Đại biểu cho biết, có nhiều công trình, dự án ở vùng sâu, vùng xa khi triển khai phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ. Họ làm việc từ 3 - 6 tháng, mức lương cũng không cao do chủ yếu làm các công việc giản đơn.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhóm đối tượng này được bổ sung vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, khi dự án, công trình kết thúc, những lao động thời vụ đó lại về với việc đồng áng và rất ít có cơ hội quay lại tham gia thị trường lao động để đóng bảo hiểm xã hội, kể cả tham gia tự nguyện. Vì vậy, ban soạn thảo nên quy định thêm điều kiện để trong một số trường hợp, người lao động được lựa chọn nhận tiền công bao gồm cả phần đóng bảo hiểm thay vì đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để có thu nhập được tốt hơn.
Từ tình huống cụ thể này nhìn rộng ra, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là cần thiết để tạo lưới an sinh vững chắc; song với mỗi nhóm đối tượng đều cần cân nhắc kỹ lưỡng mọi khía cạnh để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện và bảo đảm cao nhất quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Chẳng hạn, như Ủy ban Xã hội và các đại biểu đã nêu, thu nhập của nhiều người trong số 4 nhóm đối tượng dự kiến bổ sung vào diện đóng bảo hiểm bắt buộc (nhóm hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có mức hỗ trợ hoạt động trên mức lương cơ sở, nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý điều hành hợp tác xã...) rất thấp. Với nhóm hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố, người sử dụng lao động trong trường hợp này nếu là UBND cấp xã thì liệu ngân sách có “chịu nổi” không? Hoặc, lao động không cần giao kết hợp đồng cũng phải tham gia bảo hiểm - vậy cách nào xác định đối tượng này khi đặc thù của nhóm này là thường xuyên di chuyển, thay đổi công việc và chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu lao động để quản lý? Thực tế triển khai chính sách hỗ trợ người lao động trong đại dịch Covid-19 cũng gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng thụ hưởng.
Đúng như quan điểm của Ủy ban Xã hội, mở rộng một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là vừa mở rộng đối tượng; vừa có giải pháp hiệu quả hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, có phương án nâng cao dịch vụ cung cấp để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu dài; vừa phải tăng cường thực hiện tốt hơn quy định về khai trình lao động, kiểm soát thu nhập và tiền lương tốt hơn gắn với nâng cao thu nhập và mức sống cho người lao động; nâng cao tính tuân thủ của cả người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội; có giải pháp về tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động chủ động, đổi mới chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp… để hỗ trợ khi người lao động gặp khó khăn.
Riêng với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu không đánh giá tác động chính sách thật kỹ lưỡng và bài bản; nếu không cân nhắc kỹ từng tình huống có thể xảy ra với các nhóm đối tượng thì rất dễ dẫn đến tình trạng “chính sách nằm trên giấy” như đại biểu Quốc hội lo ngại.