Các khách mời tham dự buổi giao lưu |
Lương Văn Nam (28 tuổi), TP Đồng Hới, Quảng Bình:Thưa Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đức Dương: Trong 4 năm trở lại đây, dịch HIV có chiều hướng chững lại, số người nhiễm HIV năm sau ít hơn năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và cuộc chiến chống HIV/AIDS ở nước ta phải chăng vẫn còn đương đầu với nhiều thách thức?
|
Bên cạnh đó, hiện nay tỷ lệ nhiễm trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao tuy có giảm nhưng vẫn ở mức độ cao. Ví dụ tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là trên 13%. Tức là cứ 100 người nghiện chích ma túy thì có hơn 13 người nhiễm HIV. Trong nhóm nữ bán dâm là 3%. Tỷ lệ này là cao so với tỷ lệ trung bình của một số nước trên thế giới. Trong khi đó hành vi của các nhóm nguy cơ cao vẫn đáng lo ngại. Ví dụ như tỷ lệ của các nhóm nghiện chích ma túy dùng bơm tiêm chung vẫn cao, rồi phụ nữ bán dâm không dùng bao cao su thường xuyên, người mua dâm cũng không dùng bao cao su thường xuyên hoặc có dùng thì sử dụng không đúng cách…
Ở một số tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, hiện nay dịch HIV/AIDS đang diễn biến khó kiểm soát. Các số liệu giám sát gần đây cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong một số cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đang ở mức cao và đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, chúng ta cần có biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở khu vực này. Trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS và Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đều khẳng định: nhóm đối tượng được ưu tiên trong tiếp cận dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ chủ trương tăng cường và phân bổ nguồn lực nhiều hơn cho các tỉnh cũng như kêu gọi nguồn tài trợ cho các địa phương.
Hồ Thị Lan (37 tuổi), Huyện Gia Lâm, TP Hà Nội: Thưa Ông, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS cần quan tâm nhất tới vấn đề gì?
|
Lê Văn Bình (30 tuổi), Huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam: Là người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của một địa phương, Ông đánh giá như thế nào về vai trò và tầm quan trọng của công tác truyền thông, giáo dục trong phòng, chống HIV/AIDS?
|
Trần Hữu Minh (41 tuổi), minhthuanhai_minh33@yahoo.com.vn: Để phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV, theo Ông, cần chú trọng đến nội dung gì?
Giám đốc, Bác sĩ Lê Quang Sơn: Để phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS, theo tôi cần đẩy mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan đoàn thể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hiện nay, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ Y tê, Bộ VH, TT và DL đã phối hợp tiếp tục triển khai phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư. Tôi thấy rằng các địa phương cần tổ chức thực hiện tốt phong trào này, để mọi người dân hiểu và thực hiện phòng lây nhiễm HIV, không phân biệt, kỳ thị với những người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cần có những hoạt động về truyền thông như là: tổ chức các cuộc nói chuyện trực tiếp, phát thanh qua hệ thống loa đài địa phương, cung cấp tài liệu phát tay, bản tin, tờ rơi, sách mỏng... cho mọi nhà.
Bên cạnh đó, tranh thủ các sinh hoạt, cuộc họp của các đoàn thể, các tổ chức, các hội để lồng ghép thông tin về HIV cho mọi người. Xây dựng các pano, áp phích, đưa thông điệp dễ hiểu về phòng, chống HIV/AIDS tại các điểm dân cư. Đối với các xã, phường, thôn, bản, khu dân cư cần đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào các kế hoạch, chương trình hành động của địa phương và có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm hàng năm.
Vũ Đức Mậu (45 tuổi), Huyện Kinh Môn, Hải Dương:Sự tham gia của cộng đồng dân cư vào công cuộc phòng chống HIV đã mang lại những kết quả to lớn. Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về vai trò của sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, đặc biệt là giữa các ngành văn hóa, y tế, MTTQ trong việc đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở khu dân cư?
PCN Lê Như Tiến: Tôi đánh giá cao đối với sự tham gia của cộng đồng dân cư vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian vừa qua, vì thế đã mang lại hiệu quả to lớn, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng ngày càng giảm. Điều 17 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã xác định trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, chính quyền: trong cộng đồng dân cư phải giáo dục sự thương yêu, đùm bọc đối với người nhiễm HIV/AIDS, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, họ tộc, quê hương, bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Tổ chức chăm sóc, hỗ trợ tào điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Phát huy vai trò của tổ dân phố, cụm dân cư của già làng, trưởng bản của dòng họ, trưởng tộc, các tổ chức tôn giáo, mặt trận, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh và những người có uy tín trong cộng đồng tham gia vào việc vận động, tuyên truyền, giáo dục, chia sẻ đối với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ.
Trên thực tế, tôi đã được chứng kiến những hình ảnh rất cảm động, nhiều ngôi chùa, bệnh viện đã thực sự trở thành nơi nương tựa cho những người nhiễm HIV/AIDS, các nhà sư, các bác sỹ, những người làm công tác y tế là những người đã rất tận tình chăm sóc những đối tượng bị lây nhiễm này.
Nguyễn Quỳnh Anh (44 tuổi), Huyện Sóc Sơn, Hà Nội: Một trong những việc cần phải làm ngay bây giờ là giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Xin ông có thể cho biết tầm quan trọng của vai trò truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS?
Phó cục trưởng, PGS. TS Bùi Đức Dương: Phòng, chống HIV/AIDS phải là giải pháp đồng bộ nhưng công tác truyền thông vẫn hết sức quan trọng, trong đó, một trong những nhiệm vụ của truyền thông là cần làm tốt việc tuyên truyền giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng.
Một trong những nguyên nhân sâu xa của hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người nhiễm HIV là người ta sợ lây nhiễm HIV. Bố mẹ không cho con, đặc biệt là trẻ con đi học với trẻ nhiễm HIV vì sợ con mình bị lây. Vì thế, muốn chống phân biệt đối xử thì phải làm cho người dân hiểu đúng căn bệnh này, phải tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu thật rõ là HIV/AIDS lây lan như thế nào, qua những con đường nào.
Nếu chúng ta tuyên truyền tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì chúng ta sẽ giúp cho người dân có cách nhìn nhận đúng hơn về HIV/AIDS, họ tin tưởng vào các biện pháp phòng chống HIV và họ sẽ phòng chống tốt hơn. Tương tự, tuyên truyền dùng bao cao su đúng cách trong hành vi tình dục cũng rất cần thiết.
Một vấn đề nữa cũng cần thực hiện là việc giúp người có HIV/AIDS hòa nhập tốt với cộng đồng. Và vì vậy, biện pháp trước mắt vẫn là truyền thông. Qua truyền thông, nếu làm tốt, người dân sẽ không còn sợ HIV/AIDS, cũng qua truyền thông, hình ảnh người nhiễm HIV/AIDS có thể được cải thiện (qua cách phòng, chống của chính người bệnh, qua các hoạt động học tập, lao động sản xuất, hoạt động xã hội của người nhiễm HIV…).
Lê Bá Hồng (36 tuổi), huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An: Đảng và Nhà nước ta đã có những cam kết trong Chiến lược về phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai những văn bản thể chế hóa Luật và Nghị định của Chính phủ để áp dụng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Xin Phó Cục trưởng đánh giá vai trò của các lãnh đạo trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS như thế nào?
Phó cục trưởng, PGS. TS Bùi Đức Dương: Đúng như vậy, vai trò của Lãnh đạo trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là hết sức quan trọng. Vì vậy, việc tăng cường hơn nữa sự cam kết mạnh mẽ và trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS tại cơ quan, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách nhằm khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS ở nước ta đến năm 2020 ở mức dưới 0,3% như Chiến lược Quốc gia đã đề ra.
Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể nhân dân và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước rất cần chuyển những cam kết của Đảng và Nhà nước ta thành các hành động cụ thể sau: Một là, mỗi người lãnh đạo hãy dành một số thời gian nhất định cho công tác chỉ đạo các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ngay tại ngành mình, cấp mình, địa phương mình hoặc địa bàn do chính mình phụ trách. Hai là, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng thông qua việc nắm chắc tình hình, xu hướng của dịch HIV/AIDS tại ngành và địa phương do mình phụ trách; có những giải pháp cụ thể nhằm huy động nguồn lực của xã hội và cộng đồng để thực hiện thật tốt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Ba là, thống nhất hoặc tạo sự đồng thuận trong các cấp lãnh đạo để đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
Nhân dịp Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2012, chúng tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương chỉ đạo việc xây dựng phong trào “3 tự” gồm tự tin, tự giác và tự lập trong cộng đồng những người nhiễm HIV để xoá đi sự mặc cảm và kỳ thị, đồng thời huy động được chính họ tham gia tích cực vào lực lượng phòng, chống HIV/AIDS ngay tại địa phương hoặc ngành mình quản lý.
Nguyễn Thị Hải (36 tuổi) – Quận 12, TP Hồ Chí Minh: Tôi vừa được biết, Liên Bộ Tài chính- Y tế vừa ban hành Thông tư liên tịch số 163/2012/TTLT-BTC-BYT quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012 – 2015, trong đó hỗ trợ cán bộ phòng, chống AIDS xã, phường 400.000 đồng/tháng, như vậy là quá thấp với cuộc sống hiện nay. Như vậy liệu có bảo đảm cho cán bộ yên tâm làm việc không thưa ông?
Phó cục trưởng, PGS. TS Bùi Đức Dương: Không phải chỉ Việt Nam mà hiện nay cả thế giới cũng đang đứng trước khó khăn do khủng hoảng về kinh tế. Và để tháo gỡ những khó khăn khi kinh phí đáp ứng đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới bị cắt giảm. Vì vậy, về phía Bộ Y tế đang tham mưu xây dựng trình Chính phủ đề án “Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS” trong đó đã xác định các nguồn tài chính cần huy động gồm từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó có ngân sách trung ương; Ngân sách địa phương; Nguồn viện trợ nước ngoài; Nguồn xã hội hóa; Nguồn BHYT; phí, lệ phí trong phòng, chống HIV/AIDS; Nguồn huy động từ các doanh nghiệp và từ các nguồn huy động hợp pháp khác.
Quốc hội đã thông qua danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó HIV/AIDS lần đầu tiên trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia riêng. Trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1202/QĐ-TTg ngày 31 tháng 08 năm 2012 Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 đã quy định rõ tổng mức vốn, cơ cấu nguồn vốn, cơ chế huy động và hỗ trợ vốn cũng như tiêu chí phân bổ vốn cụ thể. Với những nỗ lực và kế hoạch đó, chúng tôi hy vọng rằng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục được duy trì.
Vũ Hùng Anh (41 tuổi) – hunganhvu_vinhphuc@gmail.com: Hiện nay, tôi được biết số người được điều trị ARV vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Theo ông, làm thế nào để mở rộng diện điều trị hơn nữa ?
Phó cục trưởng, PGS. TS Bùi Đức Dương: Để thực hiện được vấn đề trên, trước hết chúng ta cần lưu ý những nội dung như mở rộng độ bao phủ điều trị ARV; tiếp tục thành lập các cơ sở điều trị tại tất cả các huyện có trên 100 người nhiễm HIV trở lên; nâng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV để bệnh nhân được điều trị sớm hơn; ưu tiên điều trị cho các đối tượng nhiễm HIV sau mà không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng và số lượng CD4: phụ nữ mang thai; trẻ em; người nhiễm HIV mắc lao; bạn tình dị nhiễm (cặp bạn tình có một người nhiễm HIV) và nhóm người nghiện chích ma túy.
Nguyễn Hải Hoàng (34 tuổi), haihoang_minhanh@gmail.com: Những năm qua, mặc dù công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về phòng chống HIV/AIDS được các cấp, các ngành đẩy mạnh, nhưng số người nhiễm mới HIV vẫn còn cao. Phải chăng cần thay đổi cách tuyên truyền, giáo dục về HIV/AIDS, thưa ông?
PCN Lê Như Tiến: Tôi cho rằng cần phải thay đổi cách tuyên truyền giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS, không nên tuyên truyền một chiều theo kiểu áp đặt mà phải để cho thanh thiếu niên từ bị động sang chủ động trong nhận thức để từ đó điều chỉnh hành vi. Lồng ghép giữa tuyên truyền với giáo dục, giáo dục với tuyên truyền thông qua những hình tượng nghệ thuật từ phim ảnh, sân khấu... chứ không phải chỉ là những khẩu hiệu khô khan, bằng các phương thức nghệ thuật sẽ thẩm thấu sâu sắc hơn đối với những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Nhiều các đợt hội diễn, các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật có tác dụng lan tỏa đối với việc phòng, chống HIV/AIDS.
Vũ Thanh Trang (32 tuổi), huyện Bảo Lâm, Cao Bằng: Hiện nay, nhiều người nhiễm HIV/AIDS còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử, ảnh hưởng rất lớn tới việc tiếp cận dịch vụ điều trị, xét nghiệm phát hiện HIV sớm và chuyển gửi đến dịch vụ chăm sóc. Phó chủ nhiệm có thể làm rõ cơ sở pháp lý về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay?
PCN Lê Như Tiến: Để thể hiện tính nhân văn của Nhà nước ta, Luật Phòng, chống HIV/AIDS nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS; cấm công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV/AIDS hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nào đó nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của họ... Nếu ở đâu đó, cộng đồng hoặc chính quyền xa lánh, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS, quay lưng lại với họ thì những người bị lây nhiễm này sẽ không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ điều trị, không có điều kiện học hành, tìm việc làm và họ sẽ không thể hòa nhập vào cộng đồng, vào xã hội.
Vũ Tú Anh (29 tuổi), vutuanh_thainguyen@yahoo.com.vn: Vì sao những người nhiễm HIV/AIDS ngày một gia tăng trong độ tuổi thanh niên? Làm thế nào để giúp thanh niên Việt Nam tự bảo vệ mình trước HIV/AIDS và hoạt động giáo dục, truyền thông cho nhóm đối tượng này cần chú ý điều gì, thưa ông?
PCN Lê Như Tiến: Thanh niên là nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao, vì vậy chúng ta phải có nhiều biện pháp giúp họ tự bảo vệ mình trước đại dịch HIV/AIDS. Tuổi thanh niên là tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động của xã hội, của phim ảnh, băng đĩa, internet... đang ào ạt du nhập vào nước ta mà các cơ quan quản lý nhà nước chưa kiểm soát triệt để được. Nên việc giúp thanh niên tự bảo vệ mình trước HIV/AIDS là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, trong việc giáo dục truyền thông cho nhóm đối tượng này phải hết sức linh hoạt, hấp dẫn, phù hợp với đặc điểm của lứa tuổi chứ không nên mang tính mệnh lệnh hành chính áp đặt.
Trần Văn Bền (41 tuổi), huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình: Từ tình hình thực tế ở Vĩnh Phúc, Giám đốc có thể cho biết công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS có đặc thù gì và đã đạt được những kết quả như thế nào?
Giám đốc, Bác sĩ Lê Quang Sơn: Vĩnh Phúc là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ, có diện tích hơn 1.200km2, dân số khoảng 1,1 triệu người. Tệ nạn ma túy mại dâm cũng không phải là điểm nóng nên số người, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS xếp hàng trung bình của cả nước. Công tác phòng, chống HIV/AIDS của Vĩnh Phúc cơ bản không có gì khác biệt so với các tỉnh khác. Nhưng lãng đạo tỉnh và lãnh đạo các ngành, các địa phương và các đơn vị y tế cũng rất coi trọng công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Riêng về công tác giáo dục truyền thông về HIV/AIDS đã được triển khai triển khai thường xuyên, thể hiện thông qua các kênh, các hoạt động như là: mỗi năm mở khoảng 30- 40 lớp tập huấn, nói chuyện về HIV/AIDS cho hàng nghìn đối tượng như là công nhân, nông dân, các hội viên, học sinh, sinh viên... tại các khu công nghiệp, trường học, thôn xóm; cung cấp hàng trăm nghìn bản tin, tờ rơi, sách mỏng, áp phích, băng rôn, băng đĩa cho cộng đồng dân cư; kết hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài PT- TH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Đài phát thanh, truyền thanh huyện, thị, xã, phường, các tạp chí, bản tin của các ngành để phát và đăng tải các thông tin truyền thông về HIV/AIDS... Chúng tôi đã tổ chức tốt Tháng chiến dịch phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại tất cả 137 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Qua các hoạt động truyền thông giáo dục đã làm cho mọi người hiểu và phòng, tránh HIV/AIDS nên trong 4 năm qua, tỷ lệ người nhiễm mới giảm dần; số bệnh nhân AIDS được điều trị ARV tăng do đó người chết vì AIDS cũng giảm. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm phát hiện HIV cho phụ nữ mang thai những năm trước còn khó khăn do họ còn e ngại nhưng 4 năm vừa qua, mỗi năm chúng tôi đã xét nghiệm cho hơn 3 vạn phụ nữ mang thai và việc xét nghiệm này đối với họ đã trở thành nhu cầu vì họ thấy lợi ích của việc điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con (nếu phụ nữa có HIV mang thai không điều trị ARV thì khả năng truyền cho con 30- 40%, nếu được điều trị, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 5%, thậm chí là 0%).
Vũ Khanh Hiên (42 tuổi), quận Đống Đa, TP Hà Nội: Luật phòng, chống HIV/AIDS quy định rõ: cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS. Vậy việc giám sát vấn đề này được thực thi như thế nào thưa Phó chủ nhiệm?
PCN Lê Như Tiến: Trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã quy định rất rõ về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong việc thông tin giáo dục truyền thông kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS đối với UBND các cấp, đối với nhà trường, đối với các đơn vị sử dụng lao động... Việc giám sát thực hiện là trách nhiệm của các cơ quan dân cử như: QH, các cơ quan của QH, các Đoàn ĐBQH, HĐND các cấp, cần phải tăng cường hơn nữa việc giám sát từ Trung ương đến các địa phương. Hàng năm cần có chương trình giám sát chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS. Qua giám sát phải đưa ra được các kiến nghị sát thực với các giải pháp hữu hiệu, phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc đẩy lùi HIV/AIDS.
Trần Mai Bình (33 tuổi), tranmaibinh_hpl@gmail.com: Theo báo cáo của Bộ Y tế mới đây thì Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý và phụ nữ mại dâm. Vậy các hoạt động can thiệp sắp tới triển khai là những gì nhằm can thiệp giảm tác hại gây ra?
Giám đốc, Bác sĩ Lê Quang Sơn: Trong các tháng 5, 6, 7 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã tổ chức điều tra tỷ lệ hiện nhiễm hành vi nguy cơ và các hoạt động can thiệp giảm hại phòng lây nhiễm HIV ở các nhóm nguy cơ cao tại một số địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc. Kết quả cho thấy tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 19% (toàn quốc là 13,4%); trong nhóm phụ nữ bán dâm là 4,5% (toàn quốc là 2,9%).
Do vậy, Vĩnh Phúc cũng như Hà Nam, Bình Dương được cảnh báo là những tỉnh được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý và phụ nữ mại dâm đúng như câu hỏi của bạn. Cho nên, trong những năm tiếp theo, chúng tôi đã đề ra chương trình kế hoach hành động gồm có: Tăng cường thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các nhóm đồng đẳng của người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam có hệ tình dục đồng giới, bạn tình âm tính và vợ của những người nghiện chích ma túy... Tổ chức các hoạt động can thiệp giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS như cung cấp bao cao su cho phụ nữ bán dâm, cho bệnh nhân HIV/AIDS, cho tất cả các khách sạn, nhà nghỉ; cung cấp bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy; triển khai chương trình điều trị thay thế bằng Methadone cho những người nghiện ma túy... Tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi, tư vấn xét nghiệm tự nguyện và điều trị kịp thời cho nhiều bệnh nhân AIDS. Phối hợp liên ngành để tổ chức tốt phong trào Toàn dân phòng chống AIDS tại cộng đồng dân cư.
Vũ Ngọc Mai (59 tuổi), huyện Tuy An, Phú Yên: Theo ông, làm thế nào để bồi dưỡng và phát huy yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp về tinh thần tương thân tương ái của dân tộc trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS hiện nay?
PCN Lê Như Tiến: Truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là "thương người như thể thương thân". Những người mắc phải HIV/AIDS cũng là những nạn nhân của tệ nạn xã hội, họ không phải là tội phạm. Vì vậy, cần phải có tinh thần tương thân tương ái cứu giúp họ. Để phát huy truyền thống tốt đẹp đó cần phải tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng để mọi người có tình thương và có trách nhiệm đối với những người có thể lầm lỡ hoặc vô tình nhiễm phải HIV. Nên coi việc giúp đỡ nạn nhân HIV/AIDS là trách nhiệm của mỗi cá nhân và của cộng đồng.
Nguyễn Hoàng Bình (57 tuổi), huyện Hàm Yên, Tuyên Quang: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đức Dương: phần lớn hiện nay những người nhiễm HIV đang trong độ tuổi lao động, thực tế cho thấy nhiều cơ quan, doanh nghiệp họ cũng không muốn nhận người lao động nhiễm HIV, có phải vậy không?
Phó cục trưởng, PGS. TS Bùi Đức Dương: Đúng là có hiện tượng các cơ quan, doanh nghiệp không muốn nhận những người nhiễm HIV đang trong độ tuổi lao động. Những năm gần đây, tuy đã có những cải thiện rõ rệt song vẫn còn xảy ra hiện tượng trên. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do sự kỳ thị và phân biệt đối xử mà nguyên nhân chính là các chủ doanh nghiệp, cơ quan do hiểu biết chưa đầy đủ về HIV/AIDS.
Vì họ cho rằng, HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, chỉ có những người nghiện chích ma túy hoặc mua bán dâm (người xấu) mới có thể nhiễm HIV/AIDS. Vì thế, muốn chống phân biệt đối xử thì phải làm cho mỗi người hiểu đúng căn bệnh này, phải tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu thật rõ HIV/AIDS lây lan như thế nào?
Lê Văn Bình (55 tuổi), TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk: Truyền thông, giáo dục được xem là hoạt động quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS, Phó chủ nhiệm có thể phân tích rõ hơn cơ sở pháp lý về vai trò của truyền thông, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay?
PCN Lê Như Tiến: Văn bản có tính pháp lý cao nhất đó là Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/ AIDS) đã được QH Khóa XI, Kỳ họp thứ Chín thông qua năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Trong Luật này có hẳn một phần với 4 điều nói về vai trò của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống HIV/ AIDS. Luật đã đề cao vai trò của công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đối với việc nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của mọi người trong việc phòng chống HIV/AIDS.
Luật cũng đã nêu rõ nội dung thông tin giáo dục, truyền thông như: nguyên nhân lây nhiễm HIV, các biện pháp dự phòng, quyền và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và của người nhiễm HIV, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, các biện pháp nhằm giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV...
Trần Văn Quốc (53 tuổi), vanquoc59@gmail.com: Trong thời gian tới, theo Phó Cục trưởng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ Bộ Y tế trong việc tháo gỡ các vướng mắc trong việc thi hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng như tăng cường giám sát, thi hành Luật như thế nào?
Phó cục trưởng, PGS. TS Bùi Đức Dương: Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc thi hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng như việc tăng cường giám sát, thi hành Luật, Bộ Y tế - với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã tiếp tục tham mưu, chủ trì xây dựng và trình nhiều văn bản quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 22/5/2012 về việc tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS; Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về việc quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Đặc biệt là chủ trì tham mưu xây dựng và trình Chính phủ Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với nhiều nhóm giải pháp tổng thể như: các nhóm giải pháp chính trị xã hội, nhóm giải pháp về pháp luật và chế độ chính sách, nhóm giải pháp về dự phòng lây nhiễm HIV về điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, về giám sát, theo dõi đánh giá, về nguồn tài chính…
Cùng với sự huy động của cả hệ thống chính trị, cũng như việc triển khai đồng bộ các giải pháp của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tôi hy vọng chúng ta vẫn sẽ kiểm soát thành công dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.
Nguyễn Văn Dũng (47 tuổi), TP Kon Tum, Kon Tum: Một trong những giải pháp được Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đề ra là tăng cường hơn nữa vai trò của QH, HĐND các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng việc phát huy vai trò cá nhân của các đại biểu QH, đại biểu HĐND. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
PCN Lê Như Tiến: Việc phát huy vai trò của QH, HĐND các cấp và vai trò của ĐBQH, đại biểu HĐND trong phòng, chống HIV/AIDS, trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, chúng ta đã có luật, có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện. Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, HĐND các cấp cần có các Nghị quyết chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS với các giải pháp mạnh để đẩy lùi căn bệnh thế kỷ này.
ĐBQH và đại biểu HĐND phải là người đi đầu trong tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS ngay trong gia đình, cơ quan, địa phương mình và là người gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các đại biểu còn phải hướng dẫn cho những người xung quanh mình hiểu biết để tự giác thực hiện.
Mai Thị Hương (29 tuổi), huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang: Sự kỳ thị chính bản thân mình của một bộ phận không nhỏ những người nhiễm HIV/AIDS đã tạo ra rào cản giữa họ với các dịch vụ phát hiện sớm và điều trị HIV/AIDS. Với những trường hợp như thế này, công tác truyền thông cần phải làm những gì, thưa Ông?
Giám đốc, Bác sĩ Lê Quang Sơn: Vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội đối với người nhiễm HIV trong những năm qua tuy có giảm nhưng vẫn tồn tại ở mọi nơi, mọi lúc do sự hiểu biết chưa đầy đủ của một bộ phận người dân, cho nên với người nhiễm HIV, họ rất sợ những người khác biết tình trạng bệnh tật của mình bởi vì: làm ăn, buôn bán khó khăn, sợ mất việc, con cái của họ học hành khó khăn... Họ không muốn công khai danh tính, nhiều người có tâm lý tiêu cực, lẩn tránh xã hội, thậm chí có tư tưởng muốn "trả thù đời" ở những người nghiện chích ma túy và bán dâm.
Do vậy, đây là trở ngại lớn cho việc quản lý, giám sát, tư vấn cho họ phòng lây nhiễm cho người khác và giúp họ chăm sóc sức khỏe, theo dõi tiến triển của bệnh, xét nghiệm số lượng tế bào TCD4 (của hệ miễn dịch) để được đăng ký điều trị ARV kịp thời khi chuyển sang giai đoạn AIDS.
Để làm cho sự phân biệt đối xử và tự kỳ thị giảm dần thì công tác truyền thông cho cộng đồng cần phải được tổ chức thực hiện tốt hơn để cho mọi người hiểu HIV/AIDS rất khó lây khi chúng ta chủ động phòng và không bao giờ lây qua tiếp xúc sinh hoạt bình thường. Hơn nữa, bệnh nhân AIDS nếu được điều trị kịp thời, sức khỏe của họ được hồi phục, họ vẫn có thể sinh hoạt, lao động bình thường, vẫn có ích cho gia đình và xã hội.
Chúng tôi cũng đề nghị toàn dân cần coi HIV/AIDS là một bệnh truyền nhiễm mãn tính bình thường như nhiều bệnh truyền nhiễm khác, nên cần có sự quan tâm của xã hội đối với người bệnh, thể hiện bản chất nhân văn, nhân đạo của xã hội ta.
Thu Hà (29 tuổi), Bắc Giang, xin hỏi Tiến sỹ Bùi Đức Dương: Theo tôi biết thì HIV có thể lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, truyền máu. Vậy ngoài ra còn có thể lây nhiễm qua các đường nào khác không? Có người nói HIV có thể lây nhiễm qua đường miệng là như thế nào?
Phó cục trưởng, PGS. TS Bùi Đức Dương: Câu hỏi của bạn được trả lời như sau: việc lây nhiễm HIV qua 3 con đường gồm đường máu, đường quan hệ tình dục và đường lây truyền trực tuyến từ mẹ sang con. Như vậy bạn đã hiểu rõ rồi nhé.
Trần Thị Oanh (27 tuổi), Huyện Lạc Thủy, Hòa Bình: Tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh vẫn còn, có phải là rào cản cho việc xét nghiệm phát hiện HIV không thưa ông?
Giám đốc, Bác sĩ Lê Quang Sơn: Đúng như bạn nêu, ở tỉnh tôi cũng như nhiều địa phương khác vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS như là còn một số trường hợp trẻ em nhiễm HIV đến tuổi mẫu giáo vẫn chưa được đến trường, người nhiễm HIV bị cho thôi việc, bị mọi người xa lánh... nhưng chúng tôi đã can thiệp kịp thời, nên họ đã trở lại làm việc, trẻ em được nhận vào học...
Tôi cũng khẳng định rằng vấn đề phân biệt đối xử vẫn là rào cản cho việc xét nghiệm phát hiện HIV. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, mở rộng các dịch vụ xét nghiệm phát hiện HIV cho nhóm người có nguy cơ cao như: người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, người làm ăn xa, đồng tính nam và cho tất cả phụ nữ mang thai... Mặt khác, tôi cho rằng, nên đưa xét nghiệm HIV trở thành xét nghiệm cơ bản để mọi người coi bệnh HIV/AIDS bình thường như các bệnh truyền nhiễm khác.
Trần Thế Nam (47 tuổi), Thành phố Cần Thơ: Thưa Phó cục trưởng, trong truyền thông phòng chống HIV/AIDS, không chỉ tập trung vào Tháng hành động quốc gia mà thời gian còn lại trong năm, công tác truyền thông cần được quan tâm như thế nào?
Phó cục trưởng, PGS. TS Bùi Đức Dương: Có nhiều hình thức truyền thông khác nhau, trong đó Tháng hành động quốc gia chỉ là một trong những biện pháp truyền thông để tăng cường nhận thức của người dân và cộng đồng về chủ đề ưu tiên đối với từng năm. Công tác truyền thông phải kết hợp thường xuyên và liên tục, kết hợp giữa truyền thông trực tiếp và gián tiếp qua thông tin đại chúng, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, thảo luận nhóm tại cộng đồng; tư vấn trực tiếp qua các đối tượng cụ thể, trong đó tập trung ưu tiên cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao...
Lê Minh (27 tuổi), Hải Châu, Hải Phòng: Thưa ông Bùi Đức Dương, ông sẽ làm gì đầu tiên nếu được rót một số tiền lớn để ngăn chặn sự phát triển của đại dịch này?
Phó cục trưởng, PGS. TS Bùi Đức Dương: Câu hỏi của bạn thật khó nhưng tôi sẽ trả lời. Trước hết là bảo đảm đủ lượng thuốc để điều trị, cắt đứt nguồn lây. Thứ hai, tìm các nguồn lây đang nằm trong cộng đồng. Để làm được điều này, cần phải có những biện pháp đồng bộ như hiện nay Chính phủ, Bộ Y tế đang tiến hành theo Chiến lược quốc gia.
Lê Thị Hồng Mến, lehongmen_cght2001@yahoo.com.vn: Trong tháng Hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS năm nay, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai những nội dung gì, thưa ông?
Giám đốc, Bác sĩ Lê Quang Sơn: Thực hiện Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS năm nay, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện. Kế hoach đã được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm nay, hoạt động này có đặc điểm khác với năm trước, đó là chúng tôi hướng về cơ sở, thể hiện là đồng loạt 137/137 xã, phường, thị trấn trong tỉnh vào ngày 30/11 đã tổ chức mít tinh ra quân hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia và phát động phong trào Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư với sự tham gia của hơn 4.000 người đại diện cho các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, các Trưởng thôn, bản, khu dân cư, những người nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và gia đình họ... Chúng tôi đã cấp hàng trăm nghìn tài liệu, băng rôn, bản tin, tờ rơi, sách mỏng cho các xã phường, khu dân cư để cấp đến tận từng gia đình. Đồng thời, ban chỉ đạo các huyện, thị, thành tổ chức diễu hành hưởng ứng trên tất cả các tuyến đường liên huyện, liên xã. Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa tin, làm phóng sự về các hoạt động xét nghiệm tự nguyện, thăm hỏi bệnh nhân, tặng quà bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, sinh hoạt của các nhóm, câu lạc bộ đồng đẳng của những người nhiễm HIV/AIDS và đối tượng nguy cơ.
Trần Thế Mạnh (45 tuổi), Huyện Khoái Châu, Hưng Yên: Ông đánh giá như thế nào về hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS?
PCN Lê Như Tiến: Trước hết, phải nói đến vai trò của gia đình, gia đình phải là thành trì trong cuộc đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS. Ông, bà, cha, mẹ vừa là người tuyên truyền, giáo dục vừa là người hướng dẫn cho con em mình cách phòng tránh các nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Nhà trường là môi trường tốt nhất để giáo dục học sinh hình thành nhân cách, trách xa các tệ nạn xã hội có nguy cơ lây nhiễm như: nghiện hút, sinh hoạt tình dục thiếu lành mạnh... Muốn vậy, cần phải đẩy mạnh giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản. Đã đến lúc chúng ta không nên coi vấn đề đó là "nhạy cảm", lảng tránh, dấu kín... Vì trẻ em càng dấu thì càng kích thích tính tò mò. Môi trường xã hội là nơi trẻ em có những giao tiếp hàng ngày, người lớn cần phải là tấm gương về phòng, chống HIV/AIDS cho trẻ em noi theo.
Nguyễn Thị Khánh, khanhngt221@gmail.com:Hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV tại Vĩnh Phúc đã mở rộng độ bao phủ như thế nào, thưa ông?
Giám đốc, Bác sĩ Lê Quang Sơn: Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Vĩnh Phúc đã triển khai phòng khám ngoại trú, điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS từ năm 2007 mặc dù thời gian ấy chưa có tổ chức, dự án nào hỗ trợ. Đến nay, chúng tôi đã điều trị cho 448 bệnh nhân và hiệu quả điều trị đạt trên 90%. Số bệnh nhân được điều trị thuộc tất cả các huyện thị thành. Năm 2012, chúng tôi mở thêm 1 phòng khám tại bệnh viện đa khoa huyện Sông Lô để thuận lợi cho bệnh nhân đi lại, lấy thuốc. Tất cả bệnh nhân này chúng tôi đều tập huấn cho họ để họ thực hành tốt tuân thủ điều trị, tự chăm sóc điều trị bệnh thông thường tại nhà, được xét nghiệm sinh hóa, CD4 đúng thời gian quy định để theo dõi kết quả điều trị... Chúng tôi phấn đấu để làm cho khoảng 80- 90% bệnh nhân AIDS được điều trị ARV kịp thời, 100% phụ nữ mang thai có HIIV được điều trị đúng quy trình quy định. Thông qua công tác điều trị, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV vì tải lượng vi rút HIV của bệnh nhân giảm.
Nguyễn Ngọc Châu (29 tuổi), nguyenngocchau@yahoo.com.vn: Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay ở nước ta với chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Vậy theo ông cần làm gì để đạt được hiệu quả cao trong Tháng Hành động này?
Phó cục trưởng, PGS. TS Bùi Đức Dương: Để Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2012 với chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” có nhiều kết quả và đạt được các mục tiêu đề ra. Chúng tôi đề nghị các ngành, các cấp quan tâm và tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số hoạt động chủ yếu sau: Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, chú trọng đến những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức... phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khoẻ, tư vấn, hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu. Tổ chức các chương trình nhằm vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ gây Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương. Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, vận động người nhiễm HIV và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS... Song, không thể không nói tới vai trò của các nhóm tự lực, các câu lạc bộ, mạng lưới của những người sống chung với HIV/AIDS đang có những đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Dương Khánh Phan (44 tuổi), Từ Sơn, Bắc Ninh:Tôi biết một số dự án đã bị cắt giảm, mà hiện các nạn nhân AIDS đã điều trị cần phải duy trì nguồn thuốc, vậy kinh phí sẽ lấy từ đâu trong khi số lượng bệnh nhân AIDS ngày càng tăng?
Giám đốc, Bác sĩ Lê Quang Sơn: Hiện nay công tác điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS đều do các tổ chức quốc tế tài trợ nên thuận lợi cho các cơ quan thực hiện và các bệnh nhân. Tôi được biết, đến năm 2015, nguồn tài trợ bị cắt giảm thậm chí không còn. Do vậy, để duy trì điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS nhu cầu ngày càng tăng tôi thấy rằng trước mắt đề nghị Chính phủ tăng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về HIV/AIDS và bệnh nhân HIV/AIDS cần mua bảo hiểm y tế để duy trì hiệu quả và nguồn thuốc điều trị cho bệnh nhân cũ, điều trị cho bệnh nhân mới.
ĐBND:Bạn đọc thân mến, câu hỏi gửi cho 3 khách mời tham gia giao lưu trực tuyến của Báo Điện tử ĐBND còn nhiều, nhưng, do thời gian dành cho giao lưu trực tuyến đã hết. Trân trọng cám ơn bạn đọc đã quan tâm, gửi câu hỏi giao lưu cùng ba khách mời với chủ đề: Truyền thông, giáo dục trong phòng, chống HIV/AIDS. Xin hẹn bạn đọc vào lần giao lưu tiếp sau.
PCN Lê Như Tiến:Thay mặt các khách mời, chân thành cám ơn bạn đọc của Báo ĐBND.