Tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp
Tỉnh Gia Lai hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững. Trong đó, đáng chú ý, diện tích cà phê trên 98.400ha, sản lượng trên 257.000 tấn; cao su có diện tích khoảng 88.650ha, sản lượng trên 123.700 tấn; hồ tiêu có diện tích khoảng 13.700ha, sản lượng trên 49.500 tấn; điều có diện tích trên 21.300ha, sản lượng khoảng 17.100 tấn. Cây ăn quả các loại có diện tích trên 21.300ha, với các loại cây ăn quả có chất lượng và giá trị kinh tế cao, đặc biệt như sầu riêng, bơ...
Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai 7 công trình, dự án bao gồm 03 dự án chuyển tiếp và 04 dự án khởi công mới với tổng mức 2.402 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ này quản lý dự kiến thực hiện 04 dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Một số dự án tiêu biểu lĩnh vực trồng trọt mà Gia Lai đang tập trung thu hút đầu tư gồm: Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đak Đoa quy mô 459,04ha, tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP. Pleiku, quy mô 3 giai đoạn, diện tích 100ha với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành cho biết, bên cạnh thực hiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư do trung ương ban hành, tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng, thực thi các chính sách ưu đãi, khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào khâu trồng trọt, thu hoạch, chế biến sâu các mặt hàng nông sản, nhằm nâng cao năng suất, giá trị, sức cạnh tranh. Đồng thời, xây dựng, quảng bá hình ảnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách trong nước và quốc tế.
Cũng theo ông Thành, để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - một trong ba thế mạnh của tỉnh, thời gian tới, Gia Lai sẽ chủ động chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp có các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.
Gắn kết giữa sản xuất và tiêu dùng
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững của tỉnh Gia Lai. Mới đây, Gia Lai đã phê duyệt Kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu vào nhóm những tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển trong khu vực Tây Nguyên và cả nước. Đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi sẽ đạt khoảng 9.821 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 106 dự án chăn nuôi đang được nhà đầu tư quan tâm, với tổng vốn đăng ký gần 16.000 tỷ đồng, quy mô gần 5.300ha.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang phân bổ, quy hoạch vùng, xác định các cây trồng, vật nuôi ưu tiên, xây dựng các trung tâm sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp giá trị cao, như cây dược liệu, cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, gỗ rừng trồng… Xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai theo quy định của pháp luật để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.
Công tác bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng phát huy giá trị của rừng; nghiên cứu, vận dụng các kinh nghiệm quốc tế về quản lý, sử dụng rừng bền vững cũng được tỉnh chú trọng. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh khâu nghiên cứu, chọn tạo, nâng cao chất lượng giống cây trông vật nuôi, quản lý giống cây trồng, vật nuôi; đặc biệt cần chú ý phát triển những giống đặc sản, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường. Đặc biệt, Gia Lai đẩy mạnh sản xuất gắn với phát triển du lịch nông nghiệp theo nhiều hình thức tiến tới xây dựng, quảng bá để Tây Nguyên trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và du khách trong nước và quốc tế, kích thích sản xuất - kinh doanh nông sản phát triển; gắn kết gần hơn giữa người sản xuất với người tiêu dùng.