Hôm 11.7, đồng yên Nhật Bản đã tăng hơn 2%, đạt mốc 157,4 yên đổi 1 USD. Như vậy, đồng đô la Mỹ giảm tới 2,7% so với đồng yên trong ngày, đánh dấu mức giảm tính theo ngày lớn nhất kể từ cuối năm 2022.
Đài truyền hình địa phương Nhật Bản Asahi trích dẫn nguồn tin chính phủ cho biết các quan chức đã can thiệp. Trong khi đó, hãng tin tức Jiji trích dẫn lời nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu Masato Kanda cho biết ông không thể bình luận về việc có sự can thiệp hay không, nhưng những động thái gần đây của đồng yên "không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản".
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, diễn biến đồng yên tăng có thể là kết quả của việc bán tháo đồng đô la sau khi báo cáo lạm phát Mỹ được công bố cùng ngày, thay vì do can thiệp của chính quyền Nhật Bản.
Cũng trong ngày 11.7, Bộ Lao động Mỹ công bố, CPI lõi tháng 6 tại Mỹ giảm 0,1% so với tháng 5, xuống khoảng 3% và gần như thấp nhất trong hơn 3 năm. Mức giảm này được các nhà phân tích đánh giá là sẽ tạo đà mạnh mẽ để Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới.
Kenneth Broux, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu FX và đánh giá doanh nghiệp của Societe Generale, nhận định: “Đây là một diễn biến đáng chú ý của đồng yên, nhưng tôi không nghĩ là do can thiệp”. Ông Broux cho rằng nguyên nhân là do dữ liệu CPI Mỹ yếu hơn.
Cùng quan điểm, ông Athanasios Vamvakidis, Giám đốc ngoại hối tại Bank of America Global Research ở London, cho biết: "Tôi nghĩ đó chỉ là phản ứng trước chỉ số CPI yếu của Hoa Kỳ và xu hướng suy giảm vị thế mua vào đồng USD của thị trường. Đồng USD suy yếu trên diện rộng, nhưng suy yếu hơn so với đồng yên do vị thế mua".
Việc mua đô la và bán yên trở nên phổ biến vì chênh lệch lãi suất lớn giữa hai quốc gia. Michael Boutros, chiến lược gia kỹ thuật cấp cao tại FOREX.com ở New York, cho biết: "Phần lớn điều này có thể được giải thích là do mọi người đang đổ xô vào giao dịch chênh lệch lãi suất này".
Các nhà đầu tư đã liên tục bán đồng yên trong nhiều tháng do lãi suất ở Nhật Bản thấp hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác. Dữ liệu lạm phát yếu có làm tăng cơ hội Fed cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến. Điều này sẽ thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất của Mỹ và Nhật Bản.
Chỉ số đô la giảm 0,49% xuống 104,45 và trước đó đạt 104,0, mức thấp nhất kể từ ngày 7.6. So với đồng yên, đồng đô la giảm 1,81% xuống 158,75 sau khi chạm mức 157,4, mức yếu nhất kể từ ngày 17.6.
Vào cuối tháng 5, Nhật Bản đã xác nhận chi 62 tỷ USD can thiệp hỗ trợ đồng yên – lần đầu tiên kể từ năm 2022, trong khoảng thời gian từ ngày 26.4 đến ngày 29.5.