Triển khai Nghị quyết bằng những đề án cụ thể
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải, để cụ thế hoá Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, bên cạnh 5 đề án, chương trình đã hoàn thành (Đề án thành lập trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động; Chiến lược đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Nghị quyết về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới...), 6 tháng đầu năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các bộ phận xây dựng 5 Đề án, gồm: Thí điểm xây dựng mô hình tổ chức hoạt động công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có đông đoàn viên; Thí điểm mô hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trực thuộc Tổng Liên đoàn; Thí điểm mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của công đoàn cơ sở doanh nghiệp có dưới 25 đoàn viên; Công đoàn tham gia xây dựng và phát triển quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ, giai đoạn 2023 - 2028; Xây dựng đội ngũ tư vấn viên pháp luật và luật sư công đoàn.
Bên cạnh đó, chương trình công tác công đoàn năm 2023 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã được 100% Công đoàn ngành, địa phương cụ thể hóa, tập trung giao nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cho các đơn vị trực thuộc; hướng dẫn hoạt động công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, hoạt động công đoàn cơ sở với những giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, rõ hoạt động, rõ trách nhiệm, linh hoạt, kịp thời; chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền đồng cấp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động ngày càng tốt hơn, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ công tác đóng góp nhiều hơn vào sự phát trỉển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức 3 Hội nghị Đoàn Chủ tịch, 2 Hội nghị Ban Chấp hành, 1 Hội nghị các Chủ tịch để bàn, thảo luận và thống nhất nhiều nội dung quan trọng, quyết sách các vấn đề nổi lên cần quán triệt thực hiện trong các cấp công đoàn, như: Đại hội công đoàn các cấp, công tác quản lý tài chính, tài sản, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã bầu bổ sung 1 Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn nhiệm kỳ 2018 - 2023, kiện toàn một số chức danh Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn.
Ngoài ra, công tác phối hợp với Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy, Ban cán sự Đảng các bộ, ngành trong chỉ đạo hoạt động công đoàn các tỉnh, ngành được quan tâm. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi làm việc đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa hai cơ quan giai đoạn 2020 - 2025; làm việc với các Tỉnh ủy Bắc Giang, Tiền Giang, Long An, Hải Dương về công tác tổ chức đại hội công đoàn; kết quả đổi mới hoạt động công đoàn trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị; tiến độ thực hiện dự án thiết chế công đoàn; việc sắp xếp cơ sở nhà đất của tổ chức Công đoàn theo Nghị định của Chính phủ...
Tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay cũng đánh dấu các chương trình phối hợp giữa Công đoàn với các ban, bộ, ngành Trung ương và các cơ quan ở địa phương thường xuyên được rà soát, xác định rõ nội dung công việc để tập trung tổ chức triển khai thực hiện, với mục tiêu thiết thực, hiệu quả. Tổng LĐLĐ Việt Nam và Chính phủ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác năm 2022, ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ của các bên với nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Đặc biệt, trong năm 2023, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thống nhất 7 nhiệm vụ tổng quát. Trong đó, Chính phủ đã xác định ưu tiên 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá giao các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương triển khai thực hiện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Cụ thể, đó là tăng cường đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tạo việc làm bền vững, năng suất, chất lượng cao cho công nhân, người lao động thông qua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tháo gỡ các khó khăn liên quan các thị trường, hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp đang bị suy giảm; mở rộng thị trường; cùng với đó là nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước. Thứ hai, tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động để công nhân “an cư lạc nghiệp”. Thứ ba, từng bước giải quyết, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐ cũng đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp giai đoạn 2017 - 2022, ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2028 với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp với Bộ Công an, ban hành Quy chế phối hợp giai đoạn 2023 - 2028. Đến nay, có 37 chương trình, quy chế phối hợp giữa Tổng Liên đoàn với ban, bộ, ngành Trung ương.
Riêng đối với Công đoàn các ngành, địa phương cũng đã cụ thể hóa Kế hoạch cải cách hành chính của Tổng Liên đoàn năm 2023 phù hợp với thực tiễn của ngành, địa phương, cơ sở, qua đó đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần chung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hành chính, góp phần thực hiện “Văn phòng không giấy tờ”, ứng dụng, vận hành có hiệu quả các phần mềm hỗ trợ hoạt động công đoàn; tiến hành rà soát các văn bản, gắn với công tác pháp chế văn bản, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, tránh chồng chéo, chồng lấn; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Công đoàn…