Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS qua truyền máu đã được quan tâm và chú trọng với nhiều hoạt động cụ thể. Ngay trong Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 cũng đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sàng lọc HIV đối với các đơn vị máu và chế phẩm máu trước khi truyền, cung cấp đủ và kịp thời sinh phẩm có chất lượng tốt cho công tác sàng lọc máu, bảo đảm sàng lọc HIV 100% các đơn vị máu và chế phẩm máu trước khi truyền. Từ đó, từng bước xã hội hoá công tác an toàn trong truyền máu thông qua việc tính đủ giá thành đơn vị máu và chế phẩm máu. Chiến lược cũng đặt ra yêu cầu trong công tác an toàn truyền máu là thay đổi cơ bản cơ cấu nguồn người cho máu; đẩy mạnh vận động hiến máu nhân đạo không lấy tiền, tiến tới xoá bỏ tình trạng bán máu, góp phần loại trừ lấy máu ở nhóm người có nguy cơ cao, khuyến khích cho máu nhắc lại, nâng cao sức khoẻ người cho máu.
Hơn 10 năm qua, với sự nỗ lực của ngành Huyết học - Truyền máu, công tác an toàn truyền máu đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên vấn đề này còn nhiều bất cập, bởi an toàn truyền máu không chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật mà còn liên quan nhiều đến xã hội và còn lệ thuộc vào sự hiểu biết của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Hiện nay, nước ta có 4 Trung tâm Truyền máu lớn ở Hà Nội, Huế, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh nhưng nhìn chung hệ thống truyền máu trên toàn quốc vẫn còn phân tán. Trong khi tại các đơn vị thực hiện công tác huyết học, truyền máu, hệ thống trang thiết bị sàng lọc còn thiếu đồng bộ và chưa hiện đại; các hướng dẫn kỹ thuật chung cho công tác truyền máu còn hạn chế; kỹ thuật và sinh phẩm sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu còn có khoảng thời gian cửa sổ kéo dài. Do vậy, với số lượng máu thu gom hàng năm là khá nhiều thì những rủi ro và nguy cơ của việc phát hiện chậm trễ các virus HIV/AIDS trong nguồn máu truyền luôn là mối quan tâm của các cơ sở y tế, bệnh viện và nhất là bệnh nhân.
Ngoài ra, an toàn truyền máu còn phải đối mặt với những khó khăn khác như việc thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị; người cho máu chiếm tỷ lệ cao nhưng lại thiếu hệ thống thông tin để quản lý; nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho công tác vẫn còn thiếu và yếu, thiếu cán bộ chuyên khoa, trình độ chuyên môn của cán bộ cũng còn hạn chế, đặc biệt lực lượng cán bộ có trình độ chuyên môn cao để thực hiện các khâu trong dịch vụ truyền máu. Chưa kể đến việc nhiều cơ sở có thu gom máu không báo cáo đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của Tiểu ban an toàn truyền máu; tình hình HIV diễn biến phức tạp, cùng việc chưa có hệ thống quản lý chất lượng trong dịch vụ truyền máu dẫn đến việc quản lý và theo dõi gặp nhiều khó khăn, đe dọa công tác an toàn truyền máu...
Để giảm tác động của đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng, bảo đảm an toàn truyền máu đòi hỏi thời gian tới cần tập trung củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức và quy hoạch mạng lưới an toàn truyền máu từ Trung ương đến địa phương để bảo đảm công tác chỉ đạo, điều phối đồng bộ và tập trung; đẩy mạnh việc chuẩn hóa các kỹ thuật sàng lọc ở tất cả các tuyến. Cùng với đó, cần nâng cao vai trò điều phối của cơ quan thường trực về an toàn truyền máu, trong đó Tiểu ban an toàn truyền máu quốc gia – Viện Huyết học truyền máu Trung ương, phát huy hơn nữa vai trò tham mưu chuyên môn và quản lý về lĩnh vực này. Mặt khác, tuy nhận thức của người dân về công tác an toàn truyền máu dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS đã được cải thiện, đặc biệt việc hiến máu nhân đạo được thực hiện mạnh mẽ và sâu rộng trong cộng đồng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều người dân vẫn có tư tưởng sợ bị lây nhiễm HIV mà không tham gia hiến máu. Do vậy, cần tăng cường công tác truyền thông về an toàn truyền máu dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, từ đó xã hội hóa công tác hiến máu nhân đạo và thu gom được nhiều đơn vị máu không nhiễm HIV/AIDS phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị, góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Cảnh báo giả mạo con dấu và chữ ký lãnh đạo Bộ GD-ĐT lừa đảo học bổng
Ngày 4.1, Bộ GD-ĐT phát đi thông tin cảnh báo giả mạo con dấu và chữ ký lãnh đạo Bộ GD-ĐT để lừa đảo học bổng Đại học Bách khoa Hà Nội.