Sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam

Sẵn sàng tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo chính đáng, đúng pháp luật

- Thứ Hai, 27/06/2022, 06:28 - Chia sẻ

“Khi được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo tập trung, bày tỏ đức tin, đáp ứng nhu cầu tâm linh, họ (người nước ngoài - PV) thêm gắn bó, yêu Hà Nội, yên tâm sinh sống học tập, lao động, làm việc. Điều này tác động tích cực đến rất nhiều lĩnh vực trong đời sống, kinh tế, chính trị xã hội của Thủ đô” - TS. PHẠM TIẾN DŨNG - Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội khẳng định.

Căn cứ pháp lý rõ ràng

- Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được đánh giá đã tạo thuận lợi cho hoạt động, sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam. Xin ông cho biết, tình hình hoạt động, sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Hà Nội, nhất là từ khi Luật ra đời?

Sẵn sàng tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo chính đáng, đúng pháp luật
TS. Phạm Tiến Dũng. Ảnh: Ng. Phương

- Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo dành 1 mục với 7 điều quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài, trong đó điểm mới tiến bộ là tạo điều kiện cho nhóm người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung có thể thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo; người nước ngoài có thể được tổ chức tôn giáo ở Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị…

Từ khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực, sinh hoạt tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo nước ngoài tại Hà Nội ổn định, tuân thủ pháp luật Việt Nam và tham gia tích cực vào các phong trào nhân đạo, từ thiện trên địa bàn Thành phố và các tỉnh lân cận. Việc quản lý sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Hà Nội cũng có nhiều điểm thuận lợi như: Căn cứ pháp lý rõ ràng về địa điểm hợp pháp, thành phần hồ sơ liên quan đến việc giải quyết nhu cầu đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài; Thành ủy, UBND Thành phố sẵn sàng tạo điều kiện về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài chính đáng, đúng pháp luật.

Hiện có khoảng 12.000 - 13.000 người nước ngoài sinh sống, lao động, học tập tại Hà Nội. Trong đó, người nước ngoài theo đạo Tin lành chiếm số lượng lớn với 13 nhóm đã được Thành phố chấp thuận sinh hoạt tôn giáo tập trung. Ngoài ra, còn một bộ phận người nước ngoài theo đạo Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Mặc Môn) tham gia sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo của người Việt Nam.

Để công tác quản lý nhà nước hiệu quả và chặt chẽ, chúng tôi thường hướng dẫn các nhóm người nước ngoài thông qua tổ chức tôn giáo trong nước đã được công nhận đứng ra bảo trợ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Một mặt, cơ quan quản lý nhà nước sẽ nắm được nguồn gốc, giáo lý, giáo luật của nhóm người nước ngoài, mặt khác, sớm phát hiện các hiện tượng tôn giáo mới du nhập vào Việt Nam như: Đức Chúa Trời Mẹ, Ân điển cứu rỗi… từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.

- Các tín đồ tôn giáo người nước ngoài đánh giá ra sao khi được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo thuận lợi như vậy, thưa ông?

- Hầu hết người nước ngoài được tham gia sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam đều bày tỏ sự phấn khởi, hào hứng. Nhiều người nước ngoài khi mới sang Việt Nam làm việc, sinh sống, cảm thấy khó khăn để tìm thấy nơi sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt tìm nơi có ngôn ngữ họ hiểu. Khi được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo tập trung, bày tỏ đức tin, đáp ứng nhu cầu tâm linh, họ thêm gắn bó, yêu Hà Nội, yên tâm sinh sống học tập, lao động, làm việc. Điều này tác động tích cực đến rất nhiều lĩnh vực trong đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội của Thủ đô.

Chức sắc, tín đồ người nước ngoài tại Việt Nam ngoài hoạt động tôn giáo còn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, hưởng ứng các phong trào của Thành phố như xây cô nhi viện, bệnh viện; tham gia bảo vệ môi trường, thu gom rác thải; tặng quà Giáng sinh cho trẻ em; hỗ trợ các trung tâm dạy nghề, chăm sóc người già, trẻ em, người khuyết tật...

Sẵn sàng tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo chính đáng, đúng pháp luật
Tín đồ người nước ngoài cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo Al Noor, 12 Hàng Lược, Hà Nội. Nguồn: VOVTV

Kết hợp lợi ích tôn giáo và lợi ích dân tộc

- Ngoài những thuận lợi như ông vừa nêu, sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Hà Nội hiện nay có gặp khó khăn, bất cập gì không?

- Người nước ngoài vào Hà Nội với nhiều nhu cầu đa dạng: du lịch, kinh doanh, làm việc, tìm kiếm cơ hội đầu tư… truyền đạo, hình thành những hiện tượng tôn giáo mới, giáo phái mới có nguồn gốc du nhập từ nước ngoài. Điều đó gây khó khăn trong quá trình quản lý, xung đột văn hóa truyền thống như sự thâm nhập của tổ chức: Đức Chúa Trời Mẹ, Siêu ân điển, Ân điểm cứu rỗi... Các giáo phái này có giáo lý tương tự đạo Tin lành nhưng hoạt động có tính xâm hại đạo đức xã hội, thân thể, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của con người; xúc phạm, chia rẽ, tín ngưỡng, tôn giáo.

Một số người nước ngoài theo những hệ phái “tà giáo”, tập trung sinh hoạt tôn giáo thành nhóm nhỏ. Khi họ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, các cơ quan chức năng rất khó tìm hiểu nguồn gốc giáo phái, quá trình hoạt động của họ ở nước sở tại. Thông qua hoạt động tôn giáo, một số đối tượng tìm cách chính trị hóa hoạt động tôn giáo, xem tôn giáo là một cách thức để tập hợp tín đồ chống phá đất nước thông qua sự kết nối chặt chẽ giữa số đối tượng bên trong và bên ngoài.

Ngoài ra, vì người nước ngoài không có cơ sở tôn giáo nên họ thường tìm đến các khách sạn, tòa nhà cho thuê văn phòng… làm nơi nhóm họp, sinh hoạt tôn giáo. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện chưa có tòa nhà nào xây dựng với mục đích làm văn phòng, trụ sở, nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung. Việc sinh hoạt tôn giáo như vậy ảnh hưởng không nhỏ tới người dân sống tại khu vực xung quanh, đặc biệt vào các lễ tập trung đông người, có truyền giảng, hát Thánh ca.

- Dự báo số người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, ngày càng gia tăng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải làm gì để vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của họ, đồng thời vẫn bảo đảm công tác quản lý nhà nước?

- Trước những biến đổi của đời sống tôn giáo dưới tác động của xu hướng quốc tế hóa tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có những quan điểm, chính sách phù hợp nhằm phát huy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực.

Ban Tôn giáo Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện đề án quản lý sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài; thống nhất việc quản lý các nhóm người nước ngoài và có quy trình chung về thành phần, hồ sơ, điều kiện cần và đủ để các nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, tránh trường hợp mỗi tỉnh, thành phố áp dụng một quy trình khác nhau.

Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại. Bổ sung việc quản lý sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam trong chính sách về hoạt động đối ngoại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo của người nước ngoài.

Các tổ chức tôn giáo cũng như đội ngũ chức sắc, tín đồ tôn giáo Việt Nam cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, có giải pháp cụ thể nhằm thực hiện phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”, hòa đồng nhưng không hòa tan, nâng cao ý thức công dân, cảnh giác với các thế lực thù địch, yếu tố nước ngoài hòng lợi dụng vấn đề tôn giáo để gây mất trật tự an ninh - xã hội. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là tạo môi trường thuận lợi cho các tôn giáo phát triển; ngược lại, các chủ thể tôn giáo cũng cần nhìn nhận được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, kết hợp lợi ích tôn giáo và lợi ích dân tộc, qua đó góp phần phát triển tôn giáo, đồng thời tạo ra động lực phát triển xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Minh - Ngọc Phương thực hiện