Thiếu điện có thể tiếp diễn
Tại Hội nghị tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng mới đây, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo nguy cơ thiếu điện tiếp tục diễn ra mùa hè năm 2024 vì nhu cầu tiếp tục tăng.
Theo EVN, dự báo nhu cầu sử dụng điện tăng bình quân 9% mỗi năm, tương ứng công suất tăng 4.000 - 4.500MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 chỉ là 1.950MW và năm 2025 là 3.770MW, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam. Còn tại miền Bắc, nhu cầu tăng 10% mỗi năm, công suất dự phòng lại thấp, nên dự báo trong giai đoạn nắng nóng cao điểm (khoảng tháng 6 - 7.2024) có thể thiếu từ 420 - 1.770MW điện.
Trước đó, vào giữa tháng 6.2023, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc nhằm tăng cung ứng, giảm thiếu điện cho miền Bắc những năm tới. Tiếp đó, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn tất dự án này trong tháng 6.2024.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài gồm 4 tiểu dự án, có tổng chiều dài 514km, nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên), tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng. Dự án đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII và dự kiến đưa vào vận hành năm 2025 - 2026 nhằm tăng công suất cung ứng điện từ Nam - Bắc lên 5.000MW. Dự án này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới.
Đợt thiếu điện trầm trọng vào mùa hè năm nay cho thấy tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của dự án này. Vào thời điểm đó, giả sử 85 dự án năng lượng tái tạo (tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam) có đầy đủ hồ sơ pháp lý và hoàn tất đàm phán bán điện với EVN thì cũng không thể đưa nguồn điện này ra Bắc, bởi đường dây 500kV mạch 3 mới được đầu tư từ phía Nam ra đến Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Phải triển khai nhiều giải pháp
Cập nhật tình hình triển khai chuẩn bị và thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 đến ngày 21.8.2023, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), dự án đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối và Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa đã được EVNNPT trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ đã có văn bản xin ý kiến các bộ, địa phương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Với dự án đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các báo cáo trình Thủ tướng vào ngày 18.8.2023 về kết quả thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Để triển khai các dự án theo đúng tiến độ kế hoạch, EVNNPT đề xuất Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng chấp thuận các dự án là các công trình xây dựng khẩn cấp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 Luật Xây dựng; phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trước khi phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, cho phép chủ đầu tư các dự án hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt.
Mặc dù rất cấp bách nhưng yêu cầu vận hành dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài trong tháng 6.2024 là thách thức lớn khi mà dự án có quy mô lớn, liên quan đến 9 tỉnh, hiện vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp. Chẳng hạn, đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa có quy mô 2 mạch, dài khoảng 316,7km đi qua 4 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho biết, thời gian thực hiện dự án có quy mô tương tự là khoảng 50 tháng kể từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đó là chưa xét đến rủi ro trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Mặc dù vậy, yêu cầu của Thủ tướng chắc chắn sẽ gia tăng áp lực, buộc các bộ, ngành, địa phương liên quan phải nỗ lực trong các phần việc của mình nhằm đẩy tiến độ dự án nhanh nhất có thể. Tiến độ các dự án đến thời điểm hiện tại đã cho thấy điều này. Tuy nhiên, cùng với việc tăng tốc triển khai đường dây 500kV mạch 3 kéo dài, Bộ Công thương và EVN cần tính toán thêm các phương án để miền Bắc không xảy ra thiếu điện trầm trọng cho đến khi dự án được hoàn thành.
Để giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc, cùng với việc nhanh chóng khép kín đường dây 500kV mạch 3, theo ông Đào Nhật Đình, chuyên gia năng lượng, trong ngắn hạn nên mở rộng chính sách cho phát triển điện mặt trời mái nhà khu vực phía Bắc. Theo đó, không chỉ dừng lại ở cơ chế "tự sản, tự dùng", mà cho cơ chế "bán sang nhà hàng xóm"; mở rộng cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ sản xuất như doanh nghiệp trong khu công nghiệp, bệnh viện, khách sạn, bến xe, nhà hàng… phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà. Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện nếu có kế hoạch duy tu thì phải tập trung thực hiện trong mùa đông này, thay vì theo lịch rơi vào đúng mùa hè như đã xảy ra với Nhiệt điện Thái Bình 2, Vũng Áng 1… vừa qua.