Đổi mới cơ chế quản lý, quản trị để nâng cao hiệu quả

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 08:29 - Chia sẻ
Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn vừa làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty điện lực - TKV và Công ty Nhiệt điện Mông Dương 1, khảo sát tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 về hiệu quả hoạt động, việc bảo đảm nguồn nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh vai trò của các đơn vị điện lực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng được cơ cấu điện hợp lý; đặc biệt là đổi mới cơ chế quản lý, quản trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bảo đảm cung cấp điện an toàn

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là do tác động dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành điện đã luôn đồng hành, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Hầu hết các đơn vị điện lực đã tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Cụ thể, đối với EVN, chỉ trong 7 tháng năm nay, lượng điện sản xuất đạt 136,99 tỷ kWh, tăng 2,42% so cùng kỳ năm trước, bằng 54,4% kế hoạch cả năm; điện thương phẩm đạt 122,69 tỷ kWh, tăng 2,3% so với cùng kỳ, bằng 53,81% kế hoạch năm. Dự báo sản xuất kinh doanh năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên điện thương phẩm ước đạt 215,2 tỷ kWh, bằng 94,4% kế hoạch năm. Tuy nhiên, với kết quả ước thực hiện như vậy, lượng điện thương phẩm của năm nay do EVN sản xuất vẫn tăng 2,6% so với năm 2019; điện sản xuất và mua ước đạt 238,4 tỷ kWh, tăng 3,3% so với năm 2019. Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo đã được các đơn vị chú trọng thực hiện, góp phần quan trọng thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo. Nhờ đó, đến nay, 100% số xã, 99,52% các hộ dân, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước đã có điện… Với Tổng Công ty điện lực - TKV, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng điện sản xuất đạt 5.554 triệu kWh, bằng 56,7% kế hoạch và bằng 103,6% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến cả năm đạt trên 10 tỷ kWh. Tính chung từ khi đi vào vận hành sản xuất (năm 2010) đến nay, đơn vị đã sản xuất được 31,5 tỷ kWh điện, góp phần không nhỏ trong việc giữ vững an ninh năng lượng chung của đất nước.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại cuộc làm việc với Tổng Công ty điện lực - TKV

Ảnh: Trung Thành 

Tăng cường áp dụng công nghệ mới

Bên cạnh những kết quả nêu trên, báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, lãnh đạo các đơn vị đều nêu thực tế khó khăn lớn hiện nay là thiếu nguyên liệu để sản xuất điện, dẫn tới việc phải nhập khẩu. Lãnh đạo EVN cho biết, theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, tổng nhu cầu than giai đoạn 2016 - 2030 là khoảng 1,4 tỷ tấn, trong đó than nội là 735 triệu tấn, than nhập khẩu gần 680 triệu tấn. Thế nhưng, đối với than trong nước, do việc khai thác gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc phát triển các mỏ mới, nên từ năm 2018 Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc đã phải nhập khẩu than và phối trộn để cấp cho sản xuất điện. Dự kiến, trong giai đoạn 2020 - 2025, do sản lượng than trong nước cấp cho sản xuất điện chỉ khoảng 35 - 37 triệu tấn/năm nên nhu cầu than nhập khẩu sẽ tăng cao so với dự kiến trong quy hoạch. Trong đó, ước tính năm nay sẽ nhập khẩu gần 30 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 44,2%), đến năm 2025 tăng lên khoảng 60 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 62,3%) và cao hơn 5 triệu tấn so với dự kiến. Mặc dù nước ta có rất nhiều nguồn sản xuất điện năng như điện gió, điện mặt trời, điện từ khí, thủy điện, nhiệt điện than… Tuy nhiên, giá thành điện gió, điện mặt trời hiện còn cao nên nhiệt điện than vẫn giữ một vị trí rất quan trọng trong hệ thống sản xuất điện quốc gia bởi giá thành hợp lý và hiệu suất cao. Nhu cầu về nhiên liệu cho sản xuất điện hiện nay và trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt là than. Vì thế phải sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất điện. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các đơn vị điện lực cần tập trung ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh; đặc biệt chú trọng công tác bảo đảm an ninh và an toàn hệ thống. Đây là cơ sở để nâng cao hiệu quả, giá trị và tận dụng tối đa nguồn nhiên liệu cũng như bảo đảm vừa sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xác định, phê duyệt và triển khai các dự án về hạ tầng nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện vì cơ sở hạ tầng hiện vẫn thiếu và yếu. Chia sẻ với nhiều khó khăn trước mắt của ngành điện như: quy hoạch chưa đồng bộ, nhu cầu điện ngày càng tăng lên, giá điện còn thấp, hệ thống pháp luật cần tiếp tục phải hoàn thiện… song, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đặc biệt lưu ý nguy cơ thiếu điện, nhất là trong giai đoạn 2021 – 2024, đã rất rõ. “Mục tiêu lớn nhất trong giai đoạn tới là không để đất nước thiếu điện phục vụ phát triển kinh tế cũng như đời sống nhân dân”. Nhấn mạnh quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, vai trò của các đơn vị điện lực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là vô cùng quan trọng. Do đó, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng được cơ cấu điện hợp lý; đặc biệt là đổi mới cơ chế quản lý, quản trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực. 

Trung Thành