thì không có lý do gì để không thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các nghị quyết đã ban hành, cần phải triển khai nhiều biện pháp như: cần kịp thời thông tin rộng rãi đến người dân về các nghị quyết của AIPA; cần có các biện pháp, triển khai đồng bộ, kịp thời, cụ thể; và, nhất là phải đôn đốc, theo dõi, giám sát kịp thời. Từ đó tôi cho rằng, nghị viện các nước thành viên AIPA cũng như mỗi nghị sỹ của AIPA phải nỗ lực hơn nữa để đưa nghị quyết của AIPA vào cuộc sống.
Bùi Hoài Nam, 37 tuổi, Khánh Hòa
Sự phối hợp giữa cơ quan lập pháp và hành pháp thời gian qua được thực hiện như thế nào, nhất là của cơ quan lập pháp trong việc thực hiện các nghị quyết của AIPA?
PCN Ngô Đức Mạnh: Sự phối hợp giữa cơ quan lập pháp và hành pháp là điều kiện cần thiết, là yếu tố quan trọng để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của AIPA. Trước hết, thông qua kênh AIPA, cơ quan lập pháp có thể đề xuất các vấn đề để AIPA bàn bạc, thảo luận và đi đến quyết định. Điều này bảo đảm cho nghị quyết của AIPA có tính hiện thực và phúc đáp những vấn đề mà cuộc sống cũng như thực tiễn điều hành của cơ quan hành pháp đặt ra. Các cơ quan lập pháp và hành pháp cần phối hợp đồng bộ trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết đã ban hành như: lồng ghép tinh thần, nội dung của nghị quyết AIPA vào chính sách pháp luật của mỗi nước, tổ chức thực hiện nghị quyết của AIPA có hiệu quả của tại quốc gia. Đồng thời, hai bên cần kịp thời trao đổi để giải quyết những vấn đề phát sinh, bàn kế hoạch triển khai cụ thể để tổ chức thực hiện các nghị quyết của AIPA. Bằng cách đó, mỗi cơ quan sẽ phát huy bai trò của mình và đồng thời làm tăng thêm hiệu quả của sự phối hợp.
Trần Đình Đức, 50 tuổi, Hoài Đức – Hà Tây:
Việt Nam đã tham gia AIPA từ năm 1995. Đó là khoảng thời gian khá dài để Việt Nam có thể khẳng định vai trò của mình đối với AIPA. Vậy theo ông, đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam là gì?
PCN Ngô Đức Mạnh: từ năm 1995 trở lại đây, là thành viên của AIPA, Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật trong tổ chức và hoạt động của AIPO nay là AIPA. Thứ nhất, là chúng ta đã làm cho bạn bè trong khu vực, quốc tế hiểu rõ thêm về đất nước, về con người Việt Nam, về đường lối đối ngoại, về hoạt động của QH chúng ta. Thứ hai là, chúng ta đã làm tốt vai trò, trách nhiệm nghị viện thành viên của mình trong AIPA. Cụ thể là QH Việt Nam đã tham dự đầy đủ và tích cực các kỳ Đại hội đồng, tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO - 23 tại Hà Nội. Và, quan trọng là chúng ta có rất nhiều sáng kiến, khuyến nghị các vấn đề của khu vực và nâng cao hiệu quả hoạt động của AIPO/ AIPA được các nghị viện thành viên đánh giá cao và được Đại hội đồng nhất trí thông qua thành nghị quyết chung. Thứ ba, qua việc thực hiện có trách nhiệm, tích cực, chủ động vai trò thành viên của mình, QH Việt Nam được bạn bè khu vực tôn trọng, trở thành điểm kết nối, là nhân tố bảo đảm sự đoàn kết hợp tác trong khu vực và tạo được sự tin cậy. Qua đó, góp phần cùng với Chính phủ triển khai thực hiện thành công đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Nguyễn Thị Nguyệt Anh - Nữ 22 tuổi – Khoa Đông phương học, Đại học khoa học, xã hội và nhân văn Hà Nội:
Hiến chương ASEAN xác định mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Xin Ông cho biết, vai trò của nghị viện các nước thành viên AIPA đối với việc hình thành Cộng đồng này như thế nào?
PCN Ngô Đức Mạnh: Xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 thể hiện tầm nhìn, cam kết của các nước ASEAN nhằm xây dựng khu vực ASEAN liên kết và liên kết mạnh mẽ hơn. Quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN không chỉ đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan Chính phủ mà phải có sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của nghị viện các nước AIPA. Sự tham gia của nghị viện các nước thành viên AIPA vào quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN bằng việc: tăng cường sự hiểu biết của người dân về ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng Cộng đồng ASEAN; biến tầm nhìn xây dựng Cộng đồng thành các nghị quyết của nghị viện để tổ chức triển khai thực hiện; hài hòa hóa hệ thống pháp luật để hỗ trợ; triển khai giám sát việc thực hiện các thỏa thuận, hiệp định đã được ký kết trong khuôn khổ ASEAN.
Kiều Oanh, Thanh Huyền, huyenanh@yahoo.com: PV báo chí phục vụ AIPA được tuyển chọn như thế nào? Em là PV báo địa phương có được đến đưa tin không? Em phải chuẩn bị những gì?
PCN Ngô Đức Mạnh: Tuyên truyền, thông tin về AIPA là một trong những hoạt động hết sức quan trọng của Năm QH Việt Nam là Chủ tịch AIPA - 31. Chúng tôi mong muốn sự tham gia rộng rãi và tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí, trong đó có cả báo địa phương của em. Trước hết, em cần tìm hiểu về AIPA và về hoạt động của QH Việt Nam trong AIPA. Thứ hai là cần kỹ năng tác nghiệp nhanh, chuyên nghiệp tại hội nghị quốc tế lớn của khu vực. Trước mắt, tôi mong có những bài viết qua báo của địa phương em để giới thiệu với bà con địa phương về những hoạt động mà QH nước ta đã và đang triển khai trên cương vị Chủ tịch AIPA - 31.
Hiện nay, thông tin AIPA khá phong phú trên các phương tiện thông tin truyền thông. Em có thể vào qua mạng internet, trang tin của QH, qua báo ĐBND và liên hệ trực tiếp với Tiểu ban Nội dung - Tuyên truyền thuộc Ban Tổ chức AIPA - 31 , 37 Hùng Vương, Hà Nội, có thể gặp trực tiếp tôi.
Hồng Ánh, 33 tuổi Thanh Xuân - Hà Nội:Xin Anh nói đôi nét về bản thân mình. Gia đình anh có ai theo nghiệp đối ngoại nghị viện của anh không? Thái độ của họ đối với AIPA như thế nào?
PCN Ngô Đức Mạnh: Tôi cám ơn sự quan tâm của bạn. Bạn có biết sông La ở đâu không? Ngày còn nhỏ, tôi đã từng bơi qua sông La mà không bị làm sao cả. Với tôi làm ĐBQH là một nhân duyên lớn, nên trong gia đình tôi chưa có ai tham gia QH. Khi được biết tôi đang làm việc tại Ủy ban Đối ngoại của QH và được giao tham gia tổ chức các hoạt động của năm AIPA Việt Nam 31, mọi người trong gia đình tôi đều hết sức ủng hộ, tạo điều kiện để tôi có thể làm tốt công việc của mình.
Hoàng Thị Hằng, 25 tuổi Đà Nẵng.
Xin ông cho biết AIPA là gì ?
PCN Ngô Đức Mạnh: AIPA là viết tắt của Hội đồng liên nghị viện hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN Inter-Parliamentary Assembly. Đây là một tổ chức Liên nghị viện được thành lập năm 1977 với 5 nước thành viên sáng lập ban đầu là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Ban đầu, tổ chức này được gọi là Tổ chức liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là AIPO).
Đến năm 2006, AIPO đổi tên thành AIPA nhằm thể hiện rõ nét hơn tính chất hoạt động của tổ chức; đồng thời AIPA ban hành điều lệ mới và có những đổi mới về tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động. Hiện nay AIPA có các thành viên gồm, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Brunei; Myanmar là Quan sát viên đặc biệt, vì nước này chưa có cơ quan lập pháp. Việt Nam gia nhập AIPO/ AIPA vào năm 1995.
Võ Hồng Minh, Đồng Nai, 43 tuổi
Là nước chủ nhà của AIPA - 31, Việt Nam đã chuẩn bị những gì để hội nghị thành công? ASEAN tuyên truyền rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, còn AIPA hơi chìm. Ý kiến của Ông?
PCN Ngô Đức Mạnh: Với cương vị chủ tịch AIPA - 31, chúng ta đã và đang triển khai hàng loạt công việc như: thành lập Ban chỉ đạo quốc gia AIPA - 31 do Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban; Thành lập Ban Tổ chức AIPA - 31, gồm 2 Tiểu ban là Tiểu ban Nội dung - Tuyên truyền và Tiểu ban Lễ tân - Hậu cần - An ninh với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, địa phương; Thành lập Ban Thư ký AIPA - 31. Đây là cơ cấu tổ chức để chỉ đạo, điều hành và chuẩn bị các nội dung và công việc của AIPA - 31. Các cơ quan hữu quan cũng đang xây dựng nội dung, chương trình, chủ động đề xuất các sáng kiến cho hàng loạt hội nghị trong khuôn khổ của AIPA - 31. Đồng thời, phối hợp với nghị viện các nước thành viên AIPA, với Ban Thư ký AIPA tại Jakartar để tổ chức các hoạt động của AIPA; tiến hành thông tin tuyên truyền về AIPA; chuẩn bị các địa điểm tổ chức các hội nghị, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Đại hội đồng AIPA - 31. Cho đến bây giờ, các công việc cho AIPA - 31 đang được triển khai tích cực và đúng tiến độ.
Bạn cho rằng, việc tuyên truyền về ASEAN rầm rộ và tuyên truyền về AIPA hơi chìm? Tôi nghĩ, không nên so sánh như vậy. Điều quan trọng là phương thức và nội dung tuyên truyền phù hợp. Để AIPA đến với công chúng, tại sao bạn không nghĩ rằng, chính bạn có thể là "tuyên truyền viên tích cực cho AIPA". Đây cũng là cách thể hiện sự quan tâm của bạn đối với AIPA, nhất là trong năm QH Việt Nam làm Chủ tịch AIPA - 31.
Nguyễn Tiến Trung, Hà Nội, 18 tuổi
Thưa ông ngôn ngữ trao đổi trong hoạt động AIPA là ngôn ngữ gì ? Các Văn kiện của AIPA sử dụng những ngôn ngữ nào?
PCN Ngô Đức Mạnh: Ngôn ngữ chính thức trong hoạt động của AIPA là tiếng Anh. Đương nhiên văn kiện của AIPA là tiếng Anh. Thành ra, tổ chức và tham gia các hoạt động của AIPA đòi hỏi các ĐBQH cũng như cán bộ đối ngoại phải có kỹ năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ này. Vì thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ QH Khóa XII, Ủy ban Đối ngoại của QH đã tổ chức tìm hiểu về kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh của ĐBQH, Từ đó, có danh sách ĐBQH sử dụng thành thạo tiếng Anh để bố trí tham dự các hoạt động của AIPA. Qua các kỳ Đại hội đồng và các hội nghị của AIPA, tôi thấy các ĐBQH của chúng ta sẵn sàng tranh luận, chỉnh sửa câu chữ trong dự thảo nghị quyết của những nghị sỹ các nước có ngôn ngữ chính thống là tiếng Anh.
Nguyễn Tiến Trung, Hà Nội, 18 tuổi:Nếu cháu có tiếng Anh, cháu có thể tham gia giúp gì cho Đại hội đồng AIPA - 31 hay không?
PCN Ngô Đức Mạnh: Cháu có thể là tình nguyện viên của Đại hội đồng AIPA - 31. Sắp tới, Ban Tổ chức AIPA - 31 sẽ huy động sự tham gia của sinh viên các trường Đại học trong vai trò hướng dẫn viên, tình nguyện viên cho các Đoàn Đại biểu tham gia Đại hội đồng AIPA - 31. Rất hy vọng cháu sẽ là một trong những tình nguyện viên tích cực, góp phần làm nên thành công của AIPA - 31.
Đào Thu Phương, Đống Đa- Hà Nội, 27 tuổi:
Doanh nghiệp được lợi gì khi Việt Nam là chủ tịch AIPA thưa ông?
PCN Ngô Đức Mạnh: Rõ ràng là khi quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước trong khu vực thông qua hoạt động đối ngoại được mở rộng và tăng cường - thì các doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện để thúc đẩy giao lưu thương mại với các đối tác trong khu vực.
Qua việc triển khai các hoạt động của Năm AIPA - 31, chúng ta có điều kiện để hiểu thêm về môi trường kinh doanh, luật pháp và thị trường của các nước. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp có điều kiện thâm nhập thị trường, triển khai thực hiện các dự án. Chúng ta cũng sẽ đón tiếp nhiều nghị sỹ đại diện cho giới kinh doanh hoặc các nghị sỹ là chủ các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong khu vực. Từ đó, giúp thiết lập nên mối quan hệ hợp tác, giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác trong khu vực. Tổ chức Đại hội đồng AIPA - 31 tại Việt Nam cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam, tiềm năng du lịch, cơ hội đầu tư của đất nước chúng ta. Chúng tôi mong các doanh nghiệp sẽ biết cách tận dụng cơ hội mà AIPA - 31 mang lại để thành công hơn nữa trong hoạt động kinh doanh của mình.
Phạm Hùng Dũng, Đại học Luật Hà Nội, 22 tuổi
Xin Ông cho biết quy trình, thủ tục thông qua các quyết định của AIPA? Trong quy trình thủ tục thì khâu nào quan trọng nhất? Tại sao?
PCN Ngô Đức Mạnh: Tương tự như cách xây dựng pháp luật ở QH Việt Nam, việc xây dựng và thông qua các nghị quyết của AIPA cũng phải tuân theo những quy trình, thủ tục nhất định. Trước hết, mỗi nước thành viên AIPA sẽ đề xuất các sáng kiến của mình để thảo luận tại các Ủy ban chuyên đề của AIPA. Nước chủ nhà Đại hội đồng phải chuẩn bị dự thảo nghị quyết về từng vấn đề sẽ được các nghị sỹ thảo luận tại Ủy ban. Và điểm khác biệt là phải được sự nhất trí của nghị sỹ đại diện cho nghị viện các nước thành viên AIPA tham gia vào Ủy ban theo nguyên tắc đồng thuận thì dự thảo nghị quyết đó mới được thông qua. Cuối cùng Ủy ban phải có báo cáo với Đại hội đồng tại phiên họp toàn thể. Và chừng nào, nghị viện các nước thành viên nhất trí hoàn toàn thì nghị quyết đó mới trở thành nghị quyết của Đại hội đồng. Thành ra khâu quan trọng nhất là phải tạo được sự đồng thuận của nghị sỹ tất cả các nghị viện thành viên AIPA. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có kỹ năng và cách ứng xử linh hoạt, khéo léo để vừa bảo vệ được ý kiến của mình, vừa tuân thủ quy trình thủ tục, tạo được sự ủng hộ đồng tình của các nước.
Nguyễn Danh Quang – Nam 45 tuổi – Đà Nẵng: Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 16 vừa diễn ra tại Hà Nội có diễn ra Cuộc họp giữa Lãnh đạo Chính phủ các nước ASEAN và Lãnh đạo nghị viện các nước thành viên AIPA. Thành công lớn nhất của cuộc họp này là gì? Có thỏa thuận gì được đưa ra hay không? Hay chỉ là cuộc họp salon, vui vẻ và hình thức là chủ yếu?
PCN Ngô Đức Mạnh: Rất vui vẻ, nhưng không hình thức. Vui vẻ - bởi cuộc họp thành công. Không hình thức - bởi các nhà lãnh đạo ASEAN và AIPA đã bàn thực chất về mối quan hệ giữa ASEAN và AIPA để phối hợp thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Các nhà lãnh đạo hai bên đã nhất trí về nhiều biện pháp tăng cường sự tham gia của mỗi bên vào hoạt động của nhau; tăng cường trao đổi thông tin và sự phối hợp giữa Ban thư ký ASEAN với Ban thư ký AIPA đề tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của ASEAN và AIPA.
Trần Đức Anh, 25 tuổi, Bắc Ninh
Tiền thù lao cho các Đại biểu dự AIPA là bao nhiêu? Số tiền ấy có đủ cho công tác thường xuyên phải xa nhà hay không? Nếu thiếu thì ông lấy ở đâu?
PCN Ngô Đức Mạnh: Tùy theo chế độ của các nước thành viên AIPA. Đối với các ĐBQH Việt Nam tham dự AIPA thì theo tiêu chuẩn của Bộ Tài chính quy định. Không có chế độ riêng nào cả. Nước ta còn nghèo nên chế độ chi tiêu cho cán bộ, công chức còn khá gò bó. Do vậy, trong việc tổ chức, sắp xếp các Đoàn công tác tham dự các Kỳ đại hội đồng phải rất khoa học, hợp lý và tiết kiệm. Các thành viên trong Đoàn và tôi thường nói đùa với nhau, nếu thiếu có thể xin thêm tiền của vợ.
Thu Trang, 29 tuổi, Nam Đồng – Hà Nội:Thưa ông ở AIPA, việc gì được bàn đến nhiều nhất và có vùng cấm không?
PCN Ngô Đức Mạnh: Qua các kỳ Đại hội đồng AIPA rất nhiều chủ đề của khu vực và thế giới được bàn đến như: phát triển bền vững, hợp tác kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng chống buôn bán may túy, buôn bán người... Trong khuôn khổ AIPA có Hội nghị chuyên đề về nữ nghị sỹ AIPA (WAIPA). Đây là cuộc họp chỉ dành cho các nữ nghị sỹ. Chủ tọa là nữ và các thành viên cũng vậy. Chủ đề của các cuộc họp này bàn về vấn đề bình đẳng giới, vai trò của nữ nghị sỹ trong hợp tác phát triển của khu vực. Là nữ bạn có thích thú chủ đề này không? Năm ngoái, tại Đại hội đồng AIPA - 30 ở Thái Lan, QH Việt Nam đã có sáng kiến và được Đại hội đồng chấp thuận: ban hành nghị quyết về vai trò của Nữ nghị sỹ trong công tác xây dựng pháp luật. AIPA không có vùng cấm, nhưng điều quan trọng là phải lựa chọn những chủ đề được các nghị viện thành viên AIPA quan tâm, tạo được sự đồng thuận để đi đến quyết định.
Ngô Thanh Hương, Hà Nội, 24 tuổi:
Thưa ông Phó chủ nhiệm, để mọi người biết về AIPA, tại sao Uỷ ban Đối ngoại của QH không tổ chức cuộc thi tìm hiểu về AIPA?
PCN Ngô Đức Mạnh: Tôi nghĩ đây là một sáng kiến hay, không chỉ Ủy ban Đối ngoại mà các cơ quan, tổ chức khác cũng có thể tổ chức cuộc thi tìm hiểu về AIPA. Điều quan trọng chính là nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về AIPA và qua đó thêm yêu AIPA, yêu QH Việt Nam.
Hy vọng bạn và tôi có thể gặp gỡ nhau ở cuộc thi tìm hiểu về AIPA.
Hải Hà, Nam Định: Tôi thường nhìn thấy trên truyền hình có việc chuyển giao chiếc búa của AIPA cho nghị viện giữ chức Chủ tịch AIPA, xin ông cho biết ý nghĩa của biểu tượng này?
PCN Ngô Đức Mạnh: Tại Đại hội đồng AIPA - 30 tổ chức tại Pattaya, Thái Lan vào tháng 8 năm ngoái, được sự ủy nhiệm của Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA - 31 và nhận chiếc búa quyền lực từ Chủ tịch Hạ nghị viện Thái Lan Chai Chidchob. Từ thời điểm đó, QH Việt Nam đã chính thức đảm đương chức Chủ tịch AIPA - 31. Cao điểm của năm Chủ tịch AIPA - 31 là Đại hội đồng sẽ được tổ chức từ 19 - 25.9.2010 tại Hà Nội. Lúc đó, chiếc búa quyền lực của AIPA sẽ được Chủ tịch QH Việt Nam, Chủ tịch AIPA - 31 sử dụng tại các Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng để điều hành thông qua các nghị quyết quan trọng của AIPA.
Chiếc búa quyền lực không phải là quyền sở hữu riêng của nghị viện nước nào mà sẽ được chuyển giao cho nghị viện các nước giữ chức Chủ tịch AIPA. Hành trình của chiếc búa quyền lực là hành trình của AIPA, trong đó có QH Việt Nam chúng ta, vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, hợp tác và phát triển.
Xin cám ơn các bạn đã quan tâm và giao lưu trực tuyến với tôi trên Báo Điện tử ĐBND. Hẹn gặp lại!