Nhằm góp phần thực thi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại cơ sở, cung cấp thông tin cho cử tri và bạn đọc nhận diện các biện pháp phòng, chống và điều trị hiệu quả với bệnh sốt xuất huyết, Báo Điện tử Đại biểu nhân dân tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến về “Phòng, chống dịch sốt xuất huyết và vai trò của chính quyền địa phương”.
Khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm có: ĐBQH Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội; PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; ĐBQH Trần Ngọc Tăng, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội.
Các đại biểu tham gia giao lưu |
Sau đây là nội dung buổi giao lưu:
Hoàng Nam (45 tuổi), Bà Rịa- Vũng Tàu:Thưa ĐBQH Nguyễn Thị Khá, được biết QH có quy định phân bổ ngân sách cho ngành y tế phải dành ít nhất 30% cho y tế dự phòng. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định: hằng năm, Nhà nước bảo đảm đủ, kịp thời ngân sách cho các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ngân sách phòng, chống bệnh truyền nhiễm không được sử dụng vào mục đích khác. Qua hoạt động giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà cho biết các địa phương đã thực hiện đúng quy định này hay chưa?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Năm 2008, qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân đã cho thấy, ở nhiều địa phương chưa quan tâm đầy đủ cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có y tế dự phòng. Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã trình QH Khóa XII ban hành Nghị quyết trên lĩnh vực y tế và tại Kỳ họp thứ Ba, ngày 3.6.2008, QH đã thông qua Nghị quyết số 18/2008/QH12 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và tại điều 2 của Nghị quyết này quy định: Tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước. Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.
Và trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tại điều 60, mục 2 có quy định: hằng năm, Nhà nước bảo đảm đủ, kịp thời ngân sách cho các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ngân sách phòng, chống bệnh truyền nhiễm không được sử dụng vào mục đích khác.
Từ khi có Nghị quyết 18, qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội mấy năm gần đây cho thấy, một số địa phương cũng đã chuyển biến, chấp hành đúng quy định pháp luật trong việc phân bổ ngân sách dành cho y tế nói chung, trong đó chi cho y tế dự phòng từ 30% trở lên. Nhưng còn lại, đa số địa phương cũng chỉ mới phân bổ từ 20% đến dưới 30%. Cá biệt, còn vài địa phương phân bổ dưới 20% cho y tế dự phòng.
Văn Hùng (30 tuổi), Hà Nam, (hung.tv-68@hotmail.com): Thưa ĐBQH Nguyễn Thị Khá, được biết bà vừa có chuyến công tác tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Mười tại một số tỉnh phía Nam. Theo ghi nhận của bà, tình hình dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh đó đang diễn biến như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đang giao lưu cùng bạn đọc |
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Bệnh sốt xuất huyết hay dịch bệnh nói chung thường diễn biến phức tạp. Chúng không chừa một ai, hay một địa phương nào. Nếu có điều kiện thì chúng sẽ phát tán ngay.
Hiện nay, tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác cũng đều có sốt xuất huyết xảy ra. Đặc biệt là nơi đông dân cư, trật trội, ẩm thấp, nhiều dụng cụ chứa nước bẩn không được dọn dẹp và nếu như mọi người, mọi nhà và cộng đồng dân cư ở đó chưa ý thức đầy đủ trong việc tự chăm lo cho mình phòng, tránh muỗi đốt thì bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra ngay. Đặc biệt, là những gia đình có thói quen ngủ không mắc màn (mùng).
Hoàng Anh (35 tuổi), Thanh Sơn – Phú Thọ: Xin chào đại biểu, theo đại biểu, chúng ta cần có những biện pháp gì để địa phương có nhận thức đúng đắn về công tác phòng bệnh hơn chữa bệnh, cụ thể là bệnh sốt xuất huyết?
ĐBQH Trần Ngọc Tăng: Xin cảm ơn đồng chí Hoàng Anh và cám ơn các bạn. Trước hết chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và nâng cao sức khỏe nhân dân là mục đích, mục tiêu của Đảng, Nhà nước. Nói đến chăm sóc sức khỏe là nói về phòng bệnh, khám, chữa bệnh. Chúng ta phải làm cho nhân dân nhận thức phòng bệnh là khâu quan trọng hàng đầu. Bởi phòng bệnh tốt thì tránh được mắc bệnh, không bị mắc bệnh con người mạnh khỏe, có điều kiện để lao động, công tác, học tập, cống hiến, phục vụ cho xã hội, đất nước. Nếu phòng bệnh không tốt, con người bị mắc bệnh, mắc bệnh phải đi chữa dẫn đến tốn thời gian, tốn vật chất của cá nhân và nhà nước.
Những biện pháp cơ bản để phòng bệnh và cụ thể là phòng bệnh sốt xuất huyết:
- Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác phòng bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết hiện nay đã trở thành dịch và đang ở đỉnh cao của dịch. Tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng, đài phát thanh truyền hình từ trung ương tới các tỉnh, thành phố đến huyện, quận và đến xã phường. Trong tình hình hiện nay phải tăng thời lượng tuyên truyền, dùng xe lưu động tuyên truyền vào tận thôn xóm, phát tài liệu tuyên truyền vào các hộ gia đình cho cán bộ và nhân dân.
- Tập huấn cho cán bộ y tế nhất là cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên chăm sóc sức khỏe, huy động sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
ĐBQH Trần Ngọc Tăng, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội đang giao lưu cùng bạn đọc Báo ĐBND |
- Trong các hội nghị của ngành y tế từ trung ương đến cơ sở, hội nghị của chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể đều dành thời lượng cho công tác tuyên truyền phòng chống sốt, xuất huyết. Qua đó, tạo nên sức mạnh cộng đồng phòng, chống dịch.
- Công tác tuyên truyền tập trung vào mấy điểm cơ bản sau: thứ nhất, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh dịch tễ (theo hướng dẫn của ngành y tế); thứ hai, đậy kín các đồ chứa nước như thùng, chum, vại để không cho bọ gậy phát triển thành muỗi gây bệnh; thứ ba, mở những chiến dịch diệt bọ gậy, chiến dịch phun hóa chất tại nơi có ổ dịch có bệnh nhân hoặc những nơi môi trường không tốt; thứ tư, giám sát thực tế để phát hiện sớm bệnh dịch, nơi nào có người mắc bệnh phải đưa ngay đến cơ sở y tế tiếp nhận, điều trị, chăm sóc bệnh nhân kịp thời theo quy trình chuẩn mực của Bộ Y tế.
- Thực hiện tốt Công điện số 1632/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết tập trung giảm người mắc, giảm người tử vong, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, sự phối hợp liên ngành để phòng, chống có kết quả dịch sốt xuất huyết".
- Thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo phòng, chống sốt xuất huyết của Bộ Y tế.
- Tăng cường chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành y tế phải chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cho công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Thực hiện tốt những nhiệm vụ đó sẽ hạn chế được bệnh sốt xuất huyết trong nhân dân, trong cộng đồng.
Nguyễn Thị Mơ (45 tuổi), Cần Thơ: Thưa ĐBQH Nguyễn Thị Khá, con tôi đang bị sốt xuất huyết nằm viện, mà viện thì đông quá. Liệu chính quyền địa phương có giúp cho bệnh viện cũng như con em tôi được điều trị trong điều kiện tốt hơn không ?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Trong trường hợp này, bạn phải bình tĩnh. Tôi chưa rõ mức độ bệnh tình của con bạn cũng như bệnh viện mà cháu đang điều trị ở tuyến nào. Thông thường, ngay khi bệnh nhân bị sốt xuất huyết, người nhà cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Tránh tâm lý lo lắng, hốt hoảng mà chuyển ngay đến các bệnh viên trung ương, gây tình trạng quá tải. Trong khi đó, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, thì các cơ sở y tế tuyến huyện đủ khả năng điều trị sốt xuất huyết.
Hiện nay, vấn đề quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương đang được Nhà nước từng bước khắc phục thông qua việc tăng cường nguồn lực, xây dựng thêm các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện vệ tinh cũng như nâng cao năng lực của cán bộ y tế tuyến cơ sở. Trước thực trạng dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ hiện nay trong khi nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, các bệnh viện cũng đã tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên công tác cứu chữa bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết.
Nguyễn Thùy An (40 tuổi), Quận Hà Đông, Hà Nội: Xin chào Phó viện trưởng Trần Như Dương, ông có thể cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết hiện đang diễn biến như thế nào? Sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em khác nhau như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.
PGS. TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang giao lưu cùng bạn đọc |
Phó viện trưởng Trần Như Dương: Có thể nói, bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH) hiện nay là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất. Bệnh được ghi nhận rộng khắp trên 100 quốc gia, trong đó khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là các vùng chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh này. Theo ước tính trên thế giới có khoảng nhiều triệu ca mắc và khoảng 500.000 ca nặng phải nhập viện hằng năm với số tử vong lên tới hàng chục nghìn trường hợp. Riêng năm 2015 theo thông báo của WHO SXH hiện nay đang có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia như Malaysia với 85.000 trường hợp mắc, 234 tử vong, tăng 21,5% so với cùng kỳ 2014 và tăng tới 300% so với năm 2013. Philippines ghi nhận 65.000 trường hợp mắc, 193 tử vong; Campuchia ghi nhận gần 6.000 trường hợp mắc, tăng 170% so với cùng kỳ năm 2014; Thái Lan cũng có số mắc tăng 100% so với năm 2014; Ấn Độ ghi nhận số ca mắc cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Tại Việt Nam, bệnh lưu hành ở nhiều tỉnh, thành phố nhưng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Bệnh thường có tính chất chu kỳ bùng phát 4 - 5 năm/lần. Dịch gia tăng vào mùa mưa thường từ khoảng từ tháng 4 đến tháng 11; riêng tại khu vực miền Nam do có khí hậu nắng nóng, mưa nhiều quanh năm nên bệnh xuất hiện quanh năm.
Giai đoạn 1980 - 1999 trung bình mỗi năm nước ta ghi nhận 100.000 - 120.000 trường hợp mắc, 300 - 400 trường hợp tử vong. Trong đó, năm 1987 dịch bùng phát rất lớn với số mắc trên 300.000 và tử vong hàng nghìn trường hợp. Giai đoạn 2000- 2014 là giai đoạn Việt Nam thiết lập và thực hiện chương trình phòng chống SXH quốc gia thì tình hình dịch bệnh đã giảm, trung bình mỗi năm ghi nhận 50.000 - 100.000 trường hợp mắc, riêng 2010 có số mắc cao nhất là 128.700 trường hợp, 109 tử vong. Số mắc giảm dần qua các năm, năm 2014 là năm có số mắc thấp nhất trong vòng 10 năm qua với 31.848 trường hợp mắc, 20 tử vong.
Từ đầu năm 2015 đến nay cả nước ghi nhận 43.141 trường hợp mắc tại 53 tỉnh, thành phố, 28 tử vong. So với trung bình giai đoạn 2010-2014 số mắc 2015 giảm 14,9%, số tử vong giảm 42,4%, nhưng số mắc tăng rõ so với cùng kỳ năm 2014 (vì năm 2014 là năm có số mắc thấp nhất trong 10 năm qua). Số mắc tập trung chính tại khu vực miền Nam (31.744 trường hợp, chiếm 73,6%), tiếp theo là miền Trung (6.389 trường hợp, chiếm 14,8%), miền Bắc (3.152 trường hợp, chiếm 7,3%), khu vực Tây Nguyên (1.856 trường hợp, chiếm 4,3%).
Về triệu chứng, nhìn chung SXH ở người lớn và trẻ em tương đối giống nhau, đều có biểu hiện sốt, nhức đầu, đau nhức mình mẩy, tuy nhiên mức độ biểu hiện xuất huyết ở người lớn và trẻ em lại có sự khác nhau. Ở người lớn mức độ xuất huyết nhất là xuất huyết nội tạng như gan, lách, dạ dày... thường nặng hơn ở trẻ em do vậy dễ dẫn đến sốc.
Theo thống kê tại nước ta, tỷ lệ tử vong do SXH ở người lớn luôn cao hơn ở trẻ em. Tuy nhiên, SXH ở trẻ em cũng rất nặng và diễn biến nhanh nên rất cần được theo dõi sát và điều trị kịp thời. Tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc SXH cần đến các cơ sở y tế để khám, xác định chuẩn đoán và điều trị.
Huy Quân (28 tuổi), Hương Khê - Hà Tĩnh: Tôi xin hỏi ĐBQH Trần Ngọc Tăng, nhiều cử tri cho rằng chúng ta còn yếu trong khâu vệ sinh dịch tễ nên mới dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
ĐBQH Trần Ngọc Tăng: Theo nhận thức của tôi, trong chỉ đạo của ngành y tế của chính quyền các cấp luôn luôn quan tâm đến khâu dịch tễ. Trong hệ thống giáo trình đào tạo thầy thuốc tại các trường y, các dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân đều rất quan trọng khâu vệ sinh dịch tễ. Nhận thức đúng đắn về vấn đề này, trước hết phải bảo đảm nhân lực (đội ngũ thầy thuốc), vật lực: ngân sách, phương tiện để thực hiện...
Đánh giá chung tổng thể, đất nước ta thu được nhiều kết quả đáng khích lệ trong khâu vệ sinh dịch tễ. Song tại sao dịch sốt xuất huyết vẫn bùng phát tại nước ta? Tôi xin nêu tình hình thực tế hiện nay. Trên thế giới hiện nay, có trên 100 nước thường xuyên có dịch sốt xuất huyết và đến nay cũng chưa khống chế được cũng như tại Việt Nam chúng ta. Trong những năm gần đây, dịch sốt xuất huyết vẫn đang mở rộng, có lúc bùng phát do đô thị hóa, dân số tăng lên, mật độ dân số đông lên cho nên muỗi truyền bệnh dễ dàng. Bên cạnh đó, do khí hậu biến đổi, mưa, nắng, nhiệt độ thay đổi thất thường, muỗi truyền bệnh phát triển. Thêm vào đó, do tập quán sinh hoạt của nhiều người dân chưa chú ý làm sạch môi trường, cho nên sinh ra nhiều muỗi gây bệnh.
Đặc biệt, ý thức của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết còn yếu, thờ ơ, chủ quan.
Trên thế giới hiện nay cũng như ở Việt Nam chưa sản xuất được vaccine đặc hiệu điều trị bệnh này. Nhiều hãng thuốc lớn của thế giới đầu tư nghiên cứu chi ngân sách khá lớn nhưng vẫn chưa tìm được vaccine chống sốt xuất huyết. Đây là bài toán khó cho ngành y tế.
Dịch sốt xuất huyết của nước ta hiện nay đã có 53/63 tỉnh, thành phố có dịch với trên 43.000 người ( tử vong 25 người). Trước tình hình này, Nhà nước và chính quyền các cấp đều quan tâm chỉ đạo, lo lắng và trách nhiệm cao trong phòng, chống dịch. Bộ Y tế tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện mục tiêu quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2015. Trong đó có dự án phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết. Qua báo cáo số 5894/BYT-KH-TC ngày 13.8.2015 của Bộ Y tế cho thấy, giảm được người mắc, giảm được tử vong do bệnh sốt xuất huyết...
Có thể nói, Đảng, QH, Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền các cấp đã nhận thức đúng đắn về vấn đề vệ sinh dịch tễ, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Hiện nay dịch sốt xuất huyết bùng phát là do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và đó cũng là tình hình thế giới cũng như Việt Nam ta.
Ngô Thị Khánh (42 tuổi), huyện Từ Sơn, Bắc Ninh: Hiện nay dịch sốt xuất huyết đã xảy ra ở 53/63 tỉnh, thành phố và chủ yếu xảy ra ở các tỉnh phía Nam. Tôi xin hỏi ông Dương, hiện nay Ngành Y tế đã có can thiệp gì để giảm sốt xuất huyết ? Tại sao chúng ta chưa có vaccine phòng sốt xuất huyết để năm nào dịch bệnh cũng hoành hành như vậy, thưa ông?
Phó viện trưởng Trần Như Dương: Ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã nhận định năm 2015 dịch bệnh SXH có thể diễn biến phức tạp ở nước ta do nằm trong bối cảnh dịch gia tăng mạnh trên thế giới và những nước trong khu vực Đông Nam Á kề cận với Việt Nam. Chính vì vậy, để chủ động phòng chống SXH ngay từ đầu mùa dịch, Bộ Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch từ khâu lập kế hoạch rất sớm và triển khai tới tất cả các địa phương. Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trung ương chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống SXH ngay trước mùa dịch và có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ngay khi dịch có dấu hiệu gia tăng.
Đặc biệt Bộ y tế đã tham mưu cho Thủ tướng chính phủ ra công điện số 1632/CĐ-TTg chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn cả nước. Hiện các tỉnh, thành phố và các bộ ban ngành có liên quan đang tích cực triển khai công điện của thủ tướng chính phủ.
Về công tác chuyên môn, Bộ đã quyết liệt chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng đến điều trị tích cực trong công tác giám sát phát hiện sớm, xét nghiệm chuẩn đoán nhanh, xử lý ổ dịch ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Hệ thống điều trị bảo đảm thu dung và điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong.
Công tác hậu cần đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, máy phun, hóa chất cho công tác chống dịch cũng như điều trị ở tất cả các tuyến.
Ngoài ra, công tác truyền thông phòng, chống dịch cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như vận động nhân dân cùng tham gia phòng chống dịch bệnh.
Đã có hàng trăm đoàn kiểm tra của các tuyến tiến hành giám sát, đôn đốc công tác phòng chống dịch ở các địa phương. Riêng trong tháng 9 và 10 Bộ Y tế đã cử 10 đoàn công tác đi tới 20 tỉnh/thành phố để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch ở những điểm nóng của dịch bệnh. Hiện tại Bộ Y tế vẫn đang huy động mọi nguồn lực để triển khai công tác phòng chống dịch nhằm giảm tối đa số mắc và tử vong.
Có thể nói, việc phát triển được vaccine phòng bệnh SXH là việc làm cực kỳ khó khăn. Trong hàng chục năm qua, nhiều nước trên thế giới, các công ty đa quốc gia đều nỗ lực để phát triển vaccine phòng SXH nhưng chưa thực sự thành công. Chính vì vậy hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn chưa có vaccine để phòng bệnh. Một số loại vaccine SXH của nước ngoài vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và chưa có kết quả cuối cùng. Hi vọng thế giới sẽ sớm có vaccine để đưa vào thực tiễn trong vài năm tới.
Trần Đình Thanh (45 tuổi), Đắk Lắk: Tôi là cử tri ở Đắk Lắk, tôi xin hỏi đại biểu Khá, để dịch sốt xuất huyết lan rộng thì có trách nhiệm của chính quyền địa phương cở sở không? Vai trò đó là gì? Nếu không hoàn thành thì có sao không?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Như các chuyên gia đã cho biết, hiện nay sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh cũng chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu là điều trị triệu chứng thôi. Nhưng cũng có một cách tốt nhất là phòng bệnh, làm sao tránh được muỗi đốt là vật trung gian truyền bệnh.
Mà muốn làm sao để người dân ý thức chủ động phòng, tránh thì đòi hỏi phải có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức chính trị- xã hội, lực lượng dân quân tự vệ, các nhà trường, các tổ chức tôn giáo, người có uy tín như già làng, trưởng bản để họ cùng chung tay; các cơ quan thông tin đại chúng cũng phải vào cuộc, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" thì ý thức của cộng đồng được nâng lên. Họ chấp hành và làm theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng thì công tác phòng, chống dịch bệnh mới có hiệu quả cao.
Trách nhiệm này thuộc về toàn xã hội, mà huy động được xã hội phải là chính quyền địa phương các cấp.
Hiểu Khánh (32 tuổi), Thái Thụy – Thái Bình: Tôi xin hỏi ĐB Trần Ngọc Tăng, hiện nay nhiều địa phương đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực trong công tác phòng, chống bệnh dịch. Cùng với đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng chống sốt xuất huyết bị cắt, giảm kinh phí. Đó có phải là nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết gia tăng thưa ông?
ĐBQH Trần Ngọc Tăng: Trong những năm gần đây, do suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình kinh tế đất nước. Cho nên ngân sách chi cho đầu tư phát triển còn hạn chế, chi cho các lĩnh vực trong đó có y tế phải cân đối phù hợp với tình hình.
Ngân sách chi cho phòng, chống các bệnh có tính chất nguy hiểm trong cộng đồng (9 loại bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết) là trên 381 tỷ đồng được thực hiện trong năm 2015 đạt 100% kế hoạch.
Riêng bệnh sốt xuất huyết được dự toán và chi đứng thứ 3 sau bệnh sốt rét và bệnh lao với số tiền 34.8 tỷ đồng và thực hiện 100%. Dự kiến năm 2016, chi cho phòng, chống sốt xuất huyết là 44.8 tỷ , tăng hơn so với năm 2015. Còn có thể có địa phương không bảo đảm việc phân bổ của Trung ương hoặc không phân bổ phần ngân sách của địa phương cho chương trình này, nhất là những địa phương khó khăn.
Việt Linh (35 tuổi), quận Đống Đa, Hà Nội: Thưa bà, thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết vừa qua cho thấy, bên cạnh các địa phương tích cực chủ động thì còn có địa phương bị động, chậm chạp trong ứng phó với dịch bệnh. Tình trạng này do thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND các cấp trong phòng chống dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết hay do các địa phương chưa thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung, trong đó có sốt xuất huyết thì trong luật đã phân cấp, phân quyền cụ thể rồi. Mới đây, tại Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XIII đã ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tại điều 19, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh ở mục 5 quy định: Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh trong lĩnh vực y tế, lao động và thực hiện chính sách xã hội ở khoản c có nêu: quyết định biện pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ và chăm sóc người mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và người có hoàn cảnh khó khăn khác. Quyết định biện pháp phòng, chống dịch bệnh, biện pháp thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, luật quy định đã rõ rồi. Có nghĩa là, trách nhiệm của UBND các cấp là phải chấp hành và thực thi Nghị quyết của HĐND. Nếu ở địa phương nào chưa làm hết trách nhiệm như đã nêu trên thì coi như nhiệm vụ HĐND ở đó chưa sâu sát trong việc giám sát việc thực thi pháp luật ở địa phương đó.
Lê Khánh Mai (55 tuổi), huyện Thái Thụy, Thái Bình: Nước ta là nước nhiệt đới, khí hậu và địa hình rất thuận lợi dẫn đến các dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết. Ông cho biết, điều khó khăn nhất trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết là gì?
Phó viện trưởng Trần Như Dương: Bệnh SXH là bệnh do muỗi truyền và hiện nay lại chưa có vaccine phòng bệnh nên công tác phòng, chống dịch là rất khó khăn cả ở trên thế giới và Việt Nam. Bên cạnh đó, diện lưu hành dịch ở nước ta rất lớn ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với dân số bị tác động là rất lớn, thời gian hoạt động của dịch kéo dài nên lại càng khó khăn. Chính vì chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu nên các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay đều là không đặc hiệu và chủ yếu là dựa vào phòng chống muỗi - một công việc rất khó khăn.
Mặt khác, bệnh lây do muỗi truyền nên các yếu tố thời tiết, khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lan truyền dịch, nhất là ở nước khí hậu nhiệt đới như nước ta thì lại càng thuận lợi cho muỗi phát triển.
Riêng tại một số khu vực miền Nam và miền Trung do người dân có thói quen tích trữ nước mưa ở các dụng cụ chứa nước như lu, khảm, bể, thùng phi, đây là nơi lý tưởng để muỗi trú ngụ và đẻ trứng và cũng chính là ổ muỗi truyền bệnh trong gia đình và cộng đồng. Việc xử lý các dụng cụ chứa nước này là vô cùng khó khăn bởi số lượng dụng cụ chứa nước của các hộ gia đình là rất lớn. Việc này chỉ có thể thực hiện được nếu có sự tham gia tích cực của người dân.
Phương Nga (38 tuổi), Phú Xuyên- Hà Nội: Thưa đại biểu, có ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương mới chỉ chú trọng đầu tư cho công tác chữa bệnh mà chưa đầu tư cho công tác phòng bệnh. Trong khi đó, đầu tư cho phòng bệnh mới cần làm trước?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Như tôi đã nói, qua giám sát, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã kiến nghị và QH đã ban hành Nghị quyết 18, trong đó yêu cầu các địa phương phải dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Kết quả giám sát thời gian của của Ủy ban Về các vấn đề xã hội thì chỉ mới một số địa phương thực hiện đúng quy định này. Tình trạng này do nhận thức của một số địa phương chưa thực sự đầy đủ (phòng bệnh hơn chữa bệnh). Để chính quyền địa phương nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của công tác phòng bệnh, tôi cho rằng, trước hết, ngành y tế tại các địa phương phải làm tốt vai trò tham mưu chuyên môn, để chính quyền các cấp có kế hoạch phân bổ đầy đủ nguồn lực cho công tác phòng dịch bệnh. Cần phải nhận thức rằng chi phí cho công tác phòng bệnh bao giờ cũng ít tốn kém hơn là chi phí cho chữa bệnh, dập dịch. Các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử tùy theo chức năng nhiệm vụ, tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 18, QH Khóa XII.
ĐBQH Trần Ngọc Tăng:Phải khẳng định cơ bản rằng, Đảng, Nhà nước chúng ta rất coi trọng, quan tâm đến sức khỏe, nâng cao sức khỏe cho nhân dân ta. Cho nên các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác y tế giai đoạn 2011-2015 chúng ta đều đạt chỉ tiêu Chính phủ giao: 20 chỉ tiêu cơ bản năm 2015, chúng ta đạt và vượt 19 chỉ tiêu, còn 1 chỉ tiêu chưa đạt là tuổi thọ bình quân của nhân dân.
Vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho ngành y tế nói chung, cho công tác khám, chữa bệnh và công tác phòng bệnh được triển khai đồng bộ. Công tác phòng bệnh phải rất chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân, tình hình diễn biến các loại bệnh tật, cách phòng, chống các dịch bệnh bằng nhiều hình thức, nhân dân nhận thức đúng thì thực hiện có hiệu quả. Đầu tư công tác chữa bệnh cũng phải làm đồng bộ. Nhiều công trình, phương tiện kỹ thuật, máy móc chữa bệnh phục vụ cho công tác y tế dự phòng cũng đã được đầu tư.
Song hạn chế ở khâu phòng bệnh là công tác tuyên truyền chưa thật sự quyết liệt, chưa thường xuyên. Khi có dịch bệnh công tác tuyên truyền mới được đẩy mạnh!
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chưa phối hợp được đồng bộ với các ngành , chưa tạo được khí thế, ý thức thường xuyên, ý thức cao trong nhân dân trong phòng chống dịch.
Việc kiếm tra, giám sát, đôn đốc chưa được sâu xát, theo dõi thống kế, đánh giá công tác phòng bệnh còn hình thức.
Nhân lực cho y tế dự phòng còn thiếu, chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về phòng, chống bệnh để giải quyết hai ẩn số hiện nay là cơ chế bệnh sinh và vấn đề phòng dịch để giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh được tốt hơn.
Trương Quỳnh My (40 tuổi), huyện Gia Lâm, Hà Nội: Sốt xuất huyết là bệnh rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy ông Dương có thể cho biết, bệnh sốt xuất huyết khác với sốt thông thường như thế nào và làm sao để nhận biết được điều này? Và nếu đã từng bị sốt xuất huyết thì có nguy cơ bị lại không?
Phó viện trưởng Trần Như Dương: Đúng vậy, bệnh SXH là bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời mặc dù phần lớn các ca bệnh có biểu hiện nhẹ và vừa, chỉ gồm sốt đơn thuần hoặc xuất huyết mức độ nhẹ nhưng vẫn có tới khoảng 20% số ca mắc có nguy cơ tiến triển nặng với các dấu hiệu tiền sốc hoặc sốc, hoặc có các dấu hiệu cảnh báo nặng cần phải nhập viện điều trị ngay như sốt cao liên tục trên 39 độ, ly bì, đau đầu dữ dội, nôn nhiều hoặc tiêu chảy, đau bụng, xuất huyết nhiều nơi... Tất cả những bệnh nhân này phải được điều trị và theo dõi sát sao tại các cơ y tế để tránh biến chứng và tử vong.
Về triệu chứng, trong 3 ngày đầu của bệnh thường khó phân biệt với các bệnh sốt do các căn nguyên virus khác vì đều có sốt, đau đầu, đau mỏi toàn thân. Tuy nhiên từ ngày thứ 3 bệnh SXH có thể xuất hiện các biểu hiện đặc thù như xuất huyết ở các mức độ trên da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết tại chỗ tiêm truyền, nặng hơn có thể xuất huyết trong nội tạng, xuất hiện tình trạng tiền sốc hoặc sốc, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu hạ... Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định mắc SXH cần làm các xét nghiệm virus và miễn dịch để khẳng định.
Bệnh SXH do virus Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ nên người ta vẫn có thể mắc lại bệnh SXH nhiều lần bởi những típ virus khác.
Trần Thái Bảo Ngọc (61 tuổi), Lĩnh Nam – Hà Nội: Tôi xin hỏi ĐB Trần Ngọc Tăng, chính quyền địa phương là nơi gần dân nhất. Vì vậy cần phải quan tâm và chủ động hơn nữa vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết nói riêng cũng như phòng, chống dịch nói chung, thưa ông?
ĐBQH Trần Ngọc Tăng: Tôi xin cảm ơn đồng chí Trần Thái Bảo Ngọc. Tôi xin trao đổi làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong công tác này. Chính quyền của ta gọi là chính quyền nhân dân, chính quyền của dân do dân bầu ra, vì nhân dân mà phục vụ. Đó là bản chất chính quyền của chế độ ta. Chính quyền làm nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương một cách toàn diện. Trong đó, quản lý chăm lo công tác phòng, chống dịch bệnh như dịch sốt xuất huyết. Như vậy, chính quyền thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, tôi nhận thấy chính quyền đã làm tốt công tác này, cùng với đó ngành y tế đã ngày càng đúc rút kinh nghiệm trong chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay, chính quyền phải nâng cao tinh thần trách nhiệm chỉ đạo kiên quyết, quyết liệt, có kế hoạch cụ thể, triển khai đồng bộ, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để làm cho nhân dân hiểu, thực hiện công tác phòng, chống dịch. Thành lập các tổ, đoàn kiểm tra sâu sát ở cơ sở, huy động lực lượng làm công tác phòng chống dịch ( con người, tổ chức phương tiên, kinh phí...) để phòng, chống dịch có hiệu quả. Chính quyền có trách nhiệm cao thì ắt phòng chống dịch sẽ thành công, nhất định đẩy lùi được dịch sốt xuất huyết để hạn chế người mắc bệnh, người tử vong và thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Trần Văn Tuấn (38 tuổi), TP Hải Phòng: Tôi xin hỏi ĐBQH Nguyễn Thị Khá, dịch sốt xuất huyết là bệnh diễn biến phức tạp, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Vậy ý thức cộng đồng là rất quan trọng vì nếu mọi người không có ý thức phòng bệnh tốt thì có thế diễn biến thành dịch, thưa đại biểu?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Đúng vậy, ý thức cộng đồng là rất quan trọng trong công tác phòng, tránh dịch bệnh. Nếu chỉ có nỗ lực của ngành y tế, chính quyền các cấp mà cộng đồng thờ ơ thì cũng không thể ngăn chặn, đầy lùi dịch bệnh!
Cho nên, ý thức tự giác chấp hành của từng người dân cũng như cả cộng đồng và toàn xã hội là rất quan trọng. Trong đó, chính quyền địa phương phải đóng vai trò tổ chức, huy động toàn cộng đồng xã hội cùng tham gia vào công tác phòng bệnh, tránh các bệnh lây lan thành dịch.
Phó viện trưởng Trần Như Dương: Như tôi đã đề cập ở trên, các biện pháp phòng chống dịch hiện nay chủ yếu là dựa vào phòng chống muỗi và dựa vào cộng đồng. Chính vì vậy, ý thức của mỗi người dân, của cộng đồng trong việc chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch tại từng hộ gia đình đóng vai trò quyết định vào sự thành công của công tác phòng, chống SXH.
Cán bộ y tế có vai trò tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra giám sát để toàn dân tham gia phòng, chống SXH tại từng hộ gia đình với sự tham gia của toàn thể cộng đồng và các ban, ngành, đoàn thể xã hội thì mới thành công được. Nếu hầu hết các hộ gia đình thực hiện tốt mà chỉ còn một vài hộ không tích cực tham gia, vẫn để có ổ muỗi, ổ bọ gậy trong nhà thì từ đây muỗi tiếp tục phát tán ra các hộ gia đình xung quanh dù đã làm tốt thì vẫn có thể gây dịch cho cả khu dân cư.
Chính vì vậy trong công tác phòng, chống dịch nói chung và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch SXH nói riêng thì tinh thần "Mình vì mọi người và mọi người vì mình" luôn luôn đúng và đặc biệt quan trọng.
Đinh Tiến Dũng (42 tuổi), Nam định: Tôi là cử tri, tôi thấy Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã được ban hành. Vậy tại sao mỗi lần xuất hiện dịch nhiều nơi xử lý vẫn lúng túng bị động hay vì thiếu cương quyết, thiếu điều kiện mà dịch sốt xuất huyến vẫn lan rộng? Trách nhiệm thuộc về ai? Làm sao chấm dứt tình trạng này ?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Như tôi đã nói ở trên. Chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch bệnh đã được ban hành đầy đủ. Trong đó có phân cấp, phân quyền cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân.
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành y tế phải có kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm và phải làm tham mưu tốt cho chính quyền địa phương trong việc triển khai kế hoạch thực hiện. Nhưng nếu chính quyền địa phương chưa thực sự hiểu đầy đủ về công tác phòng bệnh và sự chỉ đạo thiếu kịp thời, phân bổ ngân sách không đầy đủ như quy định của Nghị quyết 18 thì dịch bệnh có thể xảy ra và lan rộng.
Để chấm dứt tình trạng này, chính quyền địa phương phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng bệnh, chủ động chỉ đạo các ngành thực hiện nghiêm các quy định, phân bổ đầy đủ nguồn lực cho hoạt động phòng dịch. Khi có bệnh dịch xảy ra, phải chủ động, kịp thời tổ chức huy động mọi lực lượng, nguồn lực để phòng, chống dịch. Nếu địa phương nào không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định hiện này thì phải chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành.
Mai Thị Thanh (40 tuổi), huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng: Theo tôi được biết, ngành y tế đang có dự án thử nghiệm thả muỗi có đề kháng với bệnh sốt xuất huyết ra môi trường. Những con muỗi này mang vi khuẩn Wolbachia - loại vi khuẩn ngăn cản sự phát triển của virus sốt xuất huyết trong muỗi, làm cho muỗi không truyền virus này. Vậy dự án này đang được triển khai như thế nào và đã có quốc gia nào thử nghiệm thành công chưa?
Phó viện trưởng Trần Như Dương: Để góp phần đạt hiểu quả hơn trong phòng, chống muỗi truyền bệnh, Bộ Y tế luôn coi trọng công tác nghiên cứu khoa học áp dụng cho công tác phòng chống SXH. Một trong những nghiên cứu do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chủ trì đang được thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa đó là dùng vi khuẩn Wolbachia để gây nhiễm vào muỗi. Đây là loại vi khuẩn hoàn toàn vô hại với con người nhưng khi nhiễm vào muỗi sẽ làm cho muỗi trở nên ốm yếu, chết sớm và đặc biệt nó làm giảm thiểu khả năng nhiễm virus SXH vào muỗi từ đó làm giảm khả năng truyền bệnh cho con người. Chính vì lý do này mà các nhà khoa học nói rằng việc sử dụng Wolbachia cho muỗi không khác gì việc "tiêm vaccine cho muỗi".
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu về Wolbachia từ năm 2006 với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là Australia - nơi tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng biện pháp này trong phòng chống SXH. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn thu được qua các giai đoạn nghiên cứu từ năm 2006 - 2012, đến tháng 4.2013 muỗi nhiễm Wolbachia chính thức được đánh giá tại thực địa đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa. Đến nay kết quả bước đầu cho thấy muỗi mang Wolbachia đã thiết lập và thay thế được quần thể muỗi có khả năng lây bệnh cao tại đảo.
Hiện tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đang xin phép Bộ Y tế và UBND tỉnh Khánh Hòa được mở rộng thử nghiệm ở quy mô lớn hơn để thu thập thêm bằng chứng khoa học của phương pháp này. Nếu thử nghiệm thành công sẽ mở ra một hướng mới trong việc sử dụng tác nhân sinh học góp phần cùng với các biện pháp hiện tại trong phòng chống SXH ở nước ta trong thời gian tới.
Hiện nay, tham gia nghiên cứu và thử nghiệm dự án này đứng đầu là Australia, Indonesia, Braxin, Colombia và Việt Nam. Các đánh giá phân tích kết quả của các nước vẫn đang tiếp tục được cập nhật theo tiến độ của từng nước.
Võ Trần Nam (22 tuổi), Vĩnh phúc: Xin hỏi ĐB Trần Ngọc Tăng, tôi là người dân ở vùng có dịch, rất lo ngại dịch sốt xuất huyết, nhưng tôi không biết làm thế nào để phòng ngừa? Ai có trách nhiệm chính trong phòng dịch?
ĐBQH Trần Ngọc Tăng: Xin chào đồng chí. Tôi thấy băn khoăn lo lắng của đồng chí là rất đúng. Muốn phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết đầy đủ về bệnh sốt xuất huyết. Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả, theo tôi phải làm tốt công tác vệ sinh môi trường tại nơi mình sinh sống, làm sạch những dụng cụ đựng nước (chum, vại, thùng, chậu để không cho bọ gậy phát triển thành muỗi). Khi phát hiện ra bệnh dịch, phải kiểm soát những ổ dịch tránh lây lan ra cộng đồng, phải báo cáo với chính quyền địa phương và phải thực hiện đúng quy trình phòng dịch của ngành y tế quy định. Khi mắc bệnh phải đưa ngay đến cơ sở y tế, không được tự ý dùng thuốc mà phải theo quy trình phác đồ điều trị của ngành y tế.
Trách nhiệm trong phòng dịch là của toàn dân nhưng ngành y tế phải là cơ quan tham mưu, nòng cốt trong việc hướng dẫn các quy trình phòng dịch. Chính quyền địa phương phải thấy đây là trách nhiệm của mình trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, kiên quyết chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy sức mạnh cộng đồng để phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt nhất công điện của Thủ tướng 1632 /CĐ-TTg. Nếu làm tốt những vấn đề trên sẽ góp phần phòng, chống dịch có hiệu quả, đẩy lùi được dịch bệnh.
Hoàng Ngọc Hùng (64 tuổi), Đà Nẵng: Thưa đại biểu Nguyễn Thị Khá, theo tôi chính quyền các cấp nói là chính quyền đã vào cuộc, làm hết trách nhiệm còn Ngành y tế triển khai kịp thời, quyết liệt... Vậy sao dịch sốt xuất huyết vẫn lan rộng, chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều trường hợp tử vong đáng thương?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Dich bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Hiện tại, ngành y tế và chính quyền các cấp đã tập trung và quyết liệt phòng chống dịch bệnh.
Tới đây, để hạn chế sự lây lan của dịch cũng như các trường hợp tử vong của người bệnh, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần phải được triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa. Chính quyền địa phương các cấp cần làm tốt vai trò tổ chức, huy động, hướng dẫn để tập hợp các lực lượng liên quan và toàn cộng đồng thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Lê Nguyễn Hoài Thu (38 tuổi), Hà Nội: Xin hỏi PGS.TS Trần Như Dương, tôi ở giữa thủ đô, nhà nhiều tầng, các cháu đều ngủ ở tầng 3 muỗi không lên được. Vậy các cháu có thể bị sốt xuất huyết không? Làm thế nào để các cháu an toàn?
Phó viện trưởng Trần Như Dương: Muỗi truyền bệnh SXH chủ yếu là loại muỗi vằn sống gần người và trong khu dân cư. Qua công tác giám sát và theo dõi, chúng tôi nhận thấy trong các tòa nhà cao tầng muỗi vẫn có khả năng xâm nhập và cư ngụ ở những tầng cao, thậm chí tầng 14, 15. Chính vì vậy, ở tầng 3 như chị đề cập thì muỗi truyền bệnh SXH hoàn toàn có thể xâm nhập và cư ngụ một cách dễ dàng và có khả năng truyền bệnh cho các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, để phòng bệnh SXH cho gia đình, chị cần thường xuyên dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà, các tầng, kể cả tầng thượng, đặc biệt chú ý không để bất cứ dụng cụ nào có thể đọng nước tồn tại trong gia đình như đồ phế thải, chậu hoa, cây cảnh, bình cắm hoa... Đồng thời, vận động, tuyên truyền cho những hộ gia đình xung quanh cùng tiến hành các biện pháp như trên để có môi trường toàn khu dân cư sạch sẽ, không có muỗi. Ngoài ra, khi đi ngủ khi cần nằm màn để tránh bị muỗi đốt.
Minh Tuyết (32 tuổi), Hà Nội , (fan_of_akon117@yahoo.com): Thưa đại biểu Nguyễn Thị Khá, theo như tôi thấy, bệnh sốt xuất huyết có thể dễ dàng điều trị ở các bệnh tuyến dưới, nhưng vẫn đang diễn ra tình trạng vượt tuyến gây quá tải bệnh viện các tuyến trên. Vậy làm thế nào để có thể giảm thiểu được tình trạng này, thưa bà?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Như tôi nói ở trên, khi có biểu hiện sốt, các bệnh nhân cần phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, hướng dẫn điều trị kịp thời. Tránh tình trạng tự điều trị ở nhà, để bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng người bênh, khi đó phải chuyển lên tuyến trên, đặc biệt là tuyến trung ương, gây quá tải.
Mặt khác, người dân cần phải bình tĩnh, tránh tâm lý hốt hoảng, cứ bị sốt là vượt tuyến lên tuyến trên, tuyến trung ương, trong khi tình trạng bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến cơ sở.
Ở đây, công tác tuyên truyền cần phải được thực hiện sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân khi mắc bệnh và các cơ sở y tế cần có hướng dẫn bệnh nhân cụ thể.
Hồ Hoàng Anh (45 tuổi), Nghệ An: Thưa bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội. Tôi là cử tri bầu ra ĐBQH, tôi không biết ĐBQH quan tâm việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết như thế nào? Tôi muốn bà gửi ý kiến cử tri đến các cấp chính quyền cần quyết liệt, chủ động phòng chống dịch, đừng để mỗi năm lại xảy ra dịch này, dịch khác lan rộng.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Là một ĐBQH, tôi thực sự quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Ủy ban Về các vấn đề xã hội trực tiếp theo dõi, giám sát việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực y tế. Hằng năm, Ủy ban đều tổ chức giám sát việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực này. Khi phát hiện những vấn đề bức xúc nổi lên, Ủy ban đều kiến nghị đến các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là ngành y tế phải giải trình, làm rõ. Đồng thời, phải có những giải pháp cụ thể giải quyết những tồn tại, vướng mắc. Ủy ban tiếp tục theo dõi việc giải quyết các kiến nghị đã nêu.
Bản thân tôi cũng xuất thân từ ngành y tế nên tôi cũng hiểu biết về lĩnh vực này. Và tôi cũng từng làm quản lý nhà nước nên tôi thực sự quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua đó, đóng góp, kiến nghị xây dựng, hoàn thiện và ban hành mới các chính sách, pháp luật cho ngành y tế nhằm bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu đặt ra trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tôi cũng tiếp tục kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương thực hiện đúng quy định tại Nghị quyết 18, QH Khóa XII cũng như các cơ quan dân cử ở địa phương tiếp tục giám sát việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực này.
Nguyễn Thanh Thảo , Rạch Giá, Kiên Giang: Tôi xin hỏi ĐBQH Nguyễn Thị Khá: pháp luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Xin bà cho biết trách nhiệm và hoạt động phòng, chống dịch bệnh, trong đó có dịch sốt xuất huyết hiện nay của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn là phải có kế hoạch cụ thể, dài hạn, ngắn hạn và làm tham mưu đề xuất những giải pháp cụ thể cho chính quyền địa phương để chỉ đạo thực hiện. Trách nhiệm cơ quan dân cử, đại biểu dân cử là giám sát việc thực thi pháp luật trong phân ngân sách trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân, Nghị quyết 18, QH Khóa XII... và tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật trên địa bàn và cả nước trong lĩnh vực này trong từng giai đoạn cho phù hợp.
ĐBNDO: Bạn đọc thân mến! Nhìn vào con số 28 trường hợp tử vong và trung bình mỗi tuần có thêm từ 2.000 - 3.000 ca mắc mới sốt xuất huyết. cho thấy dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và chưa cho có dấu hiệu chững lại là nỗi lo của chúng ta, là trách nhiệm của các cấp chính quyền không chỉ riêng ngành y tế. Với chủ đề “Phòng, chống dịch sốt xuất huyết và vai trò của chính quyền địa phương”, các khách mời cùng bạn đọc nhìn nhận về thực trạng công tác công tác phòng, chống dịch tại địa phương, cơ sở… Qua đó, đẩy mạnh hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả.
Tại cuộc giao lưu này, Báo Đại biểu nhân dân đã nhận được rất nhiều câu hỏi hay, tâm huyết của bạn đọc gửi tới 3 vị khách mời với mong muốn đưa Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào thực thi trên những vấn đề cụ thể, nóng bỏng của cuộc sống; nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của địa phương trong công tác y tế dự phòng.
Thời gian dành cho giao lưu trực tuyến có giới hạn, Báo ĐBND xin trân trọng cám ơn bạn đọc đã quan tâm, gửi câu hỏi giao lưu. Xin hẹn bạn đọc vào lần giao lưu tiếp theo.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Thay mặt các khách mời, chân thành cảm ơn bạn đọc của Báo ĐBND.