Tồn tại nhiều khó khăn, bất cập
Báo cáo với Đoàn Giám sát, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Hà Thị Nhung cho biết, 3 tháng đầu năm, toàn ngành BHXH tỉnh đã đồng lòng, phấn đấu hoàn thành suất xắc các nhiệm vụ được giao.
Đến nay, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong toàn tỉnh đã liên thông dữ liệu phần mềm khám, chữa bệnh với cơ quan BHXH. Việc giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua hệ thống liên thông đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giám định. BHXH tỉnh đã triển khai thông tuyến khám, chữa bệnh nội trú tuyến tỉnh theo quy định, qua đó tạo thuận tiện cho người bệnh trong việc điều trị bệnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Hà Thị Nhung cũng nêu một số khó khăn, bất cập tại địa phương. Đó là, chưa có cơ chế xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc diện tạm dừng giao dịch, chủ bỏ trốn, nợ BHXH dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết các chế độ cho người lao động. Vẫn còn tình trạng người dân nhận BHXH một lần; hệ thống phần mềm của một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được các quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra. Công tác giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm theo yêu cầu;...
Theo bà Hà Thị Nhung, với việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện chưa đạt theo kỳ vọng, nguyên nhân chủ yếu do tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu, cùng với việc tăng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng (giai đoạn 2022 - 2025) nên số người tham gia BHXH tự nguyện giảm đáng kể.
Số người tham gia BHYT có dấu hiệu giảm sâu so với năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do người dân tại các địa bàn mới ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, sau khi được công nhận là gia đình nông thôn mới đã không còn tham gia BHYT. Thêm vào đó, từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nên việc chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không kịp thời, dẫn đến nợ đọng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp dẫn đến nợ kéo dài, số tiền nợ lớn.
Đề xuất các giải pháp tháo gỡ
Qua báo cáo của BHXH tỉnh và ý kiến góp ý, Đoàn giám sát đánh giá, thời gian qua, BHXH tỉnh Tuyên Quang đã bám sát các chỉ đạo của Hội đông quản lý và BHXH Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có những khó khăn chung toàn quốc nhưng cũng có những vấn đề mang tính địa phương. Qua đó, Đoàn đã đưa ra nhiều giải pháp, góp ý để BHXH tỉnh thực hiện tốt hơn chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới.
Đối với công tác phát triển người tham gia, BHXH tỉnh Tuyên Quang cần khảo sát, nắm bắt rõ từng nhóm đối tượng tiềm năng phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ở từng địa phương. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực hỗ trợ tham gia hoặc có cơ sở để giao chỉ tiêu, xây dựng giải pháp vận động phát triển cụ thể, tích cực hơn.
Về lĩnh vực BHYT, BHXH tỉnh cần phối hợp, đôn đốc các cơ sở khám, chữa bệnh hoàn thiện đầy đủ hồ sơ hoàn thành việc quyết toán theo yêu cầu của BHXH Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với cơ sở khám, chữa bệnh để triển khai quy trình giám định mới hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục phân tích, đánh giá chi phí ở từng cơ sở và yêu cầu các giám định viên BHYT theo dõi sát tình hình thực tế để kịp thời thực hiện các biện pháp hạn chế gia tăng chi phí, bảo đảm quyền lợi BHYT cho người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của BHXH tỉnh Tuyên Quang trong thời gian qua. Đông thời, lưu ý trên cơ sở những kết quả đạt được, BHXH tỉnh Tuyên Quang cần đưa ra các giải pháp, cách làm hiệu quả hơn nữa.
“BHXH tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan trong tăng cường công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật BHXH, BHYT tại các đơn vị SDLĐ; giám sát, đôn đốc các cơ sở khám, chữa bệnh trong sử dụng quỹ BHYT, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT;...” - Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh nhấn mạnh.
Kết quả, tính đến hết tháng 3.2023, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là 118.048 người, đạt 96% kế hoạch BHXH giao; số người tham gia BHXH tự nguyện là 15.807 người, đạt 64,54% so với kế hoạch giao; toàn tỉnh có 109.686 ngừi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 95,78% kế hoạch; trong đó 756.352 người tham gia BHYT, độ bao phủ BHYT đạt 92,73% dân số toàn tỉnh.