Bảo hiểm là một trong số những ngành có những cuộc thương lượng nóng bỏng nhất trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. Nguyên nhân do thị trường bảo hiểm Việt Nam là một trong những thị trường bảo hiểm lớn còn lại ở châu Á cuối cùng phải mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, hứa hẹn nhiều cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư ở một nơi còn tương đối mới mẻ, ít đối thủ cạnh tranh nặng ký, và thiếu nhiều sản phẩm bảo hiểm có chất lượng quốc tế mà các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có thế mạnh. Mở cửa ngành bảo hiểm cho cạnh tranh nước ngoài sau khi gia nhập WTO cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều thách thức và lợi ích cho ngành này.
Lợi ích
Đầu tiên, mở cửa ngành bảo hiểm cho đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện chất lượng và giá trị của dịch vụ khách hàng. Ngành bảo hiểm Việt Nam có lịch sử phát triển tương đối ngắn, đặc biệt trong phân khúc bảo hiểm cá nhân và bảo hiểm thương mại. Trong khi đó, với hàng trăm năm kinh nghiệm, các công ty bảo hiểm nước ngoài dư sức cung cấp các sản phẩm bảo hiểm mới và đa dạng, thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng Việt Nam. Bởi vậy, sự có mặt của nhiều công ty bảo hiểm nước ngoài mới cũng có nghĩa là cạnh tranh về (chất lượng) dịch vụ, chứ không phải là cạnh tranh về giá, sẽ tăng mạnh về mức độ, và tất nhiên, người được hưởng lợi nhất là người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Thứ hai, sẽ tăng mức tiết kiệm trong nội bộ nền kinh tế quốc dân. Người ta đã chứng minh được rằng càng có nhiều công ty trung gian tài chính có chất lượng và càng đa dạng ở một nền kinh tế thì nền kinh tế đó càng có tỷ lệ tiết kiệm quốc gia cao, nếu các yếu tố khác không thay đổi. Điều này có nghĩa là sự ra đời của nhiều công ty bảo hiểm (cả nước ngoài và nội địa) sẽ làm tăng nguồn tài chính cho các mục tiêu phát triển kinh tế của quốc gia đó.
Thứ ba, chuyển giao bí quyết công nghệ và quản lý. Đây có lẽ là lý do quan trọng nhất giải thích tại sao Việt Nam lại quyết định mở cửa ngành bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm nước ngoài. Các công ty bảo hiểm nước ngoài lớn có thế mạnh về quản lý và công nghệ khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, hoặc là qua liên doanh, hoặc là dưới hình thức công ty 100% sở hữu nước ngoài, sẽ chuyển giao hoặc làm “rò rỉ” các bí quyết công nghệ và quản lý cho các đối tác và đối thủ cạnh tranh nội địa qua nhiều kênh, trong đó có việc đào tạo nhân sự, hiệu ứng bắt chước v.v...
Thứ tư, thêm một nguồn vốn tài chính nước ngoài. Chắc chắn rằng mở cửa ngành bảo hiểm cho đầu tư nước ngoài sẽ mang lại một nguồn vốn tài chính nước ngoài lớn cho ngành, khi các công ty này thành lập pháp nhân và hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong dài hạn, sẽ có nguồn vốn bị chảy ra nước ngoài khi các công ty nước ngoài này có lãi và chuyển lợi nhuận về nước, và nguồn vốn này thậm chí sẽ lớn hơn nguồn vốn đổ vào Việt Nam ban đầu. Để hạn chế khả năng này, có lẽ việc cải thiện môi trường đầu tư là điều cần thiết để các công ty bảo hiểm nước ngoài tái đầu tư lợi nhuận vào Việt Nam.
Cuối cùng là tạo ra những liên kết ngược có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Các công ty bảo hiểm nước ngoài sẽ tạo ra những hiệu ứng lan truyền có lợi cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế thông qua các mối liên kết ngược giữa chúng với (dựa vào sự cung cấp dịch vụ của) các tổ chức nội địa như ngân hàng, kế toán, luật, và viễn thông.
Thách thức
Mở cửa ngành bảo hiểm sẽ có thể dẫn đến việc các công ty bảo hiểm nước ngoài thống trị thị trường bảo hiểm trong nước. Một trong những cách thức để công ty bảo hiểm nước ngoài thực hiện được mục tiêu này là bán phá giá. Theo cách này, các công ty nước ngoài có thể bán sản phẩm bảo hiểm dưới giá thành để giành thị phần. Hậu quả của việc này trong dài hạn sẽ là giá bảo hiểm tăng cao khi công ty bảo hiểm nước ngoài giành được quyền kiểm soát thị trường bảo hiểm, mặc dù trong ngắn hạn, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhờ giá bảo hiểm giảm mạnh một cách không lành mạnh.
Các công ty bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ cho thị trường một cách có chọn lọc. Không phải là hiếm những trường hợp cho thấy đây là một nguy cơ có thật. Chẳng hạn, nếu không có luật định kín kẽ thì phần lớn các công ty bảo hiểm ở Mỹ sẽ không cung cấp dịch vụ cho thị trường bảo hiểm ôtô cá nhân (rất rủi ro). Đối với Việt Nam, rất có khả năng các công ty nước ngoài chỉ tập trung vào thị trường bảo hiểm ở các đô thị lớn mà bỏ qua các vùng nghèo.
Thêm một thách thức nữa là các công ty bảo hiểm trong nước bị phá sản. Người ta cho rằng ngành bảo hiểm của một quốc gia nên nằm trong tay những công ty bảo hiểm nội địa vì những lý do an ninh chiến lược. Điều gì sẽ xảy ra nếu xảy ra xung đột giữa hai quốc gia khi mà các doanh nghiệp bảo hiểm của nước này đã thâm nhập sâu vào thị trường nội địa nước kia?
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải đánh giá đúng mức và đầy đủ rủi ro và thuận lợi mà các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài mang đến cho thị trường bảo hiểm nội địa, để có chiến lược đối phó cho phù hợp. Thật khó đong đếm cái nào lớn hơn cái nào (rủi ro so với thuận lợi) vì sự đong đếm này sẽ bị “nhiễu” bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, nếu có chiến lược đối phó để giảm thiểu từng kênh gây tác động có hại cho nền kinh tế thì chắc chắn sự mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ là một điều có lợi không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho cả chính phủ và các doanh nghiệp.
TS Phan Minh Ngọc