Sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam

Vừa đáp ứng nhu cầu, vừa bảo đảm đúng giáo lý, giáo luật

- Thứ Hai, 27/06/2022, 06:25 - Chia sẻ

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung chỉ cần gửi hồ sơ đề nghị đến Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Theo Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội trưởng Hội Thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, quy định này tạo thuận lợi nhưng cũng nảy sinh một số bất cập.

Trước khi có Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, người nước sinh sống, làm việc tại Việt Nam được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo như tín đồ tôn giáo Việt Nam; đăng ký sinh hoạt thông qua tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân được Nhà nước công nhận. Trước năm 2018, Hội Thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc đứng ra đăng ký cho trên 10 nhóm người nước ngoài được sinh hoạt tôn giáo tập trung, ký cam kết cho họ về địa điểm sinh hoạt…

Mục sư Nguyễn Hữu Mạc  - Ảnh: Ng.Phương
Mục sư Nguyễn Hữu MạcẢnh: Ng.Phương

Khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời, Điều 47 quy định: “Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác gửi hồ sơ đề nghị đến Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm dự kiến sinh hoạt tôn giáo tập trung”. Theo đó, người nước ngoài làm việc, học tập và sinh sống tại Việt Nam được trực tiếp đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền địa phương, không phải thông qua tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân trong nước. Điều này thể hiện sự bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định như vậy cũng nảy sinh một số bất cập. Thực tế, với một số hệ phái mới, để tồn tại, họ phải lôi kéo tín hữu của các tôn giáo khác. Lúc đầu họ âm thầm, thông qua kênh này kênh kia tiếp cận một số chức sắc, chức việc, tín hữu trong Giáo hội, mời đi học. Sau đó thông qua những người này lôi kéo tín hữu đến với họ. Một số tổ chức lấy danh nghĩa dạy Kinh thánh, giáo lý, nhưng mục tiêu, quan điểm của họ có thể không đúng với ý nghĩa thực của Kinh thánh.

Trong trường hợp này, nếu họ đăng ký sinh hoạt qua tổ chức tôn giáo có niềm tin giáo lý tương đồng, chúng tôi sẽ hướng dẫn họ làm hồ sơ đăng ký và chịu trách nhiệm nhắc nhở họ khi thấy có chiều hướng sai với giáo lý, giáo luật. Là người đồng đạo và trực tiếp sinh hoạt trong Giáo hội, nếu có yếu tố “tà giáo”, “dị giáo”, chúng tôi dễ dàng phát hiện và can thiệp.

Khi người nước ngoài đăng ký sinh hoạt tôn giáo trực tiếp với cơ quan chức năng, Nhà nước có thể quản lý các vấn đề được pháp luật quy định, nhưng trong quá trình sinh hoạt nếu vượt ra ngoài giáo lý, niềm tin, cơ quan chức năng khó xử lý, chỉ khi họ sai phạm mới “bắt lỗi” được.

Do vậy, các quy định pháp luật cần hài hòa theo hướng vừa tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam nhưng đồng thời phải bảo đảm đúng quy định, đúng giáo lý, giáo luật, tránh bị lợi dụng.

Thảo Nguyên ghi