Luật Doanh nghiệp được sửa đổi nhằm đưa doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút các nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho biết, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã quy định thống nhất các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng được tách bạch. Cụ thể, các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp như: yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định... được bãi bỏ.
Nguồn: ITN |
Ngoài ra, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần thứ 5 đã có cải cách lớn khi xây dựng hai danh mục quy định về ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, các lĩnh vực cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên người dân khó theo dõi. Đặc biệt, danh mục này không được quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nên nhiều khi hoạt động của doanh nghiệp có thể bị hạn chế bởi thông tư, công văn.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Trần Vũ Hải, việc quy định không ghi các ngành nghề kinh doanh trong Giấy đăng ký kinh doanh là chưa đủ chặt chẽ. Vì vậy, cần duy trì 2 phương án: không ghi rõ các ngành nghề kinh doanh và ghi theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng tình với quan điểm này, Phụ trách Phòng Đầu tư và quản trị doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Xuân Thuyên cho rằng, cần cân nhắc lại việc có ghi hay không ghi ngành nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bởi hiện nay trong nhiều thủ tục hành chính các doanh nghiệp vẫn cần giấy đăng ký xác nhận về ngành nghề kinh doanh.
Nhìn chung, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần thứ 5 đã tiếp tục kế thừa, phát huy các kết quả và tác động tốt, cũng như khắc phục phần lớn các hạn chế, bất cập của Luật Doanh nghiệp hiện hành, nhất là việc tạo điều kiện thuận lợi đối vớái các thủ tục gia nhập thị trường. Tuy nhiên, theo cách tính của Ngân hàng thế giới năm 2013, khởi sự kinh doanh ở nước ta gồm 10 thủ tục với tổng thời gian vào khoảng 34 ngày, xếp hạng thứ 109/189 quốc gia và nền kinh tế. Vì vậy, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh vẫn hết sức cấp thiết.
Dự kiến, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Hy vọng, khi Luật chính thức đi vào cuộc sống sẽ tạo những bước đột phá mới, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư.