Những phát hiện này được đưa ra một tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) tại Dubai, nơi các quốc gia chuẩn bị ra mắt Quỹ Tổn thất và thiệt hại - quỹ đầu tiên trên thế giới để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với thiệt hại do thảm họa thiên tai gây ra.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Lãnh đạo phát triển bền vững của Đại học Cambridge cho biết họ đã đạt được “bước đột phá” trong việc nghiên cứu làm sao sử dụng số tiền này từ các quốc gia phát triển và gây ra nhiều tổn thất khí hậu để bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương trước chi phí ngày càng tăng do bão, hạn hán và nước biển dâng.
Đầu tiên, phát hiện của họ xác nhận rằng các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu nhất trên thế giới vẫn có thể được bảo hiểm cho đến năm 2050 bởi các công ty tái bảo hiểm và các công ty khác trên thị trường vốn, dựa trên mô hình hóa các rủi ro mà biến đổi khí hậu đang gây ra cho họ.
Tiến sĩ Ana Gonzalez Pelaez, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ độc quyền với Reuters trước khi xuất bản: “Điều này rất quan trọng, bởi vì có định kiến cho rằng các quốc gia này rất khó để hỗ trợ”. “Trên thực tế, chúng tôi có số liệu cho thấy họ có thể được bảo hiểm”, cô nói.
Thứ hai, các nhà nghiên cứu đã chứng minh làm thế nào các hệ thống chia sẻ rủi ro, chủ yếu là các công ty bảo hiểm, có thể sử dụng sự đóng góp từ các quốc gia phát triển để tài trợ cho “phí bảo hiểm” nhằm bảo đảm rủi ro từ khí hậu, từ đó sẽ mở rộng quy mô bảo vệ dành cho các quốc gia dễ bị tổn thương.
Các nhà nghiên cứu cho biết, quỹ tài trợ trị giá 10 triệu USD cho mỗi quốc gia nhận, có thể mang lại khoản bảo vệ hàng năm từ 200 triệu đến 300 triệu USD cho mỗi quốc gia, tổng cộng là 25 tỷ USD nếu được triển khai trên 100 quốc gia.
Chương trình này sẽ sử dụng nguồn tài trợ tương đối khiêm tốn này của nhà tài trợ để cung cấp bảo hiểm chống lại những rủi ro khí hậu tốn kém hơn nhiều nhưng không thể đoán trước như bão và lũ lụt, vốn chỉ có thể xảy ra một lần mỗi thập kỷ hoặc vài thập kỷ một lần.
Rowan Douglas, Giám đốc điều hành của Climate Risk and Resilience tại công ty môi giới bảo hiểm Howden có trụ sở tại Vương quốc Anh, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Ý tưởng là sử dụng nguồn tài trợ mới đó để bảo vệ các quốc gia này ở cấp độ cơ cấu”. Ông Douglas nói thêm: “Hiện tại, không có sản phẩm bảo hiểm nào có thể bảo vệ nền kinh tế quốc gia theo nghĩa này”.
Nhu cầu hành động vô cùng cấp thiết. Nghiên cứu cho biết các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển phải đối mặt với tổn thất tiềm tàng từ 50% đến 300% GDP do các hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra.
Sara Jane Ahmed, cố vấn tài chính cho nhóm V20 gồm các bộ trưởng tài chính của các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu, cho biết cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo các nhà cung cấp đưa ra mức phí bảo hiểm cho các quốc gia dễ bị tổn thương ở mức giá phải chăng.
Bà nói: “Hiện tại, không có quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu nào nằm trong nhóm bảo hiểm rủi ro thiên tai khu vực có thể mua bảo hiểm ở mức bảo hiểm tối ưu: và đó đơn giản là vì họ không đủ khả năng chi trả”.