8 tháng vẫn chưa được giải quyết
Công ty Cổ phần Năng lượng FICO Bình Định – chủ đầu tư Nhà máy điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2 - vừa tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án này.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nhà máy đã hoàn thành xây lắp, đã được cấp Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình và đã phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia, được ghi nhận trên dữ liệu điện tử của EVN. Về mặt đầu tư, nhà máy đã hoàn thành quy trình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tại thời điểm 31.10.2021, Nhà máy chưa hoàn thành các bước thử nghiệm gồm: thử nghiệm khả năng phát, nhận công suất phản kháng; thử nghiệm kết nối AGC và thử nghiệm tin cậy nên chưa được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và không được vận hành nối lưới, không được hưởng giá ưu đãi (FIT).
Lý do là dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài, diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Nam. Đến tháng 9.2021, nhiều tỉnh vẫn giãn cách xã hội nên việc đưa chuyên gia, thiết bị vào nhà máy gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đã chạy đua với thời gian để hoàn thành toàn bộ phần xây lắp, thực hiện các thủ tục cuối cùng. Sau nhiều nỗ lực, các tuabin đều đã hòa lưới điện, sẵn sàng các thử nghiệm cuối cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhưng lại gặp thời tiết bất lợi, tốc độ gió thấp và không ổn định nên không thể hoàn thành các thí nghiệm.
Trước thực tế này, từ ngày 1.11.2021, lãnh đạo doanh nghiệp đã nhiều lần gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng cho phép COD Nhà máy điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương báo cáo, xem xét giải quyết (Văn bản số 1772/VPCP-V.1 ngày 22.3.2022, Văn bản số 1943/VPCP-CN ngày 30.3.2022).
Tuy nhiên, sau 8 tháng, nhà máy vẫn chưa được các cơ quan quản lý xem xét, báo cáo các cấp thẩm quyền quyết định cho phép COD.
Cơ chế đang tạo rủi ro cho nhà đầu tư?
Trong đơn kiến nghị, Công ty Cổ phần Năng lượng FICO Bình Định cho rằng, cơ chế hiện hành đang tạo rủi ro cho nhà đầu tư.
Cụ thể, theo Thông tư 39/2015/TT-BCT ngày 18.11.2015 của Bộ Công thương quy định nhà máy chỉ được phép chính thức đưa vào vận hành sau khi đã hoàn thành các điều kiện kỹ thuật trong quy trình thử nghiệm COD. Điều này đồng nghĩa “Bộ Công thương đã gộp các điều kiện hoàn thành dự án đầu tư theo quy định của pháp luật để được hưởng giá FIT với các yêu cầu kỹ thuật trong các quy trình thử nghiệm, vận hành”.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, các thử nghiệm kỹ thuật trong quy trình COD phụ thuộc vào thời tiết và năng lượng đầu vào sơ cấp, do đó nó hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố khách quan.
“Nếu áp dụng cứng nhắc quy định cụ thể này của ngành điện để làm điều kiện hoàn thành quá trình đầu tư xây dựng sẽ làm giảm tính minh bạch, không phản ánh đúng bản chất của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và tạo rủi ro cho nhà đầu tư”, doanh nghiệp cho biết.
Bên cạnh đó, các quy định về các điều kiện kỹ thuật trong quy trình công nhận COD nhà máy điện gió trong Thông tư 39/2015/TT-BCT mâu thuẫn với Quyết định 25/QĐ-ĐTĐL ngày 26.3.2019 của Cục Điều tiết điện lực quy định Quy trình thử nghiệm và giám sát thử nghiệm.
Theo Quyết định 25/QĐ-ĐTĐL, trong thời gian thực hiện thử nghiệm, nếu nguồn năng lượng sơ cấp không đạt được các mức công suất để thực hiện các thử nghiệm thì các nhà máy điện gió, nhà máy điện mặt trời được phép thử nghiệm đến mức công suất tối đa theo sự sẵn sàng của nguồn năng lượng sơ cấp. Các thử nghiệm này được phép hoàn thành sau COD trong vòng 1 năm (không cần hoàn thành trước COD).
Mặt khác, tháng 6.2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã áp dụng quy định về thử nghiệm trong quy trình COD cho các nhà máy điện mặt trời rút gọn chỉ cần hoàn thành 3/9 thử nghiệm bắt buộc theo Thông tư 39/2015/TT-BCT.
Từ những phân tích trên, đại diện doanh nghiệp đề nghị Bộ Công thương xem xét để làm căn cứ báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ra quyết định chấp thuận cho Nhà máy điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2 được hoàn thành công nhận COD và hưởng giá FIT tại thời điểm nhà máy hoàn thành đầu tư xây dựng trước 31.10.2021.
Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, thay thế Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về phát triển điện gió, nhà máy điện phải hoàn thành các thử nghiệm trong quy trình COD để được vận hành thương mại. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc lấy điều kiện kỹ thuật trong các quy trình thử nghiệm, vận hành để áp dụng cho điều kiện hoàn thành dự án đầu tư để được hưởng giá FIT là bất hợp lý.
Lý giải rõ hơn, đại diện doanh nghiệp cho rằng, nhà máy đã hoàn thành toàn bộ công tác đầu tư xây dựng và được cấp chứng chỉ nghiệm thu hoàn thành công trình, đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và công trình điện.