Cục Thủy sản cho biết, đoàn công tác của EC dự kiến sang Việt Nam để thanh tra tình hình, kết quả thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) vào cuối tháng 5.2023. Tuy nhiên, Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE) đã có thông báo chính thức về việc dời thời gian thanh tra sang tháng 10.2023.
Bên cạnh đó, EC cũng đề xuất các cuộc làm việc trực tuyến vào các tháng: 5, 6 và 10.2023 trước khi sang Việt Nam kiểm tra.
Nội dung kiểm tra lần này là đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Cụ thể là tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển và các bộ được Thủ tướng phân công nhiệm vụ chống khai thác IUU tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng về gỡ thẻ vàng.
Cục Thủy sản cho biết, đến ngày 30.4.2023, đã có 28.797/29.489 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị hành trình đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động. Với việc bị cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang châu Âu (EU) bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, khiến doanh nghiệp xuất khẩu phải bỏ ra nhiều chi phí hơn.