Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân Thủ đô đã bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế xã hội của đất nước và Thủ đô năm 2019. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao; tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ ngựời thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, việc chăm lo Tết Nguyên đán cho Nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Thời gian qua dịch, Covid-19 xuất hiện, có diễn biến phức tạp, khó lường, trước tình hình cấp bách đó Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và Thành phố Hà Nội đã đánh giá đúng, kịp thời, từ đó, đưa ra những đối sách phù hợp, dịch Covid-19 đã được ngăn chặn, chưa có ca tử vong và, kể từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam đã không có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng. Cử tri đánh giá cao công tác phòng chống dịch của Đảng, Chính phủ, Thành phố niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ được tăng cường. Cử tri đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước và MTTQ các cấp trong việc lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch. Nhân dân biết ơn đến các thầy thuốc không ngại nguy hiểm để cứu chữa cho bệnh nhân trong thời gian có dịch Covid-19.
Cũng trong thời gian thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, cử tri đánh giá qua thực tế việc triển khai họp trực tuyến từ Trung ương đến địa phương giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm lưu lượng tham gia giao thông. Vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0, xây dựng Chính phủ điện tử trong công tác quản lý, điều hành và dạy học. Bên cạnh đó, để hoạt động này hiệu quả cần nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đối với việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là quản lý việc kinh doanh thương mại điện tử.
Liên quan đến cơ chế, chính sách, cử tri huyện Phúc Thọ đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại nội dung Quyết định 1821/QĐ-TTg, ngày 07/10/2014, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và hệ thống đê điều sông Đáy, để một số công trình dân sinh được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Đồng thời, đề nghị Quốc hội có chính sách đặc thù về phát triển kinh tế xã hội cho các huyện ngoại thành của TP Hà Nội nhất là các huyện thuần nông, như phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, nước sạch, văn hóa thể thao,...
Trong khi đó, cử tri huyện Mỹ Đức đề nghị Chính phủ hướng dẫn cụ thể về chế độ Phó Chủ nhiệm HTX theo Quyết định 250/2013/QĐ-TTg. Việc thực hiện Nghị quyết 42-NQ/CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn thu hẹp lại xác nhận của chính quyền phường, xã nơi lao động làm việc. Cử tri huyện Mỹ Đức cũng cho rằng, việc xác nhận mức thu nhập theo chuẩn nghèo của Thành phố khó xác định, có nên lấy đánh giá theo chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố không. Cử tri huyện Ứng Hòa nêu vấn đề, hiện nay, rất nhiều người dân bỏ ruộng không sản xuất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách để hỗ trợ nông dân, hạn chế tình trạng trên.
Về giao thông, xây dựng, cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét nâng cấp, mở rộng (đường đôi) tuyến đường Quốc lộ 32 chạy qua huyện Phúc Thọ (đoạn từ thị trấn Phúc Thọ đến thị xã Sơn Tây); xem xét làm mới đường vành đai nối từ Quốc lộ 32 sang quốc lộ 21 qua 2 xã Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc theo quy hoạch chung; sớm triển khai xây dựng đường vành đai nối từ đường 419 đến đường 418 (đoạn sau trung tâm hành chính huyện Phúc Thọ đến sau chợ Trung tâm thị trấn Phúc Thọ) để đảm bảo an toàn giao thông và tạo thuận lợi giao lưu văn hóa - xã hội, phát triển kinh tế, du lịch.
Cử tri cử tri huyện Thạch Thất cho rằng, Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020; theo quy định của Luật Giáo dục sẽ không có phụ cấp thâm niên và một số khoản phụ cấp, trợ cấp khác cho giáo viên. Đến thời điểm hiện nay, Nhà nước cũng chưa ban hành thang bảng lương riêng cho nhà giáo, chưa thể trả lương theo vị trí việc làm từ ngày 01/7/2020 nên dư luận đội ngũ nhà giáo rất hoang mang vì khi đó lương giáo viên sẽ bị giảm. Đề nghị Quôc hội, nhà nước quan tâm đến tiền lương của đội ngũ nhà giáo.
Về chống suy thoái, tham nhũng, lãng phí, cử tri và nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển hóa trong nội bộ. Đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành kiên quyết xử lý trách nhiệm về đảng và chính quyền đối với vi phạm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đảng viên, cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị để giữ nghiêm kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của Nhân dân.
Đặc biệt, cán bộ, cử tri Thủ đô mong muốn việc quy hoạch Ban Chấp hành Đàng bộ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 phải thực sự công tâm, khách quan, không để các đối tượng cơ hội chính trị, chạy chức, chạy quyền vào các vị trí chủ chốt trong Đảng; kiên quyết không bố trí những nhân sự thiếu gương mẫu, kém phẩm chất, yếu năng lực, có biểu hiện "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau"; thiếu trách nhiệm trong công tác, "dĩ hòa vi quý"... Ngoài ra, cử tri Thủ đô cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến đời sống dân sinh.