Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển ổn định, sẽ là một lực hút hấp dẫn đối với các nhà đầu tư để gia nhập thị trường. Qua đó, sẽ tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia. Và ở chiều ngược lại, môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, thiếu sự cạnh tranh bình đẳng khiến doanh nghiệp khó phát huy được năng lực nội tại của mình.
Nhìn vào thực tại, trước những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu, từ đầu năm 2023 đến nay, nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đứng trước những thách thức lớn. Trong 8 tháng năm nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời rời thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng năm 2022. Với sự gia tăng số doanh nghiệp rời thị trường thời gian gần đây cho thấy, “sức khỏe” của doanh nghiệp đang ở trong tình trạng báo động. Nếu không có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, đến an sinh xã hội, mà trực tiếp là cuộc sống của người lao động.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp hoạt động khó khăn thời gian qua. Trong đó, có việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi; chi phí sản xuất kinh doanh cao. Đây chính là một trong những lực cản làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư. Ngoài ra, một trong những rào cản cũng được nhắc đến nhiều thời gian qua, đó là không ít quy định pháp luật thiếu tính ổn định lâu dài gây khó cho doanh nghiệp. Đáng nói là tình trạng “lạm dụng ban hành thông tư, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật” đã vô hình trung trở thành những “giấy phép con”, làm gia tăng chi phí đối với doanh nghiệp.
Trước những thách thức, các doanh nghiệp chân chính đã rất nỗ lực “vượt cơn gió ngược”. Tuy nhiên, trong nỗ lực vượt khó, doanh nghiệp bị kéo chậm lại bởi không ít các rào cản thủ tục hành chính, một số chính sách thiếu tính chiến lược bền vững. Nếu việc ban hành chính sách chỉ nhằm điều chỉnh trong ngắn hạn, thiếu định hướng dài hạn, chỉ quan tâm đến thuận cho công tác quản lý thì sẽ không tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng, không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Để phát huy được nội lực, ngoài sự nỗ lực tự thân, rất cần những cải cách hành chính để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Muốn vậy, cần tập trung nguồn lực, sửa đổi, bổ sung các luật để khai thác tốt hơn các cơ hội cho doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng số hóa, xanh hóa, đổi mới sáng tạo. Cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, đột phá thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Điều này đòi hỏi đáp ứng hai yêu cầu về công tác quản lý và tạo sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định về thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh ngay trong quá trình dự thảo văn bản, bảo đảm chỉ ban hành các quy định cần thiết, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính để công khai, minh bạch quy trình, thủ tục và giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong triển khai cải cách thủ tục hành chính. Kết quả thực hiện công tác này là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại hàng năm đối với người đứng đầu và cán bộ, công chức của bộ, cơ quan, các cấp chính quyền địa phương.
Sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp là thước đo chính xác nhất về hiệu ứng của thủ tục hành chính đi vào cuộc sống tốt hay không.