Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân tổ chức Giao lưu trực tuyến “Chăm sóc sức khỏe sinh sản và vai trò của chính quyền địa phương”. Giao lưu nhằm góp phần cung cấp thông tin cho cử tri và bạn đọc về vai trò quan trọng của chăm sóc sức khỏe sinh sản; quyền lợi và trách nhiệm của mọi người trong công tác chăm sóc sức khỏe; đưa chính sách pháp luật về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào cuộc sống.
Các khách mời tham gia giao lưu gồm:
Bà Nguyễn Thị Khá - ĐBQH, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội;
Bác sỹ Nguyễn Đức Vinh - Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế;
Thầy thuốc ưu tú, Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Thanh Hóa.
Phó tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Quốc Thắng tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu |
Ảnh: Duy Thông |
Nội dung buổi giao lưu:
Đào Tuyển (45 tuổi), Thái Thụy, Thái Bình: Xin được hỏi ĐBQH Nguyễn Thị Khá, mặc dù, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác dân số - SKSS, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chính sách dân số và SKSS. Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân số và SKSS đối với sự phát triển bền vững của đất nước nên chưa quan tâm đầy đủ đến công tác này, bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá đang giao lưu cùng bạn đọc | Ảnh: Duy Thông |
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác chăm sóc SKSS tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả khả quan:
- Nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành như Hiến pháp năm 2013, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế; Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Dân số, Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chính quyền các địa phương cũng đã ban hành chính sách riêng của tỉnh về công tác này.
- Các hoạt động chăm sóc SKSS (như là làm mẹ an toàn, chăm sóc sơ sinh và trẻ em, giảm phá thai, phá thai an toàn, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, chăm sóc SKSS nam giới, chăm sóc SKSS thành niên, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, dự phòng điều trị sớm ung thư đường sinh sản, dự phòng điều trị vô sinh, KHHGĐ đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc.
- Tuy nhiên vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về kết quả chăm sóc SKSS giữa các vùng miền; đầu tư ngân sách nhà nước cho SKSS còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; nhân lực y tế nhất là về chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa rất thiếu, đặc biệt là tại tuyến huyện. Các hoạt động chăm sóc SKSS không được thực hiện đồng đều. Cụ thể, hoạt động chăm sóc SKSS đối với nam giới, người cao tuổi... chưa được chú trọng đúng mức.
Những yếu điểm nêu trên đã thể hiện việc cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, chưa thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân số và SKSS đối với sự phát triển bền vững của đất nước mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chính sách SKSS. Có địa phương còn buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc SKSS, giao khoán trách nhiệm cho cơ quan chuyên môn, chưa tạo được sự phối hợp hoạt động đồng bộ giữa các ban ngành, đoàn thể, tổ chức.
Ở nhiều nơi, cấp ủy Đảng và chính quyền chưa nắm bắt đầy đủ tình hình và những thách thức trong lĩnh vực chăm sóc SKSS, chưa nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện chính sách chăm sóc SKSS của địa phương, chưa có kế hoạch và biện pháp khắc phục những yếu kém bất cập. Đó cũng là khởi nguồn của tình trạng xáo trộn và thiếu trầm trọng cán bộ làm công tác SKSS.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí cho công tác này mà chủ yếu trông chờ từ các nguồn kinh phí dự án, kinh phí của chương trình mục tiêu.
Kết quả, hiệu quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chăm sóc SKSS là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Như vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác chăm sóc SKSS, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, bảo đảm quản lý và thực hiện có hiệu quả công tác này, đưa các chỉ tiêu về chăm sóc SKSS vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các cấp; cán bộ lãnh đạo các cấp phải thường xuyên quan tâm theo dõi, nắm chắc tình hình và những vấn đề đặt ra trong công tác chăm sóc SKSS; huy động sự tham gia của toàn xã hội, thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra.
Hồng Lam (41 tuổi), Hà Nội: Xin hỏi bà Nguyễn Thị Khá, trước thực trạng đội ngũ cán bộ y tế tại một số cơ sở còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều, hiệu quả tư vấn, cung cấp dịch vụ kỹ thuật chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên chưa cao, việc duy trì, nhân rộng mô hình về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà đâu là giải pháp khắc phục tình trạng này?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Để khắc phục tình trạng nói trên, cần thực hiện các giải pháp sau:
- Ổn định và kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của công tác quản lý Nhà nước về SKSS theo hướng chuyên nghiệp hóa, thực hiện phân công trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng và xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả, đặc biệt là cấp cơ sở.
- Củng cố tổ chức bộ máy làm công tác chăm sóc SKSS ở cấp tỉnh, cấp huyện đủ mạnh để quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác này.
- Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số y tế thôn bản trong việc tuyên truyền, vận động, quản lý đối tượng và cung cấp các dịch vụ thích hợp đến tận hộ gia đình.
- Tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về dân số và SKSS trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, kế hoạch, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ.
- Tăng cường việc triển khai các đề án 1816 hỗ trợ kỹ thuật của tuyến trên cho tuyến dưới trong việc thực hiện các kỹ thuật về công tác chăm sóc SKSS.
- Tăng cường hiệu quả chỉ đạo, điều hành, giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch về SKSS.
- Cần có sự quan tâm, vào cuộc của tất cả các bộ ngành, đoàn thể các cấp, chính quyền và toàn thể nhân dân.
- Tăng cường các biện pháp truyền thông về chăm sóc SKSS.
- Phát hiện và đánh giá các mô hình chăm sóc SKSS nói chung và chăm sóc SKSS cho thanh, thiếu niên nói riêng để triển khai rộng ra toàn quốc. Tuy nhiên, việc triển khai này cũng cần tính đến đặc trưng, tập quán của người dân các vùng miền trên cả nước.
Thu Hà (38 tuổi), Phú Thọ: Xin hỏi ông Nguyễn Đức Vinh, mặc dù, hình thức tuyên truyền, phổ biến về vấn đề SKSS và an toàn tình dục đã được truyền tải sâu rộng tới đông đảo bộ phận dân số nhưng rất nhiều người chưa thực sự hiểu được tầm quan trọng của vấn đề cũng như chưa biết cách tự bảo vệ mình. Theo ông, vì sao lại có tình trạng này?
Bác sỹ Nguyễn Đức Vinh - Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế đang giao lưu cùng bạn đọc |
Ảnh: Duy Thông |
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Trước hết phải khẳng định hiện tại vẫn còn một bộ phận người dân vì còn nhiều lý do khác nhau chưa thực sự hiểu được tầm quan trọng của vấn đề, cũng như chưa biết cách tự bảo vệ mình. Chúng tôi cho rằng có một số nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất là do hình thức truyền thông của chúng ta vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa chú trọng đến yếu tố vùng miền dân tộc, cũng như điều kiện kinh tế- xã hội của nhóm đối tượng được tiếp nhận thông tin. Ví dụ như nhóm đồng bào dân tộc thiểu số dùng các kênh truyền thông hiện đại như ti vi, mạng xã hội đều không phù hợp, đối với các bạn trẻ thành phố mà vẫn lựa chọn các kênh truyền thống như báo đài, ti vi thì sẽ hạn chế hơn so với truyền thông qua internet, qua mạng xã hội, giao lưu trực tuyến, facebook... Tóm lại là chúng ta cần phải đa dạng hóa các phương thức truyền thông, sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Thứ hai là các cách thức truyền thông của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, tùy từng đối tượng mà áp dụng các cách truyền thông đại chúng hoặc nhóm nhỏ cho phù hợp, thậm chí ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số dùng ngay cán bộ là người cùng dân tộc thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Thứ ba là về kỹ năng truyền thông, cán bộ làm công tác tuyền thông bên cạnh hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật cần có những kỹ năng nhất định trong công tác truyền thông, cũng như cần phải có kiến thức về hiểu biết xã hội thì mới đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng truyền thông. Ví dụ như truyền thông về tình dục an toàn cho các bạn trẻ vị thành niên, thanh niên. Nếu không có kiến thức về hiểu biết chuyên môn cũng như tâm sinh lý của các em thậm chí cả kiến thức xã hội và kinh nghiệm sống thì hiệu quả của công tác truyền thông cũng sẽ bị hạn chế.
Thứ tư là nhận thức, thái độ, hành vi trong chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc SKSS nói riêng của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Thứ năm là vai trò của cơ quan và cán bộ làm công tác truyền thông, nhiều khi chúng ta vẫn chú trọng đến các thông tin giật gân, trái chiều hơn là những thông tin mang tính chất xây dựng, phản ánh những gương người tốt việc tốt.
Nhân dịp này Bộ Y tế cũng đề nghị và mong muốn mỗi một cán bộ y tế cần là một cán bộ truyền thông và các cơ quan truyền thông đại chúng kết hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành y tế để truyền tải các thông tin sâu rộng, chính xác và chính thống tới các tầng lớp nhân dân.
Sơn Nam (45 tuổi), TP Hồ Chí Minh: Xin chào ông Vinh, ông có thể cho tôi biết sàng lọc trước sinh và sau sinh là như thế nào? Nó có tác dụng thế nào với cuộc sống của em bé sau sinh? Liệu có phát hiện được các bệnh như tự kỷ hay chậm nói hay không?
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Trước hết phải nói, sàng lọc trước sinh và sơ sinh là việc thực hiện các thăm khám lâm sàng cũng như các xét nghiệm như siêu âm, xét nghiệm máu để phát hiện sớm và đưa ra hướng xử trí về chuyên môn cho phù hợp, góp phần giảm thiểu gánh nặng về bệnh tật cho mỗi gia đình và cả xã hội.
Về tác dụng, sàng lọc trước sinh chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa của thai kỳ, đối với 3 tháng cuối của thai kỳ không có chỉ định sàng lọc và chẩn đoán trước sinh mà chỉ cần siêu âm để đánh giá tình trạng phát triển thai nhi cũng như tiên lượng cuộc đẻ.
Sàng lọc trước sinh 3 tháng đầu giúp đánh giá được nguy cơ mắc hội chứng down, cũng như một số bất thường của nhiễm sắc thể thai nhi. Đối với sàng lọc trước sinh trong 3 tháng giữa của thai kỳ giúp đánh giá được các bệnh thường của hệ thần kinh như vô sọ, thoát vị màng não, não ung thủy... bất thường của hệ tim mạch như dị tật van tim, phì đại tâm thất... các bất thường ở lồng ngực như teo thực quản, thoát vị cơ hoành, tràn dịch màng phổi, các dị tật ở dạ dày, ruột, các hệ tật của hệ sinh dục, tiết niện như thận ứ nước, thận đa nang...
Đối với sàng lọc sơ sinh: lấy máu trẻ sơ sinh để xét nghiệm tốt nhất trong vòng 48h hoặc phải sau khi sinh 24h. Sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện suy giáp trạng bẩm sinh; thiếu men G6PD dẫn tới thiếu máu tán huyết, vàng da sơ sinh kéo dài; tăng sản thượng thận bẩm sinh; rối loạn chuyển hóa bẩm sinh của acid amin acid hữu cơ, acid béo.
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh không có tác dụng phát hiện được các bệnh tự kỷ hay chậm nói ở trẻ. Đối với những trường hợp như vậy chúng tôi khuyến cáo gia đình cần đưa trẻ tới các cơ sở chuyên khoa nhi để được nhận tư vấn cũng như thăm khám, xử trí phù hợp.
Trang Linh (39 tuổi), Lĩnh Nam, Hà Nội: Xin hỏi bác sỹ Lương Ngọc Trương, ông có thể cho biết một số kết quả hoạt động nổi bật của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Thanh Hóa? Trong quá trình hoạt động, Trung tâm gặp khó khăn gì?
Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương: Thanh Hóa là tỉnh lớn, đông dân, địa bàn rộng với gần 3,5 triệu dân, 27 huyện, thị xã, thành phố; 637 xã, phường, thị trấn; có 11 huyện miền núi với 7 huyện nghèo trong số 63 huyện nghèo cả nước.
Kết quả nổi bật của Trung tâm trong những năm qua trước hết là triển khai đồng bộ các chương trình trọng tâm về sức khỏe sinh sản (SKSS) như: làm mẹ an toàn, cứu sống sơ sinh, phòng chống suy dinh dưỡng, SKSS vị thành niên, giảm phá thai... Cụ thể, đến cuối năm 2015, các Mục tiêu Thiên niên kỷ đều đạt mức tốt hơn toàn quốc như tỷ lệ tử vong sơ sinh 12%o ( toàn quốc 14%o), tử vong <1 tuổi 16%o (toàn quốc trên 18%o), tử vong <5 tuổi 22%o... tỷ lệ quản lý thai nghén đạt trên 98%.
Đặc biệt, tỉnh đã thành lập được quỹ chăm sóc sơ sinh. Đây là tỉnh duy nhất trên toàn quốc có quỹ này. Tính đến nay, Quỹ đã kêu gọi được trên 7 tỷ đồng để triển khai các hoạt động chăm sóc sơ sinh và bà mẹ trẻ em. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn do yếu tố khách quan như địa bàn, dân trí chưa đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Sự quan tâm và vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền nhiều nơi còn hạn chế, hầu như giao hoàn toàn cho ngành y tế. Mặc khác, còn có sự khác biệt lớn về xuất phát điểm giữa các vùng nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng. Các nguồn lực đầu tư cho công tác y tế nói chung, SKSS nói riêng còn chưa đáp ứng nhu cầu lại bị cắt giảm nhiều trong 2 năm gần đây. Đội ngũ cán bộ chăm sóc SKSS còn yếu và thiếu, đặc biệt là tuyến huyện, xã, miền núi... Đó là những yếu tố cản trở, gây nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các mục tiêu.
Trang Khanh (37 tuổi), Phan Thiết: Thưa bác sỹ Lương Ngọc Trương, chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ vị thành niên là yếu tố cải thiện chất lượng dân số. Vậy Trung tâm Chăm sóc SKSS Thanh Hóa đã có những giải pháp gì đưa dịch vụ y tế về vùng sâu, vùng xa?
Thầy thuốc ưu tú, Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS Thanh Hóa đang giao lưu cùng bạn đọc |
Ảnh: Duy Thông |
Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương: Để cải thiện chất lượng dân số đặc biệt cần chú trọng chăm sóc cho phụ nữ và trẻ vị thành niên vì đây là yếu tố quyết định đến tương lai cho giống nòi. Trong những năm qua, cùng với hệ thống dân số/kế hoạch hóa gia đình, trung tâm đã xây dựng các Chương trình hành động hướng tới 11 huyện miền núi, đặc biệt là 7 huyện nghèo bằng những hoạt động thiết thực như: đào tạo chăm sóc sơ sinh thiết yếu, các lớp cô đỡ thôn bản, y tế thôn bản, trạm y tế, đưa các gói dịch vụ làm mẹ an toàn, chăm sóc sơ sinh, phòng chống nhiễm khuẩn về vùng sâu, vùng xa trong các Chiến dịch tăng cường chăm sóc SKSS tới vùng sâu, vùng xa hàng năm. Mở các chiến dịch truyền thông SKSS vị thành niên tại các Trường dân tộc nội trú, các trường trung học cơ sở các xã miền núi. Ngoài ra, Trung tâm còn là đầu mối kêu gọi các nguồn lực từ các Dự án quốc tế như JICA, World vision, Quỹ phát triển của Ailen, Dự án Ngân hàng tái thiết Đức (GIZ) cho các huyện miền núi, khó khăn.
Kim Thoa (42 tuổi), Hà Tĩnh: Xin hỏi bác sỹ Lương Ngọc Trương, để tăng cường dịch vụ chăm sóc SKSS có chất lượng tại tuyến cơ sở, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ cho nhân dân đồng thời góp phần đạt Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ sơ sinh, nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác chăm sóc SKSS năm 2016 được đặt ra cho Trung tâm như thế nào?
Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương: Xin cảm ơn bạn đã quan tâm. Trong năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm công tác chăm sóc SKSS là công tác chăm sóc làm mẹ an toàn và cứu sống sơ sinh, giảm tai biến sản khoa từ 0.35% xuống 0.3%, giảm tử vong sơ sinh từ 12%o xuống 11.5%o; giảm suy dinh dưỡng trẻ em đặc biệt là trẻ thấp còi (từ 28,6% xuống 27,3%). Đẩy mạnh công tác chăm sóc SKSS vị thành niên, thành lập mới 10 câu lạc bộ và 10 điểm cung cấp dịch vụ thân thiện vị thành niên. Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, tập trung địa bàn tỷ lệ sinh tại nhà cao, vùng khó khăn, vùng xa. Tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp chặt chẽ các bàn ngành đoàn thể, huy động xã hội hóa công tác chăm sóc SKSS.
Ngọc Lâm (50 tuổi), Gia Lâm, Hà Nội: Thưa bà Nguyễn Thị Khá, là thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội - Ủy ban có vai trò quan trọng trong việc thẩm tra các Luật có liên quan về giới trong đó có quyền lợi của phụ nữ. Bà có thể cho biết, để nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc sSKSS, sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em cũng như bảo vệ trẻ vị thành niên thì chính sách về lĩnh vực này cần phải được xây dựng theo hướng nào?
Ảnh: Duy Thông |
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với hơn 90 triệu dân và 54 dân tộc khác nhau. Các địa phương có những thuận lợi và khó khăn về kinh tế - xã hội khác nhau, có điều kiện để thực hiện công tác chăm sóc SKSS khác nhau. Do vậy, theo tôi các chích sách về SKSS cần:
- Khắc phục được những hạn chế, bất cập về chăm sóc SKSS đã nêu trên trong thời gian qua.
- Thực hiện đầy đủ các hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc SKSS (cho cả người cao tuổi, nam giới, thanh thiếu niên...) chứ không chỉ là chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
- Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho việc chăm sóc SKSS với các đối tượng yếu thế, các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo, vùng dân tộc thiểu số.
- Củng cố và phát triển mạng lưới chăm sóc SKSS nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ SKSS, bảo đảm nguồn nhân lực và nâng cao năng lực chuyên môn sản - nhi - sơ sinh cho cán bộ y tế các tuyến; thực hiện giảm quá tải cho các cơ sở khám chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả dịch vụ khám chữa bệnh; huy động sự tham gia của các hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, MTTQ, Hội Người cao tuổi cùng tham gia công tác SKSS.
Duy Ánh (38 tuổi), Đống Đa - Hà Nội: Xin hỏi ông Nguyễn Đức Vinh, Tôi có xem trên báo, đài thấy rằng, thời gian qua, ngành y tế đã rất quan tâm triển khai nhiều biện pháp, đầu tư kinh phí cũng như mở rộng xã hội hóa dịch vụ chăm sóc SKSS, do đó công tác này đã đáp ứng khá kịp thời nhu cầu của xã hội. Vậy trong thời gian tới, ngành y tế sẽ làm gì để phát huy hơn nữa công tác này?
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Đây là một câu hỏi tôi cho rằng rất hay, mang tính vĩ mô. Trong thực tế đây cũng là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Bộ trưởng Bộ Y tế đã cụ thể hóa chủ trương này thông qua một số giải pháp chính như sau:
Thứ nhất, truyền thông nhân cao nhận thức hành vi của người dân về CSSK/CSSKSS. Truyền thông vận động tạo sự ủng hộ của lãnh đạo các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác CSSK/CSSKSS.
Thứ hai, tăng cường mạng lưới y tế cơ sở bao gồm cả việc tiếp cận lẫn chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả của công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh.
Thứ tư, giảm tải bệnh viện.
Thứ năm, là tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác CSSK/ CSSKSS từ nhân lực cho đến tài chính thông qua bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế.
Thứ sáu, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho công tác CSSK/CSSKSS.
Ảnh minh họa | Nguồn: ITN |
Tú Minh (44 tuổi), Cần Thơ: Thưa bác sỹ Lương Ngọc Trương, hiện nay tỷ lệ phá thai khá cao ở trẻ vị thành niên, vậy, theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Để khắc phục tình trạng này cũng như nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc SKSS, cần phải có những giải pháp gì?
Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương: Đúng là tỷ lệ phá thai ở vị thành niên còn khá cao và chưa có xu hướng giảm. Nguyên nhân hàng đầu vẫn là công tác giáo dục giới tính, giáo dục SKSS, giáo dục về phòng tránh thai, tình dục an toàn và lành mạnh cho đối tượng này còn hạn chế và bất cập, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế, giáo dục các cấp, kể cả gia đình còn e ngại khi nói về giới tính, tình dục an toàn và SKSS. Mặc khác, sự tiếp cận các biện pháp tranh thai ở vị thành niên hạn chế và chưa dễ tiếp cận. Đây là vấn đề SKSS cần được quan tâm vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành giáo dục triển khai hoạt động giáo dục SKSS vị thành niên trong nhà trường; tuyên truyền, tạo môi trường thuận lợi để các em tiếp cận đầy đủ thông tin. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong việc giáo dục SKSS cho các hội viên của mình. Cha mẹ chính là giáo viên tại gia và là tư vấn viên về giáo dục SKSS vị thành niên cho con. Về y tế, chúng tôi sẽ tăng cường các dịch vụ chăm sóc SKSS vị thành niên thông qua tư vấn tại trung tâm; sản xuất tài liệu, giới thiệu các dịch vụ.
Hiếu Hải (38 tuổi), Kiên Giang: Xin hỏi ĐBQH Nguyễn Thị Khá, bảo đảm nguồn tài chính phù hợp dành cho công tác chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục có phải là yếu tố chính giúp công tác này hoạt động hiệu quả không, thưa bà?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Việc bảo đảm nguồn tài chính phù hợp là một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện thành công các hoạt động về chăm sóc SKSS. Dân gian có câu "Có thực mới vực được đạo", như vậy, nếu có nhân lực mà không có vật lực thì rất khó triển khai thành công được công tác này.
Thực trạng nguồn tài chính dành cho công tác chăm sóc SKSS ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập. Nguồn lực dành cho công tác chăm sóc SKSS chưa được bảo đảm, đầu tư nguồn lực của Nhà nước (bao gồm cả ngân sách trung ương và địa phương) cho công tác dân số và SKSS chưa đáp ứng nhu cầu mở rộng nội dung và nâng cao chất lượng dịch vụ. Cơ chế phân bổ và quản lý kinh phí chưa phù hợp với tích chất đặc thù của công tác dân số và chăm sóc SKSS nhất là trong điều kiện có chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền như hiện nay hạn chế khả năng huy động các nguồn lực sẵn có tại địa phương. Việc này đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả triển khai thực hiện các chính sách về chăm sóc SKSS tại Việt Nam.
Tuy nhiên, song song với việc bảo đảm cơ chế tài chính phù hợp, chúng ta cần củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc SKSS/SK bà mẹ và trẻ em từ tuyến trung ương đến cơ sở. Nâng cao năng lực chuyên môn, bố trí đủ cán bộ thực hiện công tác chăm sóc SKSS. Tăng cường xã hội hóa hoạt động chăm sóc SKSS. Ngoài ra cần tăng cường các hoạt động thông tin truyền thông, giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa về SKSS.
Phương Mai (43 tuổi), Mường Lát, Thanh Hóa: Thưa bác sỹ Lương Ngọc Trương, tôi muốn sinh con nên tôi cần bác sỹ tư vấn bởi tôi biết hiện nay tình trạng dị tật xảy ra ở thai nhi là rất nhiều. Vậy trước khi mang thai, tôi có phải khám sức khỏe ở đâu để tư vấn toàn diện về sức khỏe và có phải chích ngừa trước khi mang thai không?
Ảnh: Duy Thông |
Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương: Tôi hoàn toàn chia sẻ với lo lắng của bạn. Trước khi mang thai, bạn nên đến các cơ sở chăm sóc SKSS như Trung tâm Chăm sóc SKSS, Bệnh viện Phụ sản để được tư vấn toàn diện về dự phòng dị tật thai như: người mẹ tránh tiếp xúc với những tác nhân có hại như tia xạ, uống một số các loại thuốc có hại cho thai nhi như thuốc chống co giật, thuốc kháng giáp, thuốc trị ung thư, thuốc kháng sinh và một số loại thuốc trị mụn trứng cá... cũng có nguy cơ gây dị tật cho thai nhi. Ngoài ra, còn kể đến nguồn nước dùng bị nhiễm chì, thủy ngân nhiều hoặc người mẹ phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu... Ngoài ra, yếu tố dinh dưỡng trong thời gian mang thai cũng đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe của cả mẹ và con. Do vậy, người mẹ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh uống rượu, tránh các chất kích thích như thuốc lá, cà phê... vì những chất này sẽ làm trẻ bị chậm phát triển tâm thần và thể chất. Đối với việc tiêm phòng trước khi mang thai, hiện nay có khuyến cáo 4 bệnh cần tiêm phòng là Rubella, cúm, thủy đậu, viêm gan siêu vi cần được thực hiện trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Duy Thanh (44 tuổi), Hà Nam: Thưa ĐBQH Nguyễn Thị Khá, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn tại cộng đồng, nhà trường, cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như của vị thành niên, thanh niên về tầm quan trọng của việc chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục trong những năm gần đây?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Công tác tuyền thông đã đóng góp tích cực vào những thành quả đạt được trong công tác chăm sóc SKSS. Truyền thông đại chúng có vai trò tích cực trong việc truyền tải các thông điệp về chăm sóc SKSS bà mẹ và trẻ em đến đông đảo quần chúng nhân dân, vận động nhân dân cùng phối hợp với ngành y tế và toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe cho chính mình và gia đình mình.
Tuy nhiên, hoạt động này chưa được thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa được phong phú, đa dạng với các đối tượng, do vậy cần tăng cường các hoạt động thông tin - truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về chăm sóc thai nghén, nguy cơ của việc không khám thai định kỳ và không đến sinh con tại các cơ sở y tế cũng như các nguy cơ của việc đẻ dày, đẻ nhiều con, đẻ sớm (dưới 20 tuổi), hoặc đẻ muộn (trên 35 tuổi).
Hải Nam (53 tuổi), Hà Nội: Thưa bà Nguyễn Thị Khá, hiện nay việc bảo đảm quyền cho người trẻ trong việc tham gia vào phát triển chính sách, thực hiện và đánh giá chương trình về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục là chưa cao. Theo bà, cần có những giải pháp gì để hỗ trợ người trẻ và các tổ chức của thanh niên tham gia vận động các vấn đề về quyền, pháp lý liên quan đến SKSS vị thành niên, thanh niên?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: QH đã ban hành Luật Thanh niên, theo đó, Luật này quy định, thanh niên có quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong quản lý Nhà nước và Xã hội.
Ảnh: Duy Thông |
Cụ thể: "được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà mình quan tâm, tham gia góp ý xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và các chính sách pháp luật khác"; "Các cơ quan, tổ chức trước khi quyết định các chủ trương, chính sách liên quan đến thanh niên có trách nhiệm lấy ý kiến thanh niên hoặc tổ chức thanh niên". Như vậy, giải pháp về pháp luật thì đã có, vấn đề quan trọng ở đây là giải pháp để thực hiện.
Theo đó, cần bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của thanh niên; Tạo điều kiện để thanh niên tham gia góp ý vào các chính sách liên quan nhằm tăng cường, nâng cao ý thức của thanh niên trong tham gia xây dựng pháp luật, giám sát, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chính sách liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của mình.
Thường xuyên cung cấp thông tin về chăm sóc SKSS với đối tượng là thanh niên. Phát huy hơn nữa các hội đoàn thể trong việc vận động chính sách và khuyến khích thanh niên đề xuất các chính sách pháp luật có liên quan đến thanh niên nói chung và chăm sóc SKSS nói riêng.
Hà Lan Anh (43 tuổi), Nghệ An: Thưa bác sỹ Lương Ngọc Trương, tôi được biết việc chẩn đoán trước khi sinh đối với các thai phụ là rất cần thiết nhưng thực tế, có rất nhiều phụ nữ ở các vùng quê thậm chí ngay ở thành thị không ý thức được tầm quan trọng của việc đó, nhiều người cũng không có điều kiện để tiến hành sàng lọc trước khi sinh dẫn đến tỷ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật còn cao. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương: Tôi cho rằng đây là điểm hạn chế của nước ta và các nước đang phát triển nói chung. Viêc phát triển hệ thống chuẩn đoán trước sinh, sàng lọc sơ sinh chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc sàng lọc trước sinh sẽ tạo cơ hội sinh con khỏe mạnh, giảm lo lắng cho bà mẹ, giảm chi phí cho gia đình và xã hội chưa đươc coi trọng. Đây chắc chắn là công việc mà ngành y tế cần có Chiến lược can thiệp sớm bởi có ý nghĩa rất lớn đến sức khỏe, chất lượng nguồn nhân lực và giống nòi. Đây là nhu cầu bức thiết hiện nay.
Tuấn Khải (54 tuổi), Bạc Liêu: Thưa ông Nguyễn Đức Vinh, nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng phá thai ở tuổi vị thành niên, ngoài việc vào cuộc của các cơ quan truyền thông thì cần phải đưa những nội dung này vào dạy trong các trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Trong các lần trả lời kiến nghị của ĐBQH, Bộ Y tế vẫn luôn kiến nghị cần đưa giáo dục giới tính, giáo dục SKSS và kỹ năng sống vào trong hệ thống trường học phù hợp với nhóm tuổi và cấp học. Mặc dù đây là giải pháp quan trọng nhưng để giải quyết vấn đề trên cần có giải pháp tổng thể với sự tham gia của toàn xã hội từ đầu tư của nhà nước đến xây dựng chính sách, triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như của toàn thể cộng đồng, đặc biệt là bố mẹ, thầy cô giáo và cả bản thân các bạn vị thành niên; tổ chức các câu lạc bộ/góc thân thiện SKSS ở cộng đồng và trong trường học; tổ chức cung cấp dịch vụ sức khỏe thân thiện với vị thành niên và thanh niên.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý nâng cao khả năng tiếp cận thông qua mở rộng mạng lưới dịch vụ sức khỏe thân thiện và có chất lượng cho các bạn trẻ.
Cuối cùng cũng cần phải có chương trình kế hoạch hóa gia đình riêng dành cho vị thành niên, thanh niên và các bạn trẻ chưa lập gia đình, chứ không chỉ chú ý đến các cặp vợ chồng.
Vân Anh (38 tuổi), Lâm Đồng: Thưa ông Nguyễn Đức Vinh, những quy định của pháp luật hiện hành liệu đã đủ để ngăn chặn tình trạng phá thai ở tuổi vị thành niên hay chưa?
Ảnh: Duy Thông |
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Chúng tôi cho rằng các quy định pháp luật hiện hành để hỗ trợ và ngăn chặn tình trạng phá thai ở vị thành niên đã tương đối hoàn thiện, nhưng vẫn cần cập nhật và bổ sung thêm.
Ví dụ, cần bắt buộc đưa việc giáo dục SKSS, giáo dục giới tính, kỹ năng sống thông qua các quy định. Ngoài ra, cũng cần phải bổ sung, chỉnh sửa một số chính sách luật để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước mà vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như của các cơ quan truyền thông là rất quan trọng. Ngành y tế cần tăng cường hợn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y tế tư nhân để ngăn chặn tình trạng phá thai không an toàn của vị thành niên, thanh niên. Cần có quy định cụ thể về chương trình kế hoạch hóa gia đình dành riêng cho nhóm đối tượng này.
Bùi Tuấn Anh (33 tuổi), Thạch Thất, Hà Nội: Tôi xin hỏi Bác sĩ Lương Ngọc Trương, ngoài việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đối với lĩnh vực dân số và SKSS, ông cho biết cụ thể thêm những mảng dự phòng trong lĩnh vực này?
Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương: Xin cảm ơn bạn đã quan tâm. Ngoài việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đối với lĩnh vực dân số và SKSS, chúng tôi cũng đáp ứng các dịch vụ chăm sóc dự phòng các bệnh lây qua đường tình dục, phòng, chống HIV/AIDS lây truyền mẹ con, phòng chống các bệnh ung thư đường sinh sản như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, khám sàng lọc tế bào ung thư, phát hiện sớm để có hướng điều trị kịp thời, tiêm phòng vaccine HPV để phòng ung thư cổ tử cung, tư vấn và hướng dẫn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, dinh dưỡng trẻ nhỏ, chế độ ăn bệnh lý như đái tháo đường, cao huyết áp...
Trần Thị Vân Anh (40 tuổi), TP Ninh Bình , (vananh@yahoo.com.vn): Xin hỏi Bác sĩ Lương Ngọc Trương, được biết Trung tâm chăm sóc SKSS Thanh Hóa đã triển khai Quỹ Chăm sóc sơ sinh, là tỉnh duy nhất trên toàn quốc triển khai hoạt động này. Ông cho biết kinh phí của quỹ sử dụng như thế nào để các địa phương học tập?
Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương: Theo Điều lệ của quỹ được UBND tỉnh phê duyệt: Quỹ nhằm thiết lập các đơn nguyên sơ sinh tuyến huyện và đào tạo chăm sóc sơ sinh thiết yếu cho cán bộ y tế huyện, xã. Hàng năm, nguồn kinh phí của Quỹ tập trung mua trang thiết bị cho 2 - 3 đơn nguyên sơ sinh, mỗi đơn nguyên được cấp trang thiết bị gồm: 1 lồng ấp sơ sinh, 1 đèn chiếu vàng da, 1 máy đo độ bão hòa oxy qua da, 1 máy thở áp lực dương ( cpap) khoảng 450 triệu đồng. Các phương tiện khác thì do bệnh viện tự mua khoảng 100 triệu cho 1 huyện. Kinh phí đào tạo các lớp chăm sóc sơ sinh khoảng 80 - 100 triệu/năm. Hàng năm Quỹ đều có kết dư và tiếp tục kêu gọi bổ sung khoảng 1 tỷ/năm, trong đó ngành y tế đóng góp gần 700 triệu đồng. Đến thời điểm này, Quỹ đã hoạt động được 7 năm với kinh phí trên 7 tỷ đồng. Ngoài ra chúng tôi cũng dành kinh phí mua thêm một số bộ hồi sức sơ sinh cho tuyến xã ở vùng xa và hỗ trợ quỹ chuyển tuyến cho những trường hợp đặc biệt khó khăn.
Đức Nam (48 tuổi), Ninh Bình: Xin hỏi bà Nguyễn Thị Khá, là ĐBQH của tỉnh Trà Vinh, xin bà cho biết, công tác truyên truyền về chăm sóc SKSS được triển khai ở tỉnh như thế nào? Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đã thực sự đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa thưa bà?
Ảnh: Duy Thông |
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Thông qua Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh thuộc Sở Y tế, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe vị thành niên và sức khỏe tình dục cho gần 800 em học sinh, sinh viên tại Trường ĐH Trà Vinh, Trường PH dân tộc nội trú tỉnh, Tỉnh đoàn…
Hiện nay có khoảng 817 CTV khóm, ấp phụ trách chung cả hai chương trình chăm sóc SKSS và Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, không có CTV riêng biệt về truyền thông, tư vấn tuổi vị thành niên và thanh niên. Việc cung cấp dịch vụ SKSS, sức khỏe tình dục cho thanh niên trong các cơ sở y tế Nhà nước bảo đảm tính thân thiện, dễ tiếp cận để các đối tượng khi đến nhận dịch vụ không e ngại, cán bộ y tế không có thái độ kỳ thị, phê phán, chú trọng tư vấn để cung cấp thông tin cho các bạn trẻ.
Tuy nhiên, các hoạt động này chưa thực sự phủ rộng đến các đối tượng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em vị thành niên, thanh niên và ưu tiên cho những người dân sống vùng sâu, vùng xa. Do vậy, tỉnh Trà Vinh đang có hướng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong lứa tuổi vị thành niên và các chương trình can thiệp cung cấp dịch vụ thân thiện vị thành niên, quan tâm hơn nữa đến đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số và quan trọng là cần nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS.
Khánh Chung (40 tuổi), Phú Bình, Thái Nguyên: Tôi xin hỏi Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, việc xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá chuyên ngành, liên ngành trong lĩnh vực SKSS được triển khai như thế nào trong thời gian qua và có sự tham gia của cộng đồng không, thưa ông?
Ảnh: Duy Thông |
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Trong thời gian qua, Bộ Y tế nói chung cũng như lĩnh vực SKSS luôn chủ động tổ chức các đoàn giám sát, đánh giá liên ngành, đặc biệt là có sự tham gia của các Ủy ban chuyên trách của QH đối với việc thực hiện chủ trương, chính sách trong lĩnh vực SKSS của các địa phương. Sau mỗi lần giám sát, nhận thức của các cấp ủy, HĐND, UBND các cấp về công tác chăm sóc SKSS được cải thiện rõ rệt. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành những chỉ thị, kế hoạch hành động để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe địa phương. Nhiều địa phương cũng đã chủ động bố trị nguồn ngân sách tại chỗ cho công tác chăm sóc SKSS.
Đối với việc giám sát đánh giá chuyên ngành, đây là công việc thường xuyên trong công tác quản lý nhà nước của ngành y tế. Việc thực hiện giám sát, đánh giá đã giúp các cơ sở y tế, cán bộ y tế ở tuyến cơ sở được cập nhật kiến thức mới, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS cho người dân. Qua công tác giám sát, đánh giá, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước ngày càng được nâng cao, các chủ trương, chính sách của ngành y tế ngày càng đi vào cuộc sống, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc SKSS đa dạng, ngày càng tăng của người dân.
Trần Thị Bích Phương (36 tuổi), TP Phủ Lý, Hà Nam: Tôi xin hỏi ông Nguyễn Đức Vinh, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của công tác dân số và SKSS đối với sự phát triển bền vững của đất nước?
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Sau hội nghị về dân số và phát triển năm 1994, các quốc gia trên thế giới đã cùng cam kết thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, cải thiện sức khỏe bà mẹ và giảm tử vong ở trẻ em...
Tháng 9.2015, Việt Nam cũng đã cùng các quốc gia cam kết duy trì kết quả thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững... Để một đất nước phát triển bền vững thì sức khỏe sinh sản của người dân nói chung, đặc biệt là nhóm tuổi sinh đẻ có vai trò vô cùng quan trọng.
Dân số của Việt Nam hiện tại vẫn đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng, đa phần là nằm trong nhóm tuổi lao động. Như vậy, nếu nhóm tuổi này được chăm sóc sức khỏe tốt sẽ góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đằng sau mỗi thành công của những người chồng, các cháu bé đều có vai trò của các bà mẹ. Chúng tôi cũng hy vọng, việc chăm sóc SKSS, sức khỏe bà mẹ trẻ em được làm tốt sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, qua đó mỗi người, mỗi cá nhân trong xã hội sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Hưởng ứng tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, Viện nhi Thanh Hóa tổ chức chương trình Hành trình sữa Mẹ xuyên Việt năm 2015 |
Nguồn: truyenhinhthanhhoa.vn |
Thành Lâm (34 tuổi), Vũng Tàu: Xin hỏi ông Nguyễn Đức Vinh. theo ông, thời gian tới chúng ta phải làm gì để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề SKSS và an toàn tình dục?
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Để nâng cao nhận thức của người dân, chúng tôi cho rằng có một số nội dung cần giải quyết:
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, chú ý đến đặc thù của vùng, miền, đối tượng.
- Có các phương thức, hình thức truyền thông phù hợp.
- Nâng cao kỹ năng truyền thông của cán bộ truyền thông.
- Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn với cơ quan truyền thông để truyền tải những thông điệp chính thống, chính xác, đúng đối tượng.
Để thay đổi nhận thức của người dân thì công tác truyền thông cần được triển khai thường xuyên, liên tục, có chú ý đến đặc thù nhóm đối tượng, vùng miền.
Nhân dịp này, thay mặt đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS xin trân trọng cảm ơn các cơ quan truyền thông, đặc biệt là vai trò của các ĐBQH, các cơ quan chuyên trách của QH đã quan tâm hỗ trợ ngành y tế thời gian qua và mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới.
Bùi Tuấn Anh (33 tuổi), Thạch Thất, Hà Nội: Tôi xin hỏi Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, ngoài việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đối với lĩnh vực dân số và SKSS, ông cho biết cụ thể thêm những mảng dự phòng trong lĩnh vực này?
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực SKSS/SKBMTE luôn được Đảng và Nhà nước cũng như lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, so với nhu cầu chăm sóc SKSS của người dân thì còn rất hạn chế. Chính vì vậy, trong thời gian qua bằng nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em mới chỉ tập trung, ưu tiên triển khai vào việc đào tạo nâng cao năng lực, truyền thông thay đổi hành vi, giám sát đánh giá đối với việc giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Nhiều nội dung khác của công tác chăm sóc SKSS như: Dự phòng sàng lọc ung thư đường sinh sản, dự phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả lây truyền HIV, đặc biệt là lây truyền HIV từ mẹ sang con; sàng lọc và dự phòng điều trị vô sinh. Việc triển khai các can thiệp nhằm cải thiện SKSS vị thành niên, thanh niên (bao gồm cả giảm thiểu mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn ở vị thành niên, thanh niên) cũng chưa có đủ kinh phí để mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ sức khỏe thân thiện cho vị thành niên, thanh niên. Ngoài ra, Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình cũng đang triển khai chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở một số tỉnh, thành phố. Nhìn chung, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên trong thời gian qua Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em mới chỉ tập trung được vào lĩnh vực làm mẹ an toàn, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh. Các nội dung khác của SKSS, đặc biệt là các hoạt động dự phòng sẽ được triển khai khi có điều kiện.
Đoàn Văn Hùng (25 tuổi), Phú Bình, Thái Nguyên, (hungdv@gmail.com): Tôi xin hỏi Bác sĩ Lương Ngọc Trương, là tỉnh đặc thù với các huyện miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, việc truyền thông về dân số và sức khỏe sinh sản có khó khăn gì? Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của Trung tâm?
Ảnh: Duy Thông |
Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương: Với tỉnh có 11 huyện miền núi, trong đó có 7 huyện 30a, việc truyền thông về dân số và SKSS gặp nhiều khó khăn. Do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp nên việc tiếp cận các tài liệu và thông tin về SKSS hạn chế. Nguồn lực để tổ chức các sự kiện truyền thông còn thiếu, cán bộ truyền thông còn hạn chế về năng lực. Nội dung, phương pháp truyền thông còn chưa phù hợp.
Tại Trung tâm, chúng tôi coi trọng phương pháp truyền thông trực tiếp. Cụ thể như họp cộng đồng, sinh hoạt nhóm, thăm hội gia đình, tư vấn cá nhân.... sẽ hiệu quả đối với các địa bàn này.
Nguyễn Mai Phương (40 tuổi), Hà Nam: Vai trò chăm sóc SKSS của chính quyền địa phương ở đâu thưa Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh? Tôi sinh mấy cháu rồi mà chẳng thấy vai trò cụ thể nào của chính quyền? Có thể tôi không biết rõ mong Bác sĩ giải thích giúp?
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những chủ trương, chính sách để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đáp ứng ngày một tốt hơn. Sở Y tế là đơn vị triển khai cụ thể những chủ trương, chính sách của ngành.
Việc tổ chức cung cấp dịch vụ cũng như triển khai các can thiệp chuyên môn ở cơ sở phụ thuộc vào bộ máy tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính của địa phương do chính quyền các cấp trực tiếp chỉ đạo. Một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí, xây dựng chính sách thu hút đội ngũ cán bộ sản nhi về công tác tại cơ sở, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho người dân tại địa phương.
Bên cạnh các đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương, chính sách về chăm sóc SKSS của liên ngành, của Bộ Y tế thì mạng lưới chăm sóc SKSS ở địa phương cũng đã chủ động thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra giám sát tại địa phương; góp phần đưa các chủ trương, chính sách của ngành y tế vào cuộc sống. Thanh công của ngành y tế trong thời gian qua không thể tách rời vai trò chỉ đạo của chính quyền các cấp; đặc biệt là vai trò của cấp ủy HĐND, UBND các tỉnh, thành phố.
Lê Thị Thơm (40 tuổi), Lục Ngạn, Bắc Giang, (thomlt@gmail.com): Tôi xin hỏi Bác sĩ Lương Ngọc Trương, với mong muốn thực hiện giảm nhanh và bền vững tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh theo chương trình mục tiêu quốc gia, cần những yếu tố gì, thưa bác sỹ?
Ảnh: Duy Thông |
Ths - bác sỹ Lương Ngọc Trương: Xin cảm ơn bạn. Tôi cho rằng, vấn đề này cần rất nhiều yếu tố đồng bộ như: đầu tư các nguồn lực của Chính phủ, các can thiệp phù hợp với từng vùng miền, coi trọng công tác truyền thông và đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi việc thiết lập các đơn nguyên sơ sinh sẽ là yếu tố rất quan trọng. Đồng thời triển khai có hiệu quả việc đào tạo người đỡ đẻ có kỹ năng và chăm sóc bà mẹ và trẻ sinh thiết yếu ngay sau sinh theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế.
Lê Thị Thơm (40 tuổi), Lục Ngạn, Tỉnh Bắc Giang, (thomlt@gmail.com): Tôi xin hỏi ông Nguyễn Đức Vinh, tại một số tỉnh, thành phố, việc phát triển hệ thống chẩn đoán trước sinh, sàng lọc sơ sinh chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nguyên nhân này là do đâu?
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Do kinh phí đầu tư hạn chế, nên Bộ Y tế mới chỉ triển khai được ở một số địa phương. Bên cạnh đó, một số kỹ thuật cũng như xét nghiệm của công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh đòi hỏi phải có trang thiết bị cũng như đội ngũ cán bộ tương đối chuyên sâu thì việc triển khai mới có hiệu quả. Nhận thức của cộng đồng cũng như của lãnh đạo chính quyền các cấp về vai trò của công tác chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh cũng còn hạn chế.
Tư vấn chăm sóc SKSS tại vùng cao | Nguồn: ITN |
Lê Hà (28 tuổi), Ninh Bình: Thưa Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản gồm những việc gì? Từ khi tôi mang thai và sinh cháu đến nay toàn gia đình lo hết. Đôi lúc khó khăn lắm những không biết dựa vào đâu?
Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh: Chăm sóc SKSS gồm rất nhiều nội dung như: làm mẹ an toàn (chăm sóc thai sản, sơ sinh); kế hoạch hóa gia đình; phá thai an toàn; dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn đường sinh sản bao gồm cả HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; dự phòng và điều trị vô sinh; ung thư đường sinh sản, SKSS vị thành niên, thanh niên...
Việc chăm sóc thai sản và sức khỏe của em bé bên cạnh các cơ sở y tế rất cần sự chung tay của cộng đồng cũng như của các thành viên trong gia đình. Để giải quyết các khó khăn của bạn; Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ người dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS có chất lượng; đặc biệt là chính sách bảo hiểm y tế toàn dân. Người dân đóng bảo hiểm y tế khi nhận dịch vụ y tế sẽ được bảo hiểm y tế chi trả tùy theo nhóm đối tượng.
Ảnh: Duy Thông |
Đối với những nội dung chuyên môn trong quá trình chăm sóc thai sản và chăm sóc bé, theo tôi chị nên đến cơ sở y tế để được nhận tư vấn hướng dẫn chuyên môn cũng như thăm khám, xử trí của cán bộ chuyên môn.
Khuất Minh Hồng (34 tuổi), Nam Định: Thưa bà Nguyễn Thị Khá, tôi là cử tri, tôi thấy nói nhiều về chăm sóc SKSS. Nhưng nó không gần thực tế, không đồng đều.Tại sao QH không giám sát và ban hành văn bản pháp luật về lĩnh vực này để đi vào nề nếp và mang tính nhân văn sâu sắc?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Đã có rất nhiều Luật như tôi đã trả lời ở trên liên quan đến công tác chăm sóc SKSS như Hiến pháp năm 2013, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế; Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Dân số, Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
Chính quyền các địa phương cũng đã ban hành chính sách riêng của tỉnh về công tác này. Chính vì thế, một Luật riêng về chính sách này theo tôi là chưa phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Có thể trong tương lai, trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội đất nước, Chính phủ sẽ nghiên cứu, trình QH ban hành Luật riêng về chăm sóc SKSS. Khi có Luật thì QH sẽ giám sát việc thực thi pháp luật.
ĐBND: Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số “vàng”, nhưng không vì thế mà chúng ta lơ là với công tác dân số và sức khỏe sinh sản. Bảo đảm duy trì thế hệ tiếp theo khỏe mạnh chính là góp phần quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân đã nhận được nhiều câu hỏi hay, thẳng thắn của bạn đọc gửi tới các vị khách mời. Vì thời gian dành cho giao lưu trực tuyến có giới hạn, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân xin trân trọng cảm ơn bạn đọc đã quan tâm, gửi câu hỏi. Xin hẹn bạn đọc vào lần giao lưu tiếp theo.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Thay mặt các khách mời, chân thành cảm ơn bạn đọc của Báo điện tử Đại biểu Nhân dân.