- Xin ông cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đã sử dụng hiệu qua công nghệ thông tin chưa?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Việc doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam sử dụng công nghệ thông tin đã có mức độ ngày càng tăng về tính chất hiệu quả. Điển hình trước năm 2000, việc sử công nghệ thông tin chưa hiệu quả chiếm tới 70%. Từ năm 2000 đến năm 2010, số doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin đã tăng 10%. Từ năm 2010 đến nay, số doanh nghiệp sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin lên 43%.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng | Ảnh: Thanh Bình |
Xét về quy mô lớn nhỏ của doanh nghiệp thì số doanh nghiệp lớn sử dụng công nghệ thông tin có hiệu quả với mức tăng mạnh mẽ nhất. Cụ thể, năm 2000 từ 26% lên 73%; doanh nghiệp vừa thì vẫn ở mức quanh quẩn 30% trước năm 2000 và sau năm 2010 là 28%. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ 30% trước năm 2000 lên 52 – 54% sau năm 2010.
- Vậy theo ông, lợi ích của doanh nghiệp khi sử dụng tốt công nghệ thông tin là gì?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Lợi ích của doanh nghiệp khi sử dụng công nghệ thông tin gồm có là khả năng tiếp cận thông tin pháp luật, chính sách cao hơn; nắm bắt thông tin về thủ tục hành chính dễ dàng hơn; doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật để từ đó tăng khả năng dự đoán thay đổi chính sách pháp luật cao hơn so với những doanh nghiệp chưa sử dụng công nghệ thông tin.
Nếu doanh nghiệp sử dụng tốt công nghệ thông tin trong hoạt động của mình thì việc tìm ra những kiến thức cần và đủ để thực hiện thủ tục hành chính đơn giản hơn và giảm thời gian để thực hiện những thủ tục này. Đặc biệt sẽ giúp cho việc giảm cơ hội nảy sinh tiêu cực trong hoạt động thực hiện thủ tục hành chính.
- Việt Nam đã có những chính sách gì để phát triển công nghệ thông tin cho tương lai, thưa ông ?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41 để ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, bổ sung việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm có nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, dịch vụ khắc phục sự cố an toàn thông tin, bảo vệ an toàn thông tin.
Mức ưu đãi thuế đối với những đối tượng bằng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp có dự án sản xuất phần mềm. Ngoài ra, giảm 50% số thuê thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, là đội ngũ những người có tình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã ban hành Nghị quyết 36a về cải cách thủ tục hành chính. Nghị quyết này đã giúp cho các doanh nghiệp rút bớt thời gian, công sức khi làm thủ tục hành chính. Trong đó, những doanh nghiệp có hoạt động công nghệ thông tin là đối tượng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ này.
Đồng thời, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện tập hợp và đưa vào danh mục công nghệ cao, khuyến khích đầu tư, khuyến khích phát triển một số công nghệ. Một số công việc phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số. Bộ KHCN sẽ điều chỉnh bổ sung văn bản, quy định lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực cần ưu tiên khuyến khích KHCN. Những văn bản này sẽ giúp nghị quyết Chính phủ, hỗ trợ làn sóng công nghệ số ở Việt Nam.
- Như vậy bản thân doanh nghiệp sẽ phải làm gì, thưa ông?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Theo đánh giá Đại học Harvard của Mỹ, Việt Nam là 1 trong 5 cánh của ngôi sao đang lên trong làng công nghệ số của thế giới. Trong đó, 5 nền kinh tế là 5 cánh sao đó gồm: Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Đây là 5 nước có khả năng tạo nên đột phá trong nền kinh tế số. Để có thể đón nhận làn sóng công nghệ số, các doanh nghiệp phải sẵn sàng tư thế tốt nhất cho bản thân bằng cách tự tạo nguồn nhân lực tốt nhất, trang bị những trang thiết bị thích ứng với làn sóng này.
- Xin cảm ơn ông!