Sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam

Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tôn giáo

- Thứ Hai, 27/06/2022, 06:31 - Chia sẻ

Nguyễn Khắc Huy - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có nhiều điểm mới, trong đó có quy định bảo đảm quyền sinh hoạt, hoạt động tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, được cộng đồng tín đồ và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 đã quy định cụ thể, chi tiết cho việc sinh hoạt, hoạt động tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam trên nguyên tắc mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và Nhà nước tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại Điều 24, Hiến pháp 2013.

Luật không chỉ quy định cho người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo như người Việt Nam mà còn cho phép sinh hoạt ở địa điểm hợp pháp khác; được có chức sắc, nhà tu hành là người Việt Nam hoặc nước ngoài giảng đạo; được vào tu tại cơ sở tôn giáo, theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo, được phong phẩm làm chức sắc của tổ chức tôn giáo Việt Nam, được tổ chức tôn giáo ở Việt Nam mời tham gia các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam…

Ngoài nguyên tắc chung tại Điều 8, Luật còn quy định chi tiết cho biện pháp thực hiện tại các Điều 47, 48, 49, 51 và Điều 17, Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30.12.2017. 

Thực tế, qua hơn 4 năm thực hiện Luật, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam đã được bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, chính quyền các địa phương đã và đang tạo điều kiện cho hàng chục điểm nhóm của người nước ngoài với số lượng hàng nghìn người được sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo Việt Nam hoặc địa điểm hợp pháp; chức sắc nước ngoài được giảng đạo tại điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung; người nước ngoài được mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo.

Sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam thời gian qua đã làm phong phú thêm sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam, là một minh chứng rõ ràng Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Các quy định tại Điều 8, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hoạt động tôn giáo của cá nhân tín đồ, chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Trong buổi gặp mặt người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam ngày 27.4.2021 tại Hà Nội, các chức sắc, đại diện điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, cũng như các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam của các hội, nhóm.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nêu: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Với nguyên tắc đối ngoại tại Nghị quyết Đại hội XIII, từ quy định pháp luật hiện hành và thực trạng sinh hoạt, hoạt động tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam như nêu trên, có một số vấn đề đặt ra để tham khảo trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, trong đó có việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Thứ nhất, theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 8 và Khoản 1, Điều 47, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, người nước ngoài được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác. Hiện nay việc thực hiện quy định này cơ bản đi vào nền nếp, các nhóm người nước ngoài chủ yếu đăng ký sinh hoạt tập trung tại địa điểm hợp pháp. Nhưng cũng đã có những nhóm người nước ngoài thông qua cơ quan ngoại giao đại diện Nhà nước họ đề nghị xin xây dựng cơ sở tôn giáo riêng để sinh hoạt, như cộng đồng tín đồ Chính thống giáo là công dân Liên bang Nga cư trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Do chưa có quy định pháp luật về vấn đề này nên cơ quan chức năng chưa thể đáp ứng. Trong khi đó, cộng đồng người Việt cư trú ở một số quốc gia đã được phép có cơ sở tôn giáo riêng, thậm chí còn thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức tôn giáo ở Việt Nam (Phật giáo, Cao Đài).

Các vị chức sắc, đại diện điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam dự buổi gặp mặt của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2021 - Ảnh: Văn Điệp
Các vị chức sắc, đại diện điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam dự buổi gặp mặt của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2021
Ảnh: Văn Điệp

Với đường lối đối ngoại rộng mở, tích cực và chủ động hội nhập toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân vào Việt Nam hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… trong đó sẽ có nhiều người là tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam chưa có như Chính Thống giáo, Do Thái giáo, Hindu… Nhu cầu có cơ sở tôn giáo riêng để sinh hoạt tôn giáo có thể tiếp tục được đặt ra. Vì vậy, cơ quan chức năng cần chủ động khảo sát thực trạng và dự báo nhu cầu phát triển để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về vấn đề này cho phù hợp.

Thứ hai, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ quy định đối với sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân chức sắc, tín đồ, nhà tu hành trong sinh hoạt tôn giáo tập trung, tu hành, đào tạo, bồi dưỡng về tôn giáo, phong phẩm, giảng đạo… mà không quy định về hình thức tổ chức của cộng đồng tín đồ người nước ngoài ở Việt Nam. Thực tế, các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung cũng mang hình thức tổ chức tôn giáo trực thuộc, có chức sắc, nhà tu hành (người đại diện) để hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo và tổ chức các hoạt động liên quan, có thể các nhóm này có liên hệ với tổ chức tôn giáo ở nước mình thông qua các vị đại diện nhóm để được hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo. Nếu có như vậy, quy định của Luật có bỏ sót đối tượng cần quản lý là “tổ chức” hay không?

Từ hai vấn đề nêu trên, đề nghị cơ quan chức năng liên quan quan tâm nghiên cứu, khảo sát đánh giá thực trạng sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, nhất là nhu cầu xây dựng cơ sở tôn giáo và thành lập tổ chức tôn giáo của từng cộng đồng tín đồ của mỗi tôn giáo. Để bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về tôn giáo nói riêng cần quan tâm nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong đó có người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước.