Đó là những kết quả nổi bật từ thực hiện 3 khâu đột phá của tỉnh Ninh Thuận được Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam báo cáo tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Khóa XI vừa được tổ chức thành công.
Khơi thông “điểm nghẽn”, nguồn lực phát triển
Theo đó, về đột phá hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển. Xác định đây là một trong những nội dung quan trọng để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển, khơi thông nguồn lực đất đai, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024 vào cuối tháng 4.2024 vừa qua; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên, không gian phát triển mới của tỉnh, thông qua đó để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh.
Quán triệt phương châm hành động của Chính phủ: "Kỷ cương, trách nhiệm; chủ động, kịp thời; tăng tốc, sáng tạo; hiệu quả, bền vững” và của Tỉnh “Đoàn kết kỷ cương, linh hoạt sáng tạo, tăng tốc hiệu quả”, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh với 36 nhiệm vụ trọng tâm đột phá; 191 nhiệm vụ cụ thể và 54 công trình/dự án động lực quan trọng.
Tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tập trung vào 3 khâu đột phá: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” cho các trọng điểm phát triển, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư; (2) Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng; (3) Khơi thông nguồn lực đất đai.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam
Đồng thời, rà soát các Quy hoạch mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành để triển khai lập, hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tỉnh; hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ Quy hoạch tỉnh; chủ động rà soát các Quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch vùng đã được phê duyệt, đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch tỉnh; xử lý đối với các nội dung còn mâu thuẫn với Quy hoạch tỉnh và các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực Quy hoạch tỉnh.
Thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về giao thông, cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội; xây dựng mô hình, đề án phát triển kinh tế - xã hội trình HĐND tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định triển khai thực hiện các chính sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua góp phần thực hiện khơi thông “điểm nghẽn”, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam cho biết: UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát các vướng mắc pháp lý, nhất là về xác định giá đất, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, điện lực…; đơn giản hóa điều kiện, quy định kinh doanh, quy trình thủ tục về thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, xây dựng; các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp theo thẩm quyền của UBND tỉnh; yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác cải cách hành chính; động viên, khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh theo quy định.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các sở, ngành, địa phương; tiếp tục tạo điều kiện, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm trễ, kém hiệu quả...; nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh mạnh mẽ, quyết liệt.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 36,3% kế hoạch
Về đẩy nhanhgiải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng. UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành các Kế hoạch xác định và tập trung chỉ đạo công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gắn với đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các khâu thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án trọng điểm về giao thông, du lịch, các dự án vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các dự án trong khu, cụm công nghiệp. Nhất là đã đẩy nhanh tiến độ các dự án: Môi trường bền vững các thành phố duyên hải; đường vành đai phía Bắc; đường Tân Sơn đi Tà Năng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam thông tin: Đến nay, Dự án Môi trường bền vững đã hoàn thành cơ bản trước ngày 30.6, chuẩn bị nghiệm thu, bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác vận hành theo quy định, đang tiếp tục hoàn thiện, được Ngân hàng thế giới đánh giá rất cao quyết tâm của tỉnh; góp phần cải thiện rõ nét hệ thống giao thông, thoát nước, môi trường cho đô thị thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Dự án đường liên vùng Tân Sơn đi Tà Năng đoạn từ thị trấn Tân Sơn - Ma Nới đã đưa vào sử dụng trong cuối năm 2023; đoạn từ Ma Nới - Tà Năng hiện Chủ đầu tư đang tích cực phối hợp các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục GPMB để triển khai thi công. Tính đến ngày 30.6.2024, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 36,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn mức bình quân cả nước (29,4%).
Thời gian tới, UBND tỉnh tập trung triển khai quyết liệt với quyết tâm cao nhất, đem lại hiệu quả công việc tốt nhất; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đối với từng dự án cụ thể; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành; rà soát, xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập theo thẩm quyền. Tích cực đôn đốc tiến độ các dự án thành phần kinh tế gắn với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, kéo dài; huy động cả hệ thống chính trị giải quyết dứt điểm vướng mắc công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 100% kế hoạch.
Kịp thời giao đất cho các nhà đầu tư
Xác định khơi thông nguồn lực đất đai đây là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều hội nghị bàn giải pháp, đôn đốc các ngành các địa phương quyết liệt, tăng tốc trong công tác ban hành giá đất, đấu giá tài sản công. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2024; tập trung thực hiện xác định giá đất các dự án thuộc Kế hoạch thu tiền sử dụng đất ngân sách tỉnh năm 2024 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Nhờ đó trong 6 tháng đầu năm, đã tổ chức đấu giá 3 cơ sở nhà đất, tạo thêm nguồn thu ngân sách, thu tiền sử dụng đất trên 590 tỷ đồng, đạt 65% dự toán được HĐND tỉnh giao; kịp thời giao đất cho các nhà đầu tư để triển khai thi công, nhất là các dự án Khu đô thị Phủ Hà, Sông Dinh, Đầm Cà Ná… Hiện, UBND tỉnh chỉ đạo hoàn chỉnh phương án giá đất đối với một số dự án đô thị theo quy định mới tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP Ngày 27.6.2024 của Chính phủ quy định về giá đất.